Tin Thế Giới.
Chiến tranh Ukraina: Mỹ cho gởi những chiếc tăng Abrams đầu tiên sang Ukraina (RFI)
Những chiếc xe tăng Abrams đầu tiên sẽ được Mỹ gởi sang Ukraina ngay từ cuối tuần này. Theo kênh truyền hình Mỹ CNN tối hôm qua, 07/08/2023, ông Doug Bush, lãnh đạo bộ phận mua sắm của Quân Đội Hoa Kỳ đã loan báo tin trên, đồng thời ước tính rằng những chiến xa này sẽ đến Ukraina vào đầu mua thu tới đây.
Trong môt cuộc họp báo, ông Doug Bush cho biết sau nhiều tháng được chuẩn bị, các chiến xa Abrams dành cho Ukraina “đã sẵn sàng” lâm trận, sẽ được trung chuyển qua châu Âu trước khi đến Ukraina cùng với các trang bị kèm theo, từ đạn dược, phụ tùng thay thế cho đến các thiết bị cung cấp nhiên liệu, cơ sở sửa chữa.
Khi loan báo quyết định cấp xe tăng Abrams cho Ukraina, tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối tháng Giêng vừa qua đã khẳng định rằng đây là loại chiến xa “mạnh nhất thế giới”, nhưng “việc bảo trì cũng phức tạp”. Do đó, theo ông, Mỹ sẽ gửi các thiết bị cần thiết để bảo trì những chiếc xe tăng này trên thực địa. Ông Biden đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người Ukraina phải được “huấn luyện hoàn hảo” để sử dụng những chiếc xe tăng này.
Theo CNN, ông Doug Bush không nêu rõ số lượng xe tăng được gửi đi trong đợt đầu tiên này, nhưng Hoa Kỳ đã lên kế hoạch gởi tổng cộng 31 chiếc Abrams qua Ukraina, và đã quyết định cung cấp loại Abrams M1A1, cũ hơn phiên bản A2 tối tân hơn, nhưng có thể được sử dụng nhanh hơn.
Cũng theo CNN, Mỹ đã bắt đầu huấn luyện binh sĩ Ukraina trên xe tăng Abrams từ tháng 5 vừa qua tại Đức.
Hoa Kỳ cấp thêm 200 triệu đô la vũ khí cho Kiev
Cũng trong lãnh vực vũ khí cho Ukraina, chính quyền Biden vào hôm nay sẽ công bố môt khoản viện trợ vũ khí mới trị giá 200 triệu đô la cho Ukraina. Đây là khoản giải ngân đầu tiên trong số 6,2 tỷ đô la viện trợ dôi ra sau khi một lỗi kế toán của Lầu Năm Góc bị phát hiện.
Theo hãng tin Anh Reuters, tháng 5 vừa qua, Lầu Năm Góc thừa nhận đã định giá quá cao số vũ khí của Mỹ được chuyển đến Ukraina, khiến cho số đạn dược, súng ống, tên lửa… cung cấp cho Kiev ít hơn so với ngân khoản dự trù. Khoản chênh lệch so với giá đúng lên đến 6,2 tỷ đô la.
Lỗi kế toán được bù đắp đã rất có lợi cho Ukraina vì nước này sẽ được nhận thêm vũ khí từ Mỹ.
Hạ Viện Đức đồng ý cấp tên lửa tầm xa cho Ukraina
Theo Reuters, lãnh đạo phái đoàn Ukraina tại Hội Đồng Nghị Viện NATO hôm qua cho biết, theo thông báo của các nghị sĩ Đức, các đảng phái chính trong Bundestag, tức Hạ Viện Đức đã đồng ý trên việc chuyển giao cho Ukraina tên lửa hành trình Taurus với tầm bắn 500 km.
Chỉ mới tuần trước, bộ trưởng Quốc Phòng Đức còn nói rằng Berlin không có kế hoạch cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraina vào thời điểm hiện tại, đánh giá rằng loại vũ khí này không phải là một ưu tiên. Một phát ngôn viên của bộ Quốc Phòng Đức vào hôm qua đã nhắc lại với Reuters rằng lập trường của Berlin không thay đổi.
Một quốc gia ẩn danh mua 50 xe tăng Bỉ Leopard 1 gửi cho Ukraina (RFI)
Ukraina sẽ nhận được từ 30-50 xe tăng Bỉ Leopard 1 từ một nước hảo tâm ẩn danh. Ngày 08/08/2023, tập đoàn công nghiệp Đức Rheinmettall xác nhận chịu trách nhiệm hợp đồng mua lại hàng chục xe tăng cũ Leopard 1 từ công ty Bỉ OIP Land Systems để tu sửa, lắp đặt thiết bị hiện đại, sau đó gửi cho Ukraina.
Trước đó, nhiều cơ quan truyền thông Bỉ đưa tin là « một nước không rõ danh tính », theo thỏa thuận bảo mật, mua 50 xe tăng cũ Leopard 1 của công ty Bỉ OIP Land Systems (trụ sở tại Tournai). Cách nay 10 năm, do cắt giảm ngân sách, quân đội Bỉ đã bán số xe tăng này cho OIP Land Systems.
Tập đoàn công nghiệp Đức Rheinmettall, có trụ sở ở Düsseldorf, được ủy quyền giao dịch, mua số xe tăng nói trên và chịu trách nhiệm tu sửa, tân trang để giao cho Ukraina, từ 30 đến 50 chiếc. Thời gian tu sửa có thể lên đến 6 tháng. Việc vận chuyển đến Ukraina cũng cần thời gian tương tự, theo ông Freddy Versluys, tổng giám đốc công ty OIP Land Systems khi trả lời nhật báo Bỉ De Standaard, vì không thể « đặt cả 50 xe tăng lên xe tải trong vài ngày ».
Ông không biết chính xác thời hạn và địa điểm giao xe tăng cho Ukraina, nhưng khẳng định, hợp đồng được thỏa thuận với « giá tốt, thấp hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay ». Do nhu cầu tăng để hỗ trợ Ukraina, giá xe tăng đã tăng mạnh kể từ đầu cuộc chiến, có thể lên tới 500.000 euro/xe.
Nhật báo Le Monde, trích dẫn các cơ quan truyền thông Bỉ, nhắc lại vào đầu năm 2023, chính phủ Bỉ đã muốn mua lại số xe tăng này để tặng cho Ukraina nhưng không thành công. Bộ trưởng Quốc Phòng Bỉ Ludivine Dedonner giải thích là do công ty OIP Land Systems đưa ra mức giá « vô lý ». Tuy nhiên, công ty này phủ nhận cáo buộc trên.
Nga tăng cường quân sự ở mạn tây để chống lại mối đe dọa NATO (VOA)
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói với hội đồng quản trị của Bộ này hôm thứ Tư (9/8) rằng Nga sẽ tăng cường lực lượng ở biên giới phía tây sau khi Phần Lan gia nhập liên minh NATO do Hoa Kỳ cầm đầu.
Trong bài phát biểu khai mạc trước Hội đồng Bộ Quốc phòng, ông Shoigu nói Ba Lan, thành viên NATO, đã công bố kế hoạch tăng cường quân sự và ông dự kiến các lực lượng và vũ khí quan trọng của NATO sẽ được triển khai ở Phần Lan, quốc gia đã làm tăng gần gấp đôi chiều dài biên giới đất liền của Nga với NATO khi họ gia nhập vào tổ chức này.
“Tập thể phương Tây đang tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Nga”, ông Shoigu nói, và chỉ ra “sự hỗ trợ chưa từng có” của họ đối với Ukraine trong việc cung cấp vũ khí trị giá hàng chục tỷ đô la để giúp Kiev chống Nga, theo Bộ Quốc phòng Nga.
Ông Shoigu gọi việc Phần Lan gia nhập NATO và Thụy Điển sẽ gia nhập NATO trong tương lai là “một nhân tố gây bất ổn nghiêm trọng”. Hai quốc gia Bắc Âu đã từ bỏ chính sách trung lập đã có từ nhiều thế hệ và tồn tại trong suốt Chiến tranh Lạnh để xin gia nhập NATO sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào đầu năm ngoái.
“Trên lãnh thổ Phần Lan, có khả năng các lực lượng quân sự bổ sung và vũ khí tấn công của NATO sẽ được triển khai, có khả năng tấn công các mục tiêu quan trọng ở sâu đáng kể trong miền tây bắc nước Nga”, ông Shoigu nói.
“Hôm nay, tại cuộc họp của Hội đồng, chúng tôi sẽ xem xét các vấn đề liên quan đến việc thành lập các quân khu Leningrad và Moscow cùng với việc tăng cường đồng thời các nhóm binh sĩ của Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga ở biên giới phía tây của chúng ta”.
Ông nói Ba Lan đã công bố ý định xây dựng quân đội hùng mạnh nhất trên lục địa và đã trở thành “công cụ chính trong chính sách chống Nga của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.
Ông Shoigu cho biết số lượng các đơn vị quân đội NATO từ bên ngoài khu vực đóng quân ở Đông Âu đã tăng gấp 2,5 lần kể từ tháng Hai năm ngoái và hiện tại họ có tổng cộng 30.000 quân.
“Những mối đe dọa này đối với an ninh quân sự của Nga đòi hỏi phải có phản ứng kịp thời và đầy đủ. Chúng tôi sẽ thảo luận các biện pháp cần thiết để vô hiệu hóa chúng tại cuộc họp và đưa ra quyết định phù hợp”, ông nói.
Tranh chấp nóng lên giữa Trung Cộng và Phillippines về Bãi Cỏ Mây (VOA)
Hôm 8/8, Trung Cộng một lần nữa yêu cầu Philippines kéo một chiếc tàu chiến mắc cạn – là tàu từ thời Đệ nhị Thế chiến hiện được sử dụng làm tiền đồn quân sự – ra khỏi một bãi cạn có tranh chấp, sau khi Manila khước từ yêu cầu trước đó của Bắc Kinh.
Căng thẳng đã tăng vọt giữa hai nước láng giềng trên Biển Đông dưới thời Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, với việc Manila xoay trục trở lại với Mỹ, nước ủng hộ quốc gia Đông Nam Á này trong các tranh chấp trên biển với Trung Cộng.
Theo AFP, vụ việc xảy ra hôm 05/08 khi lực lượng tuần duyên Philippines hộ tống các tàu chở thực phẩm, nước, nhiên liệu và các vật tư khác cho quân nhân Philippines đóng quân tại Bãi Cỏ Mây, trên chiếc Sierra Madre đang mắc cạn, mà Manila khẳng định thuộc chủ quyền của mình, trong vùng quần đảo Trường Sa, bị tàu hải cảnh Trung Cộng ngăn chặn và phun vòi rồng vào các tàu tuần duyên Philippines.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos thông báo, chính quyền Manila, hôm nay 07/08/2023, đã triệu đại sứ của Trung Cộng lên để phản đối.
Đại sứ quán Trung Cộng tại Manila chỉ trích việc Washington ‘tập hợp’ các đồng minh để tiếp tục ‘thổi phồng’ vấn đề Biển Đông và các sự cố liên quan đến tàu bè trên biển.
“Biển Đông không phải là ‘vườn thú’ cho các nước nằm ngoài khu vực quậy phá và gieo rắc bất đồng”, Đại sứ quán Trung Cộng hôm 8/8 ra tuyên bố cho biết.
Bãi Cỏ Mây (Second Thomas), nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, là nơi trú đóng của một số ít binh lính sống trên tàu chiến cũ Sierra Madre. Manila đã cố tình cho con tàu mắc cạn vào năm 1999 để củng cố tuyên bố chủ quyền.
Manila đã nhiều lần cáo buộc hải cảnh Trung Cộng chặn tàu bè tiếp tế cho binh lính của họ ở đó, như đã làm vào ngày 5/8 khi họ phun vòi rồng vào một tàu Philippines.
Trung Cộng khẳng định việc Philippines chiếm đóng bãi cạn này là bất hợp pháp.
Quân đội Philippines mô tả hành động của tàu hải cảnh Trung Cộng hôm 5/8 là ‘quá đáng và mang tính tấn công’. Trung Cộng nói vụ việc này là một lời ‘cảnh báo’ và họ đã luôn ‘kiềm chế hợp lý’.
Bộ Quốc phòng Trung Cộng hôm 8/8 kêu gọi Manila chấm dứt mọi hành động ‘khiêu khích’ và cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và quyền trên biển.
Các chuyên gia an ninh nói rằng hành động của Trung Cộng xung quanh hòn đảo san hô này chỉ ra một điều – Bắc Kinh muốn kiểm soát Bãi Cỏ Mây, còn được Trung Cộng gọi là Nhân Ái Tiêu, còn ở Manila gọi là bãi Ayungin.
Đây không phải lần đầu tiên hải cảnh Trung Cộng phun vòi rồng vào tàu của Manila. Hồi tháng 11/2021 họ từng làm như vậy.
Không có ai bị thương trong vụ việc ngày 5/8, nhưng các quan chức Philippines hôm 7/8 cho biết một trong hai tàu của Manila đã không hoàn thành nhiệm vụ tiếp tế. Cả hai đã trở lại một cảng ở Philippines.
Jonathan Malaya, trợ lý chủ nhiệm Ban Bí thư trong Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines, đã kêu gọi Trung Cộng ‘không leo thang sự việc’ và gây nguy hiểm cho tính mạng con người.
Nhật Bản và Pháp, thông qua các đại sứ quán ở Manila, đã bày tỏ lo ngại về các hành động gần đây của Trung Cộng và lặp lại sự ủng hộ của họ đối với phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực hồi năm 2016 vốn tuyên vô hiệu các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Ukraina oanh kích hai cây cầu trong vùng Nga chiếm giữ (RFI)
Quân đội Ukraina, hôm 06/08/2023, đã phóng tên lửa tấn công vào hai cây cầu nằm ở những khu vực do Nga chiếm đóng.
Theo AFP, vụ oanh kích đầu tiên nhắm vào cây cầu Chongar ở bán đảo Crimée, bị Nga sáp nhập vào năm 2014. Thống đốc Crimée, Sergei Aksionov cho biết một số tên lửa đã bị lực lượng phòng không đánh chặn, và vụ oanh kích không khiến ai bị thương.
Đợt oanh kích thứ hai nhắm vào một cây cầu gần thị trấn Genichesk ở phía đông bắc bán đảo Crimée, làm một người bị thương và làm hỏng đường ống khí đốt khiến 20.000 hộ gia đình không có khí đốt. Theo chính quyền địa phương, 9 trong số 12 tên lửa của Ukraina đã bị đánh chặn.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) của Mỹ, việc cây cầu này bị phá hủy khiến Nga mất một trong những tuyến đường quan trọng tới vùng Kherson. Giờ đây, Nga sẽ phải đi vòng về phía tây bán đảo để tiếp cận Kherson. Tuy nhiên, rất nhiều nơi thuộc tuyến đường này nằm trong tầm bắn của pháo Ukraina.
Còn hôm nay 07/08, quân đội Nga thông báo đã bắn hạ một drone của Ukraina ở khu vực Kaluga, cách Matxcơva chưa đầy 200 km về phía tây nam.
Thống đốc vùng Kaluga, Vladislav Chapcha viết trên mạng xã hội Telegram rằng drone đã bị bắn hạ bởi hệ thống phòng không ở quận Ferzikovsky. Cuộc tấn công này không gây thiệt hại về nhân mạng và vật chất.
Hoa Kỳ hạn chế đầu tư vào Trung Cộng (RFI)
Hôm nay, 09/08/2023, Nhà Trắng công bố kế hoạch chi tiết về việc hạn chế các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ “nhạy cảm” tại Trung Cộng, đe dọa đến an ninh của Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố một sắc lệnh hạn chế đầu tư của Hoa Kỳ vào lĩnh vực công nghệ nhậy cảm tại Trung Cộng.
Theo Reuters, sắc lệnh nhắm đến các đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp hoặc đầu tư liên doanh ở Trung Cộng trong các lĩnh vực như chất bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Tất cả các khoản đầu tư được nêu ra trong sắc lệnh phải được thông báo cho chính phủ Hoa Kỳ. Một số giao dịch có thể sẽ bị cấm.
Kế hoạch này của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn nguồn vốn và công nghệ của Hoa Kỳ hỗ trợ Trung Cộng phát triển các loại công nghệ cao, hiện đại hóa quân đội, đe dọa đến an ninh của nước Mỹ.
Tuy nhiên, sắc lệnh sẽ không có hiệu lực ngay lập tức mà cần phải trải qua quá trình tham vấn để đánh giá các phản hồi từ phía các tác nhân trong ngành. Hôm qua, Nhà Trắng từ chối trả lời Reuters về kế hoạch nói trên.
Báo New York Times đưa tin hôm thứ Ba, cho biết, chính quyền Biden có kế hoạch yêu cầu các công ty đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp của Trung Cộng phải báo cáo hoạt động. Điều này sẽ giúp chính phủ Hoa Kỳ có tầm nhìn rõ ràng về các giao dịch tài chính giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.
Còn tại Trung Cộng, theo AFP, lần đầu tiên từ hai năm qua, kinh tế Trung Cộng rơi vào tình trạng thoái lạm (giảm lạm phát), tức là giá hàng hóa và dịch vụ giảm.
Về mặt lý thuyết, tình trạng này có thể là tích cực đối với sức mua, nhưng thoái lạm lại được xem là một mối đe dọa đối với nền kinh tế. Thay vì chi tiêu, người tiêu dùng hoãn mua sắm vì mong giảm giá. Do thiếu nhu cầu, các doanh nghiệp buộc phải giảm đầu tư, sản xuất và giảm giá để tránh tồn kho.
Nga bị mất trộm bí mật chế tạo tên lửa (RFI)
Điều tra của hãng tin Anh Reuters cho thấy, tin tặc Bắc Triều Tiên Lazarus và ScarCruft đột nhập vào tập đoàn chế tạo tên lửa và vệ tinh của Nga NPO Mashinostroyeniya. Trong sáu tháng liền từ cuối 2021 đến tháng 5/2022 hai nhóm tin tặc Lazarus và Scarcruft đã hoạt động ra sao, đánh cắp được bí quyết nào của Nga và những thông tin đó có giúp Bình Nhưỡng đốt cháy giai đoạn trong kế hoạch phát triển tên lửa hiện đại hay không ?
Bộ trưởng Quốc Phòng Nga, Sergei Shoigu vừa từ Bình Nhưỡng trở về sau khi dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm hiệp định đình chiến, khép lại chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Nhân dịp này lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã khoe với bộ trưởng Quốc Phòng Nga mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đời mới, drone cỡ lớn sử dụng tua-bin cánh quạt … Ngay từ khi Matxcơva đưa quân xâm chiếm Ukraina, Bắc Triều Tiên luôn đứng về phía Nga. Tiếp quan chức Nga, chính quyền Kim Jong Un nhắc lại quan điểm « hoàn tòan yểm trợ » quân đội và nhân dân Nga « bảo vệ chủ quyền và lợi ích đất nước » trên mặt trận Ukraina. Báo tài chính Anh Financial Times ngày 31/07/2023 tiết lộ, Kiev phát hiện tên lửa Bắc Triều Tiên trên lãnh thổ Ukraina và thậm chí sau khi đã tịch thu, lính Ukraina đã « dùng vũ khí của Bắc Triều Tiên » đánh đuổi quân Nga.
Một chiến dịch dọ thám quy mô
Trong bối cảnh đó, điều tra của Reuters hôm 07/08/2023 cho thấy Nga bị Bắc Triều Tiên lấy trộm bí quyết chế tạo tên lửa. Hai toán tin tặc Lazarus và ScarCruft bị nghi ngờ là thủ phạm một « chiến dịch do thám quy mô » nhắm vào NPO Mashinostroyeniya chuyên sản xuất « tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và cả vệ tinh ».
Trước hết Lazarus và ScarCruft là ai, hoạt động như thế nào, mức độ lợi hại đến đâu và có liên hệ gì với chính quyền Bắc Triều Tiên ?
Reuters nhắc lại, theo giới phân tích về an ninh mạng, hai nhóm tin tặc này – mà đặc biệt la Lazarus nổi tiếng từ cả chục năm qua. Sở trường của Lazarus là « đánh cắp tiền ảo, trực tiếp tài trợ cho chế độ Bình Nhưỡng ». Năm 2022 nhóm này đã « chiếm đoạt » gần 2 tỷ đô la bằng tiền ảo theo các thông tin từ mạng The Record của Mỹ. Trước đó trong giai đoạn từ 2009 đến 2013, Lazarus được cho là tác giả nhiều vụ tấn công tinh vi nhắm vào chính phủ Hàn Quốc. Ngoạn mục hơn cả là vụ tấn công vào tập đoàn giải trí Sony Pictures của Mỹ năm 2014, để lộ thông tin mật liên quan đến 47.000 nhân viên, lộ nhiều kịch bản phim còn đang trong vòng « bí mật » của hãng này. FBI khi đó không loại trừ khả năng tin tặc Bắc Triều Tiên hành động để « trả thù » Sony Pictures đã thực hiện một bộ phim hài The Interview với nội dụng hai nhân viên tình báo CIA âm mưu ám sát lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Các giới chức an ninh mạng của Âu – Mỹ xem Lazarus là một mối đe dọa lớn trong lĩnh vực tội phạm tin học.
Về ScarCruft, có ít thông tin hơn. Theo giới trong ngành, nhóm này còn được biết đến dưới ba tên gọi khác là Ricochet Chollima, APT 37 hay Reaper. Bắt đầu xuất hiện từ 2016, ScarCruft chủ yếu nhắm vào các định chế tài chính và một số các tập đoàn công nghiệp tại nhiều quốc gia, từ Hàn Quốc đến Hoa Kỳ và cả Hồng Kông, Nhật Bản hay Việt Nam và Nga.
Bí quyết chế tạo tên lửa siêu thanh của Nga
Vậy tin tặc Bắc Triều Tiên dọ thám Nga như thế nào và liệu đã lấy trộm được những thông tin nhậy cảm nào của tập đoàn chế tạo vệ tinh và tên lửa NPO Mashinostroyeniya ?
NPO Mashinostroyeniya hay còn được gọi tắt là NPO Mash là một con chim đầu đàn của Liên Xô trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Có trụ sở tại Reutov ngoại ô Matxcơva, NPO Mash hoạt động từ năm 1955, tập đoàn này nổi tiếng với các loại tên lửa liên lục địa UR-100 và UR-100N.
Vẫn theo Reuters, hiện tại, NPO Mash đang dẫn đầu các chương trình phát triển tên lửa siêu thanh của Nga, làm chủ các công nghệ chế tạo vệ tinh và đang phát triển « nhiều chương tên lửa đạn đạo thế hệ mới ». Đây là những lĩnh vực « Bắc Triều Tiên rất quan tâm ». Năm 2019 trong một chuyến thị sát các nhà máy của NPO Mash, tổng thống Vladimir Putin đã tự hào về tên lửa siêu thanh Zircon tập đoàn này chế tạo. Ông không ngần ngại xem đây là « một sản phẩm mới đầy hứa hẹn » có khả năng di chuyển nhanh gấp 9 lần tốc độ âm thanh và bắn trúng mục tiêu ở cách xa đến 1.000 km.
Reuters trích dẫn các chuyên gia về an ninh mạng của tập đoàn Mỹ SentinelOne, trụ sở tại California cho biết hai toán tin tặc Bắc Triều Tiên nói trên đã « thâm nhập » hệ thống tin học của tập đoàn Nga NPO Mash, đọc email của nhân viên và giám sát « mật độ trao đổi thư điện tử » giữa các nhân viên của hãng chế tạo tên lửa này. NPO dường như bị « theo dõi » trong quãng thời gian từ « cuối 2021 đến tháng 5/2022 » và trong khoảng thời gian từ 5 đến 6 tháng đó, Lazarus và ScarCruft đã « đánh cắp được một khối lượng đáng kể các dữ liệu nhậy cảm » của Nga.
Vẫn theo điều tra của SentinelOne, tập đoàn sản xuất vệ tinh và tên lửa của Nga đã cho mở điều tra nội bộ và trong tiến trình điều tra đó thì một nhân viên của NPO Mash đã vô tình để lộ thông tin trên một « cổng vào mà các chuyên gia về an ninh mạng trên toàn thế giới cùng sử dụng ».
Trung Cộng: Xuất khẩu giảm mạnh nhất trong ba năm qua (BBC)
Xuất nhập khẩu của Trung Cộng giảm với tốc độ nhanh hơn trông đợi do nhu cầu toàn cầu giảm, đe dọa viễn cảnh phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Số liệu chính thức cho thấy xuất khẩu giảm 14.5% vào tháng Bảy so với cùng kỳ năm ngoái, còn nhập khẩu giảm 12.4%.
Con số này củng cố lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế của TQ có thể còn tiếp tục chậm lại năm nay.
Điều này sẽ tăng sức ép lên Bắc Kinh, buộc họ phải cân nhắc các biện pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu Covid.
Các con số ảm đạm này cho thấy giá sinh hoạt tăng và lãi suất tiền vay cao hơn ở các nước khác trên thế giới gây ảnh hưởng lên sự phục hồi sau Covid của Trung Cộng, với nhu cầu nhập khẩu từ nươc này giảm sút.
Sức cầu nội địa cũng thấp hơn trông đợi, với các hoạt động kinh tế không sôi động trở lại sau ba năm TQ theo đuổi các chính sách chống dịch hà khắc.
Vị trí nước xuất khẩu lớn nhất và một trong những nước nhập khẩu hàng đầu thế giới có nghĩa là khả năng xuất nhập khẩu chững lại của TQ cũng ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Không như các nước khác trên thế giới, giá cả ở TQ dường như đang hạ – khi doanh nghiệp và người tiêu dùng không muốn chi mạnh sau đại dịch, và nhiều hàng tồn kho cần bán.
Nhưng phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao của thanh niên và ngành bất động sản đang gặp khủng hoảng, các nhà hoạt định chính sách tới giờ chưa muốn áp dụng các biện pháp mạnh để kích thích nền kinh tế.
Xuất khẩu sang Mỹ, thị trường lớn nhất của Trung Cộng, giảm 23,1% trong năm qua.
Xuất khẩu sang EU cũng giảm 20,6%. EU và TQ đang có tranh chấp về chip bán dẫn, khiến chính phủ TQ thắt chặt kiểm soát một số nguyên liệu chủ chốt được dùng để sản xuất chip máy tính.
Trung Cộng từng thực hiện các biện pháp chống dịch thuộc loại hà khắc nhất trên thế giới. Tháng 3/2022, chính phủ áp dụng phong tỏa toàn bộ trong suốt hai tháng ở Thượng Hải, thành phố có 25 triệu dân. Chính quyền bố trí giao đồ ăn tới người dân khi họ bị cấm ra khỏi nhà.
Quốc vương Cam Bốt chính thức bổ nhiệm Hun Manet làm thủ tướng (RFI).
Theo đề nghị của thủ tướng mãn nhiệm Hun Sen, hôm nay 07/08/2023, Quốc vương Cam Bốt Norodom Sihamoni chính thức bổ nhiệm đại tướng Hun Manet, 45 tuổi, vào vị trí thủ tướng. Trong gần bốn thập niên qua, Cam Bốt nằm dưới sự lãnh đạo của ông Hun Sen, thân phụ tân thủ tướng.
Sau khi được bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Hun Manet sẽ phải thành lập nội các mới và theo dự kiến, Quốc Hội Cam Bốt sẽ bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ mới.
Tuy nhiên, đây chỉ một thủ tục, bởi vì tại Quốc Hội Cam Bốt, vừa được bầu sau cuộc bỏ phiếu ngày 23/07, đảng Nhân Dân Cam Bốt của ông Hun Sen chiếm 120 trong tổng số 125 ghế. AFP cho biết, chính phủ của thủ tướng Hun Manet có thể gồm nhiều bộ trưởng trẻ, những vị trí bộ trưởng bị bỏ trống dưới thời thủ tướng Hun Sen cũng sẽ được bổ nhiệm.
Tiến sĩ, đại tướng Hun Manet, 45 tuổi, con trai cả của ông Hun Sen, từng theo học ở Anh Quốc và Học viện quân sự danh tiếng West Point của Mỹ. Đại tướng Hun Manet là tư lệnh Lục quân Cam Bốt từ năm 2018.
Liệu Cam Bốt thời Hun Manet sẽ giữ khoảng cách hơn với Trung Cộng ? Theo Carl Thayer, giáo sư danh dự của đại học UNSW của Úc, đó chỉ là « một ảo tưởng » bởi Hun Manet « sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc nắm lấy bàn tay chìa ra cho ông, có nghĩa là lệ thuộc vào Trung Cộng để duy trì quyền lực của đảng Nhân Dân Cam Bốt ».
Người dân Cam Bốt sẽ có nhiều quyền tự do hơn sau 38 năm dưới « bàn tay sắt » của Hun Sen ? Trên báo Le Figaro, Sebastian Strangio, tác giả một tác phẩm về Cam Bốt dưới thời Hun Sen, nhận định, chưa có gì cho thấy là Hun Manet « sẽ làm được nhiều hơn là những thay đổi chỉ mang tính hình thức về hệ thống chính trị hiện tại », và nếu không có sự ủng hộ của người cha, thì dù có muốn, ông Hun Manet cũng khó có thể tạo ra sự thay đổi. Quả thực, Hun Manet chưa có nhiều « cơ hội cọ sát về chính trị ».
Xin nhắc lại, chỉ vài ngày sau chiến thắng của đảng cầm quyền tại kỳ bầu cử Quốc Hội vừa qua, ông Hun Sen đã thông báo từ nhiệm thủ tướng, chuyển giao quyền lực cho con trai cả. Còn ông sẽ giữ chức chủ tịch Thượng Viện Cam Bốt, về lý thuyết, là nhân vật quyền lực thứ 2, chỉ sau Quốc vương Norodom Sihamoni.
Tin Việt Nam.
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (World Youth Day) tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha
Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6/8/2023, là Đại hội Giới trẻ Thế giới đầu tiên được tổ chức tại Bồ Đào Nha, quốc gia cực tây của Châu Âu. Đại hội đã qui tụ trên 1 triệu 500 ngàn người, đa số là giới trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới.
Đại hội Giới trẻ Thế giới không chỉ là những sự kiện chính với Đức Thánh Cha. Trong suốt cả tuần, Lisbon là sân khấu của Lễ hội Giới trẻ, bao gồm hơn 500 sự kiện được tổ chức rải rác tại 100 địa điểm vào cửa miễn phí.
Âm nhạc là điểm nổi bật nhất tại lễ hội này, với 290 tiết mục được trình diễn bởi hơn 100 ban nhạc hoặc nghệ sĩ solo đến từ năm châu với nhiều phong cách âm nhạc khác nhau. Efren Rivera, PJ Anderson, Ivan Diaz, Ryan Tremblay, Communion, và JoEmma là một số tên tuổi đến từ Hoa Kỳ cũng có mặt tại các sân khấu khác nhau của Đại hội Giới trẻ Thế giới. Trong lãnh vực điện ảnh, 27 buổi chiếu phim tài liệu về cuộc đời của những người dám đi theo Chúa Giêsu, các phim truyện và các bộ phim khác về những nhân vật nổi tiếng trong đời sống của Giáo hội.
Trong ngày khai mạc WYD 2023, ĐTC Phanxico đã gởi đến các bạn trẻ tâm tình của Ngài: “Các con gặp nhau nơi đây không phải là tình cờ. Chính Thiên Chúa đã kêu gọi các con, không phải chỉ trong những ngày này thôi, nhưng là từ khởi đầu cuộc đời, Chúa đã viết Tên chúng con trong ngay trong trái tim của mỗi người.”
“Không ai trong chúng ta là Kitô hữu cách tình cờ: tất cả chúng ta đều đã được gọi đích danh. Từ khởi nguyên trong câu chuyện của mỗi người, trước cả những khả năng mà chúng ta có, trước cả những bóng tối và tổn thương mà chúng ta đang mang lấy, chúng ta là những người được gọi. Vì sao? Bởi vì chúng ta được yêu thương. Trong ánh mắt của Thiên Chúa, chúng ta là những đứa con quý giá. Hàng ngày, Thiên Chúa luôn mở rộng vòng Tay Yêu Thương để chờ đợi chúng ta, ôm lấy chúng ta và khích lệ chúng ta, để biến chúng ta thành một kiệt tác độc nhất vô nhị.”
Một triệu rưỡi thanh niên giương cao những lá cờ khắp mọi miền trên trái đất, có cả quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa tràn ngập công viên Parc Tejo bên bờ sông Tage ở Lisboa tối thứ Bảy (5/8). Vì sao ? Bởi vì tất cả muốn được hội ngộ với ĐTC trong khuôn khổ ĐHGTTG, một trong những sự kiện trọng đại, nhất là giới trẻ của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.
Trong khi chờ đợi ĐTC đến, suốt cả ngày thứ Bảy (5/8), trên một mảnh đất rộng 90 hecta, dọc hai bên cây cầu vĩ đại Vasco de Gama, giới trẻ ca hát, nhảy múa, reo hò trên nền nhạc rất lớn.
Khi ĐTC xuất hiện trong chiếc xe ô tô đặc biệt của ngài, thì cũng là thời điểm niềm vui và hạnh phúc chan hòa trong bầu khí cận kề lễ hội kết thúc.
Khi màn đêm buông xuống, ĐTC và giới trẻ cùng thưởng thức những màn trình diễn nghệ thuật trên sân khấu sáng ngời : nào là những tiết mục múa hát, nhiều chiếc drone bay lượn đan xen chiếu sáng trên nền trời tối thẫm. . . Trên khán đài màu trắng, ĐTC Phanxico kêu gọi thanh niên thế giới đừng nản lòng, tiến bước theo dấu chân Chúa Giêsu Ki-Tô. Ngài nói: “điều quan trọng không phải là chúng ta chẳng bao giờ vấp ngã, mà khi đã ngã rồi thì chúng ta vẫn vươn dậy được”.
ĐHGTTG Lisbon 2023 kết tụ trong lời khuyến khích của ĐTC: “Đừng sợ!”, nhưng hãy ra đi: “Hãy giữ lấy những khoảnh khắc đẹp nhất trong tâm trí con. Các con hãy làm sống lại những trải nghiệm và ân sủng của những ngày này” và cùng với “Dân Thánh Thiên Chúa bước đi trong niềm vui của Tin Mừng!”
Cùng canh thức với một triệu rưỡi thanh niên đêm thứ Bảy mùng 5 tháng 8, sáng hôm sau Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxico đã chủ tế Thánh Lễ bế mạc đai hội giới Trẻ Thế Giới (ĐHGTTG) tại công viên Parc Tejo.
Sự kiện bế mạc ĐHGTTG đã diễn ra hoàn mỹ vượt ngoài mong đợi của Ủy Ban Tổ Chúc WYD 2023, và đã được phát hình trực tiếp trên rất nhiều kênh Truyền Hình thế giới, đồng thời trên khắp các màn ảnh lớn ngay trong công viên Parc Tejo, nơi bế mạc đai hội. Theo ghi nhận của các cơ quan Truyền Thông quốc tế: “không khí lễ hội và sự hào hứng của 1 triệu rưỡi người trẻ Công Giáo thế giới trong sự kiện trọng đại này còn có 10.000 Giáo sỹ, Tu Sỹ, 700 Giám mục và 30 vị Hồng Y cùng với ĐTC cử hành thánh lễ bế mạc”.
Trước khi rời Lisbon, Bồ Đào Nha về lại Roma chiều mùng 6 tháng 8, ĐTC đã công bố WYD năm 2027 sẽ được tổ chức tại Seoul, Nam Hàn.
Đai Hội Giới trẻ Thế giới được bắt nguồn từ Ngày Giới Trẻ Thế Giới (tiếng Anh: World Youth Day) do Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng nhân ngày Lễ Lá năm 1984 tại Roma. Ngày Giới trẻ Thế giới thực ra được tổ chức nhiều ngày liên tục (thường là một tuần) nên còn được gọi là Đại hội Giới trẻ Thế giới.
Tổng thống Mỹ « sắp » thăm Việt Nam
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 08/08/2023 cho biết “sắp tới” công du Việt Nam nhằm cải thiện quan hệ với Hà Nội vào lúc Washington đang tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày một lớn của Trung cộng trong khu vực.
Trong một cuộc nói chuyện tại bang New Mexico, tổng thống Joe Biden tuyên bố ông sẽ đến thăm Việt Nam vì Hà Nội “mong muốn nâng tầm quan hệ với Mỹ và muốn trở thành một đối tác chủ chốt”. Cũng theo nguyên thủ Mỹ, những biến động hiện nay trên thế giới đang là “một cơ hội để thay đổi sự năng động” trong quan hệ giữa hai nước.
AFP nhắc lại, hồi tháng Tư năm nay, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, trên đường đến Tokyo dự cuộc họp khối G7, khi dừng chân ở Hà Nội, đã cho rằng đây là « thời điểm thuận lợi » để nâng cấp quan hệ lên mức “chiến lược” từ “đối tác toàn diện” có từ 10 năm qua giữa hai nước. Trước đó, tháng 3/2023, tổng thống Biden cũng có một cuộc điện đàm với tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Những năm gần đây, Việt Nam và Mỹ thắt chặt hơn mối quan hệ thương mại. Cả hai nước cùng chia sẻ mối lo về sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, đã tăng nhiều do các yêu sách chủ quyền rộng lớn của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, Hà Nội dường như chưa hoàn toàn sẵn sàng nâng cấp quan hệ với Washington, luôn tỏ ra cảnh giác trước việc làm phật lòng Bắc Kinh – một đối tác kinh tế quan trọng – bất chấp những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. (RFI)
HRW: Viêt Nam đàn áp Tôn giáo người Thượng, lại còn “ngoan cố”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa chính thức tố cáo: Chính phủ Việt Nam luôn ngoan cố khi phản bác các cáo buộc vi phạm nhân quyền đồng thời hạn chế sự tiếp cận của các quan sát viên độc lập của quốc tế tới khu vực bị cho là xảy ra vi phạm.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW đưa ra nhận xét trên sau khi Chính phủ Việt Nam công bố thư phản hồi gửi bốn Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc về vấn đề đàn áp các cộng đồng tôn giáo của người Thượng ở Tây Nguyên.
“Có những vi phạm nghiêm trọng, đang diễn ra đối với quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Tây Nguyên của Việt Nam, nhưng Chính phủ đang hoàn toàn phủ nhận, bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền và sau đó hạn chế sự tiếp cận của cộng đồng quốc tế đối với những khu vực đó để từ chối cơ hội kiểm chứng của các quan sát viên độc lập.”
Ông cho rằng biểu hiện rõ ràng nhất về đàn áp tự do tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên và một số nơi khác ở Việt Nam là việc chính quyền ở các địa phương đó rất tích cực theo dõi, quấy rối, thẩm vấn và bắt giữ tín đồ của nhiều nhóm tôn giáo chỉ vì họ kỷ niệm “Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin” (ngày 22/8 hàng năm), vốn được Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc thông qua năm 2019.
Theo ông, thư phản hồi ngày 27/7 của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, được công bố bởi Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ ngày 04/8, rất điển hình “cho phản ứng ngoan cố của Việt Nam về các vấn đề nhân quyền.”
Ông nhận định chính phủ Việt Nam luôn khẳng định tuân thủ luật pháp quốc gia trong khi thực tế luật pháp của Việt Nam về các vấn đề tôn giáo còn kém xa so với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, và “lực lượng an ninh coi nhiều cộng đồng người Thượng như những mối đe dọa và kẻ thù tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.”
“Chắc chắn, không ai, kể cả các Báo cáo viên đặc biệt của LHQ, những người đã gửi thông điệp ban đầu, sẽ bị thuyết phục bởi những lời phủ nhận thiếu độ tin cậy của Hà Nội trong bối cảnh phân biệt đối xử và ngược đãi đối với người bản địa ở Tây Nguyên vẫn tiếp diễn,” chuyên gia về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam nói.
Trong thư phản hồi, phía Việt Nam cho rằng ở quốc gia này không có khái niệm người bản địa, cũng không có khái niệm người Thượng trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam và càng không có ai bị bắt giữ tùy tiện vì lý do theo tín ngưỡng tôn giáo.
Việt Nam bị xếp vào nhóm các quốc gia không có tự do tôn giáo, theo báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Cuối tháng 11/2022, Ngoại trưởng Blinken đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì đã tham gia hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.
Trong vài năm gần đây, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) liên tục đề nghị đưa Việt Nam vào Danh sách các quốc gia cần quan tâm (CPC) vì vi phạm tự do tôn giáo mang tính hệ thống ở quốc gia này.
Chủ tịch nước VN gặp Hội đồng Giám mục VN sau chuyến thăm Vatican
Đài RFA thuật tin từ Truyền Thông Nhà Nước cho hay, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng vào ngày 7/8 đã thăm Hội đồng Giám mục tại Tòa Tổng Giáo phận Sài Gòn.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu phái đoàn 10 quan chức Chính phủ Hà Nội và phía Hội đồng Giám mục Việt Nam có chín vị tham dự cuộc gặp do Tổng Giám mục Nguyễn Năng dẫn đầu.
Tin cho biết, tại cuộc gặp với các vị trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, ông Võ Văn Thưởng khen ngợi vai trò của giáo hội trong đợt dịch COVID-19; đồng thời cho biết về cuộc hội kiến mới đây của bản thân ông này với Đức Thánh Cha Phan Xi cô. Tại lần gặp này, ông Võ Văn Thưởng đưa ra cam kết của Chính phủ và Đảng Cộng sản sẽ xem xét khả năng cho giáo hội Việt Nam mở lại trường học công giáo trong nước như thời điểm trước năm 1975 ở miền nam.
Tin dẫn nhận định của giới quan sát về quan hệ giữa Việt Nam và Vatican kể từ sau khi cắt đứt vào năm 1975 rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào cuối tháng Bảy vừa qua cho thấy một bước tiến quan trọng về việc nối lại bang giao song phương.
Sau cuộc hội kiến, hai phía ra thông báo chung về việc Hà Nội đồng ý cho Vatican có một vị đại diện thường trú của giáo hoàng La Mã tại Việt Nam.
Vào năm 1959 tại miền Bắc và 1975 tại miền Nam các vị đại diện thường trú của giáo hoàng, thường được gọi là Khâm sứ, bị trục xuất khỏi Việt Nam.
“Mã độc” tống tiền có nguồn gốc từ Việt Nam vừa xuất hiện
Cisco Talos, một công ty nghiên cứu về an ninh mạng, trụ sở ở San Jose, California, cho hay các chuyên viên của họ tìm thấy mã độc tống tiền (ransomware) của một băng đảng tống tiền qua mạng ảo, hiện vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, xuất xứ từ Việt Nam.
Nhóm tội phạm này tấn công các nạn nhân ở những nước nói tiếng Anh, nhưng cũng gồm cả nạn nhân tại một số nước như Bulgaria, Trung cộng và ngay cả tại Việt Nam. Dấu hiệu mới nhất này báo hiệu sự gia tăng hoạt động của những nhóm tội phạm hoạt động trên mạng internet từ khu vực các nước Đông Nam Á.
Chúng sử dụng biến thể tống tiền Yashma để tải xuống một lời nhắn tống tiền từ một trương mục (bên Việt Nam gọi là tài khoản) lấy tên là “nguyenvietphat” trên nền tảng chia sẻ mã Github (code sharing platform Github) với khả năng tránh bị khám phá và tránh bị các phần mềm chống mã độc ngăn chặn, theo tổ chức Cisco Talos cho hay.
Hiện người ta chưa biết băng đảng tin tặc tống tiền này tên gì nhưng ít nhất chúng đã bắt đầu xuất hiện từ ngày 4 Tháng Sáu vừa qua. Chúng là một trong số những băng đảng tin tặc trên mạng ảo ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Trương mục trên nền tảng Github có tên và hộp thư điện tử bắt chước gần giống như của một tổ chức hợp pháp tại Việt Nam. Còn cái khoảng thời gian mà bọn chúng yêu cầu liên lạc thì cũng trùng với giờ giấc của Việt Nam.
Nội dung mã độc tống tiền kể trên có cấu trúc tương tự như nội dung của mã độc tống tiền rất nổi tiếng có tên là WannaCry với các tiêu đề giống nhau. Chúng đòi phải được trả bằng tiền ảo (Bitcoin) và nếu nạn nhân không thanh toán trong vòng 3 ngày thì số tiền bị đòi sẽ tăng gấp đôi. Trường hợp không nộp tiền như chúng đòi hỏi, trong vòng 7 ngày, các dữ liệu trên mạng của nạn nhân sẽ không bao giờ khôi phục được.
Mới đây, ngày mùng 1 Tháng Tám, hãng tin Reuters cho hay, các chuyên viên nghiên cứu của công ty Halcyon, một công ty chuyên về an ninh mạng, trụ sở ở thành phố Austin, tiểu bang Texas, Mỹ, cáo buộc Cloudzy, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ điện toán đám mây (Cloud Computing Services) đã cho thuê các “không gian” của máy chủ của họ cho “không dưới 17 nhóm tin tặc khác nhau có nhà nước bảo trợ” tại Trung Quốc, Nga, Iran, Bắc Hàn, Ấn Độ, Pakistan và Việt Nam.
Giới chuyên viên bảo vệ an ninh mạng thì cho rằng đây là một trong những thí dụ điển hình của những nhóm tin tặc đã núp bóng các công ty nhỏ ở bờ mép không gian mạng để gây ra những vụ tác hại lớn. Trong khi Cloudzy nói chỉ có tỉ lệ nhỏ khách hàng của họ là bọn bất lương, công ty Halcyon lại ước lượng có đến phân nửa dịch vụ của Cloudzy phục vụ, lại độc hại, gồm cả dịch vụ cho những nhóm thuê bao là hai bọn rải mã độc tống tiền.