Tin Thế Giới.

Ukraina thiếu đạn pháo trên chiến trường (RFI)

AFP cho biết, ngày 15/08/2023, tổng thống Volodymyr Zelensky bất ngờ đến động viên tinh thần quân nhân ở chiến trường Zaporijjia miền nam, nơi Ukraina tìm cách chọc thủng phòng tuyến dày đặc của Nga. Chính quyền Kiev cũng khẳng định chiếm lại được ngôi làng Urozhaine nằm giáp ranh giữa hai vùng Zaporijjia và Donetsk. Tuy nhiên, cuộc phản công của Ukraina tiến rất chậm. Nhu cầu cấp bách trên chiến trường hiện nay là đạn pháo các loại.

Các đồng minh phương Tây liên tục thông báo giao thêm vũ khí, đạn dược cho Ukraina. Ngày 14/08, Washington viện trợ thêm 200 triệu đô la vũ khí, trích trực tiếp từ kho của bộ Quốc Phòng Mỹ. Ngày 15/08, Đức ủng hộ việc cung cấp tên lửa hành tình Taurus cho Kiev. Thụy Điển thông báo kế hoạch hỗ trợ 286,6 triệu euro gồm đạn dược, linh kiện và thiết bị rà phá mìn để « đáp ứng nhu cầu lớn » của Kiev.

Thế nhưng nhu cầu cấp bách hiện nay là đạn pháo dù hàng ngày quân đội Ukraina bắn ít hơn phía Nga ba lần. Tướng Dominique Trinquand, nguyên trưởng phái đoàn quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, giải thích :

Phía Nga bắn khoảng 20.000 quả đạn pháo mỗi ngày, so với khoảng 6.000-7.000 từ phía Ukraina. Quân đội Ukraina gần như lúc nào cũng bị căng thẳng, nhưng không có nghĩa là họ sắp hết đạn trong kho. Họ có dự trữ ở cấp lữ đoàn hoặc sư đoàn nhưng ở cấp kho chiến lược, tôi nghĩ là họ thiếu rất nhiều.

Chúng ta biết là khi lập kế hoạch phản công, người ta phải có trước đó một số lượng dự trữ nhất định để hoàn thành kế hoạch phản công. Nhưng dường như kho đạn pháo của Ukraina đã bắt đầu cạn dần. Hiện giờ, họ phụ thuộc nhiều vào Mỹ, cũng như các nước châu Âu. Dù biết rằng châu Âu đã quyết định cung cấp 2 triệu đạn pháo cỡ 155 mm cho Ukraina nhưng để làm được việc đó thì cần phải khởi động các dây chuyền sản xuất. Nhưng việc này lại đòi hỏi nguyên liệu, công nhân có tay nghề cao và rất nhiều thứ khác”.

Nga cáo buộc Ukraina tiếp tục tấn công vào lãnh thổ nước này. Ba drone đã bị « hệ thống phòng không Nga bắn hạ » sáng 16/08 tại vùng Kaluga, phía tây nam Matxcơva. Vùng Belgorod của Nga nằm sát với biên giới Ukraina, cũng bị tấn công ngày 15/08, khiến « một người chết và hai người bị thương », theo thông báo sáng 16/08 của thống đốc vùng, được AFP trích dẫn. Phía Kiev tố cáo Nga dùng drone tấn công nhiều kho chứa ngũ cốc ở một cảng trên sông Danube ở vùng Odessa trong đêm 15/08. Hệ thống phòng không Ukraina đã bắn hạ 11 drone của Nga.


Bộ trưởng Tài Chính Đức ủng hộ giao tên lửa hành trình tầm xa cho Ukraina (RFI)

Khi kết thúc chuyến công du bất ngờ Ukraina vào thứ Hai 14/08/2023, bộ trưởng Tài Chính Đức, Christian Lindner, đã ủng hộ việc Berlin cung cấp tên lửa hành trình Taurus như theo đề nghị của Kiev để giúp Ukraina đẩy lui các lực lượng của Nga.

Hỏa tiễn hành trình tầm xa Taurus trên chiến đấu cơ

Đức đang chịu áp lực ngày lớn từ Kiev trong việc chuyển cho Ukraina tên lửa hành trình tầm xa Taurus. Theo AFP, trả lời các hãng truyền thông Bild, Die Welt và Politico, bộ trưởng Tài Chính Đức, Christian Lindner, hôm qua nói “Tôi hy vọng và tôi nghĩ điều đó là có thể”, đồng thời nhấn mạnh “Trong thời chiến, tốc độ là điều thiết yếu”. Cho đến nay, Berlin vẫn từ chối cấp tên lửa hành trình Taurus tầm xa vì lo ngại loại vũ khí này có thể bắn tới lãnh thổ Nga và khiến xung đột leo thang.

Mỹ tài trợ thêm 200 triệu đô la vũ khí cho Ukraina

Cũng trong ngày thứ Hai 14/08/2023, Hoa Kỳ thông báo viện trợ quân sự thêm 200 triệu đô la cho Ukraina. Số vũ khí này được lấy trực tiếp từ kho của Mỹ, bao gồm đạn dược cho các hệ thống phòng không Patriot và hệ thống tên lửa Himars và hàng triệu đầu đạn và lựu đạn, cũng như thiết bị rà phá mìn.

Xin nhắc lại là kể từ đầu chiến tranh Ukraina đến nay, Mỹ đã tài trợ cho Ukraina 43 tỉ đô la vũ khí. Tuần trước, tổng thống Biden đã đề nghị Nghị Viện Mỹ cho giải ngân thêm 13 tỉ đô la.

Na Uy tài trợ vũ khí chống drone

Tập đoàn quốc phòng Kongsberg Defence & Aerospace và chính phủ Na Uy hôm qua thông báo sẽ cung cấp thêm cho Ukraina các hệ thống phòng không mới chống drone, có tên gọi Cortex Typhon C-UAS. Hợp đồng chế tạo vũ khí trị giá 65 triệu euro được Kongsberg Defence & Aerospace ký với Quỹ Quốc tế ủng hộ Ukraina, do Anh thành lập. Cũng trong khuôn khổ hợp đồng này, chính phủ Na Uy sẽ tài trợ cho Kiev các xe thiết giáp Dingo 2, súng máy và đạn dược.


Ukraina: Toàn bộ lãnh đạo tuyển quân cấp vùng bị cách chức vì tham nhũng (RFI)

Tổng thống Ukraina không dung thứ nạn tham nhũng trong bối cảnh chiến tranh. Ngày 11/08/2023, ông Volodymyr Zelensky thông báo cách chức toàn bộ các quan chức cấp vùng phụ trách tuyển quân để nhổ tận gốc hệ thống tham nhũng giúp một số lính nghĩa vụ trốn nhập ngũ. Tình trạng này « phổ biến ở nhiều vùng Donetsk, Poltava, Vinnytsia, Odessa, Kiev ».

Trên mạng Telegram, tổng thống Zelensky cho biết có 112 cuộc điều tra hình sự đã được khởi động sau đợt thanh tra của các cơ quan chống tham nhũng Ukraina, Cục An ninh (SBU) và Viện Kiểm sát. Ông đưa ra giải pháp triệt để là « cách chức hết ủy viên quân sự » để loại bỏ tình trạng « làm giầu phi pháp, hợp pháp hóa tài sản bất chính, lợi ích bất hợp pháp, chuyên chở bất hợp pháp lính nghĩa vụ sang bên kia biên giới ».

Thay thế những quan chức bị cách chức là những cựu chiến binh từ cuộc chiến do Nga phát động, vì theo tổng thống Ukraina, đó là « những người biết rằng trong thời chiến, thái độ vô liêm sỉ và tham nhũng là hành động phản bội ». Phải giao việc tuyển quân cho « những người lính từng chiến đấu trên chiến trường hoặc không thể xuống chiến hào vì họ mất sức hoặc một bộ phận cơ thể ».

Ông Zelensky cho biết sẽ trừng phạt những quan chức tham nhũng và kêu gọi những người khác « ra mặt trận » nếu họ muốn « giữ quân hàm và chứng minh phẩm giá ». Đây là vụ tham nhũng lớn thứ 4 được triệt phá từ đầu năm 2023.

Cuối tháng Bảy, một cựu ủy viên quân sự, chịu trách nhiệm tuyển quân, đã bị bắt vì bị tình nghi mua một căn biệt thự trị giá 4 triệu euro ở Tây Ban Nha, vào lúc Nga đang xâm chiếm Ukraina. Chủ tịch Tòa Án tối Cao cũng bị bắt vào tháng Năm trong vụ tham nhũng 2,5 triệu euro. Vụ tham nhũng liên quan đến đồ quân nhu vào tháng Giêng buộc hàng loạt bộ trưởng, lãnh đạo cấp vùng và quan chức tư pháp từ chức.

AFP nhắc lại, tham nhũng là vấn nạn của Ukraina, một trong những nước nghèo nhất châu Âu ngay cả trước khi có chiến tranh.


Ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất lên 12% để hỗ trợ đồng rúp bị rớt giá (VOA)

Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản thêm 350 điểm cơ sở lên 12% vào thứ Ba 15/8, một động thái khẩn cấp nhằm cố gắng ngăn chặn đà trượt giá gần đây của đồng rúp sau khi Điện Kremlin công khai đề nghị ngân hàng thắt chặt chính sách tiền tệ.

Cuộc họp bất thường về lãi suất diễn ra sau khi đồng rúp giảm mạnh qua ngưỡng 100 rúp ăn một đô la vào thứ Hai 14/8, do tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với cán cân thương mại của Nga và khi chi tiêu quân sự tăng vọt.

Sau khi có quyết định tăng lãi suất, đồng rúp đã tăng một chút rồi lại giảm 0,5%, giức mức tỷ giá 98,16 rúp/1 đô la vào lúc 10h56, giờ chuẩn quốc tế GMT, nhưng mức này vẫn cao hơn đáng kể so với mức đáy mới đây là gần 102 rúp/1 đô la hôm 14/8, là mức thấp chưa từng có kể từ những tuần đầu tiên sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Cố vấn kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin, Maxim Oreshkin, hôm 14/8 đã khiển trách ngân hàng trung ương, ông đổ lỗi cho chính sách tiền tệ lỏng lẻo đã làm suy yếu đồng rúp.

Vài giờ sau khi bị ông Oreshkin khiển trách, ngân hàng đã thông báo về một cuộc họp khẩn cấp, tìm cách cứu đồng tiền của Nga.

“Áp lực lạm phát đang gia tăng”, ngân hàng nói trong một tuyên bố hôm 15/8.

“Ảnh hưởng dẫn đến sự mất giá của đồng rúp đối với giá cả đang tăng lên và kỳ vọng lạm phát đang gia tăng”.

Bấp chấp biện pháp can thiệp, các nhà phân tích phần lớn đồng ý rằng động thái này sẽ không có tác động lâu dài.

Chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn thì tình hình còn trở nên tồi tệ hơn đối với Nga, nền kinh tế Nga và đồng rúp”, ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao của EM tại Bluebay Asset Management, nói.

“Việc tăng lãi suất chính sách sẽ không giải quyết được bất cứ điều gì, ngoại trừ việc có thể tạm thời làm chậm tốc độ mất giá của đồng rúp với cái giá là tăng trưởng GDP thực chậm hơn, tình hình chỉ khác đi khi mà vấn đề cốt lõi là chiến tranh và lệnh trừng phạt được giải quyết”.

Lần gần đây nhất ngân hàng thực hiện một đợt tăng lãi suất khẩn cấp là vào cuối tháng 2/2022 với mức tăng lên 20% ngay lập tức sau khi Nga điều quân tới Ukraine. Sau đó, ngân hàng đã dần dần giảm chi phí vay xuống 7,5% khi áp lực lạm phát mạnh giảm bớt vào nửa cuối năm 2022.


Chuyên gia Pháp: Nền kinh tế Trung Cộng đang có biến động lớn (RFI)

Nền kinh tế Trung Cộng đang vấp phải nhiều khó khăn trong thời gian gần đây. Tuần báo Pháp L’Express hôm 09/08/2023 đăng bài phỏng vấn chuyên gia Philippe Aguignier nhận định về đường hướng mà Bắc Kinh có thể sẽ áp dụng trong thời gian tới để tìm ra những biện pháp phục hồi nền kinh tế. RFI xin giới thiệu.

Từ vài tháng qua, Trung Cộng liên tục cho thấy những tín hiệu đáng lo ngại. Vào tháng 7, Cục Thống kê Quốc gia (BNS) đã công bố chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,3% trong một năm, trong khi chỉ số giá sản xuất giảm 4,4%. Đối với chỉ số giá sản xuất, đây là một cải thiện nhỏ so với tháng 6. Điều này cho thấy những khó khăn mà Trung Cộng đang tích lũy kể từ khi phục hồi vào đầu năm, sau khi Bắc Kinh chấm dứt chính sách « zero-Covid ». Thông qua những dữ liệu này, giảng viên kinh tế Trung Cộng tại Viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (Inalco) và chuyên gia về châu Á tại Viện Montaigne, Philippe Aguignier cho biết đây là một minh họa mới về những vấn đề mang tính cấu trúc trong nền kinh tế của Trung Cộng.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 giảm làm dấy lên bóng ma giảm phát tại Trung Cộng. Tình trạng này được giải thích như thế nào ?

Philippe Aguignier : Chỉ số giá tiêu dùng không phải là chỉ số duy nhất bị âm so với năm ngoái. Chỉ số giá sản xuất cũng vậy. Mặc dù những tín hiệu này rất đáng ngại, nhưng chúng ta cũng không nên phóng đại mọi chuyện. Không có hiện tượng giảm phát tổng thể ở Trung Cộng, và không phải là không có khả năng tình hình sẽ dịu đi một chút trong những tháng tới. Chỉ có lĩnh vực bất động sản, chiếm từ 20-30% nền kinh tế Trung Cộng, dường như đã bước vào vòng xoáy của những « dự báo tự hoàn thành » với các quyết định mua và đầu tư bị trì hoãn, sau một thời gian đầu tư quá mức được tài trợ bằng những khoản nợ. Tuy nhiên, những tín hiệu này cho thế giới thấy có một vấn đề thực sự về mặt cơ cấu trong nền kinh tế Trung Cộng. Nhiều người muốn tin rằng một khi thoát khỏi cơn ác mộng « zero-Covid », Trung Cộng sẽ tăng trưởng trở lại. Nhưng đất nước phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm cả hiện tượng về sự suy giảm nhân khẩu học, vốn chỉ mới ở giai đoạn ban đầu.

Vậy hiện tượng kinh tế sụt giảm của Trung Cộng có tiếp tục kéo dài hay không ?

Philippe Aguignier : Chúng ta có thể khẳng định về một sự sụt giảm kéo dài trong một thời gian, điều này không có gì đáng ngạc nhiên : không nền kinh tế nào có thể duy trì tốc độ tăng trưởng 9-10% trong dài hạn. Tuy nhiên, Trung Cộng vẫn là một nền kinh tế đang tăng trưởng. Theo tôi, tốc độ tăng trưởng 5% mà các nhà lãnh đạo công bố cho năm nay vẫn có thể đạt được, sau một năm 2022 thực sự rất yếu.

Tuy nhiên, khủng hoảng hiện nay có phải là dấu hiệu cho thấy mô hình Trung Cộng đã lỗi thời ?

Philippe Aguignier : Mô hình kinh tế của Trung Cộng quả thực đã phát huy tác dụng trong một thời gian rất dài, nhưng đã dẫn đến những phản ứng thái quá và mất cân đối nhất định. Đất nước đang phải chịu mức nợ cao và chỉ số tiêu dùng nội địa đang ở mức thấp. Giờ đây, Bắc Kinh cần tiến hành những cải cách cơ bản.

Chính quyền phản ứng như thế nào trước tình huống này ?

Philippe Aguignier : Cho đến nay, chính phủ dường như muốn tránh dùng đến các biện pháp mặc định” được áp dụng từ trước, bao gồm các kế hoạch đầu tư lớn – điều này chỉ làm « trì hoãn » các vấn đề. Các nhà lãnh đạo dường như sẵn sàng chấp nhận rằng nền kinh tế đang có biến động, và không phải là biến động nhỏ. Họ dường như nhận thức được những vấn đề về bất động sản, về mức nợ của lĩnh vực này, cũng như mức nợ của các chính quyền địa phương. Vẫn còn phải xem chính sách này sẽ kéo dài bao lâu và phản ứng dài hạn sẽ ra sao.

Liệu gánh nặng nợ có thể trở nên quá tải đối với Trung Cộng ?

Philippe Aguignier : Tính cả chính phủ trung ương, các tập đoàn và các cá nhân, nợ ở Trung Cộng tương đương khoảng 300% GDP. Từ quan điểm kinh tế vĩ mô, đất nước vẫn còn khả năng hành động. Vấn đề nằm ở thành phần và sự phân bổ của những khoản nợ này : nó tập trung vào những người có ít khả năng trả nợ nhất. Do đó, một phần doanh nghiệp nhà nước được duy trì hoạt động một cách giả tạo, mặc dù chúng không mang lại lợi nhuận. Đối với cấp chính quyền địa phương, những khó khăn đang gia tăng ở một số vùng, đặc biệt là vùng Đông Bắc, một vùng có lịch sử thịnh vượng, nhưng đang trên đà trở thành một trong những vùng nghèo nhất đất nước.


Phó tổng thống Đài Loan quá cảnh ở Mỹ, Trung Cộng dọa đáp trả “cứng rắn” (RFI).

Phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai), trên đường đến Paraguay, hôm 13/08/2023, đã dừng chân ở Mỹ bất chấp những đe dọa trước đó của TC. Bắc Kinh lập tức có phản ứng mạnh mẽ, dọa có những « biện pháp cứng rắn » khi cho rằng động thái này của Mỹ và Đài Loan là vi phạm nguyên tắc « Một nước Trung Hoa duy nhất ». 

Phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức tại New York

Trong thông cáo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng nêu rõ nước này « phản đối mạnh mẽ mọi hình thức tiếp xúc chính thức giữa Hoa Kỳ và Đài Loan và kiên quyết phản đối việc những người ly khai đấu tranh cho độc lập của Đài Loan có thể đặt chân đến Mỹ ».

Thông cáo nhấn mạnh « Trung Cộng theo dõi chặt chẽ » chuyến thăm của ông Lại Thanh Đức và « sẽ có những biện pháp cứng rắn, quyết liệt để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ».

Theo AFP, Trung Cộng đã có phản ứng gay gắt sau khi phủ tổng thống Đài Loan cho đăng đoạn video cảnh ông Lại Thanh Đức đã đến một khách sạn ở New York. Trên mạng xã hội X (tên cũ là Twitter), lãnh đạo Đài Loan, thuộc đảng ủng hộ độc lập, còn viết rằng đã được nhiều đại diện của Viện Mỹ ở Đài Loan – một hình thức tòa đại sứ Mỹ ở Đài Bắc – đón tiếp.

Bắc Kinh xem đây như là một sự « thông đồng » giữa Washington và Đài Bắc, « cho phép ông Lại Thanh Đức thực hiện những hoạt động chính trị tại Mỹ với lý do quá cảnh ». Trung Cộng mạnh mẽ bày tỏ sự « bất bình » trước chuyến thăm của người mà Bắc Kinh gọi là « kẻ gây rối » Lại Thanh Đức.

Cuối cùng, bộ Ngoại Giao Trung Cộng còn cho rằng « chính những nỗ lực dựa dẫm vào Mỹ để tìm kiếm độc lập của Đài Loan và thái độ khăng khăng của Mỹ dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Cộng là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến căng thẳng tại eo biển Đài Loan ».


Ngoại trưởng Trung Cộng đến Phnom Penh vào lúc Cam Bốt chuyển giao quyền lực (RFI)

Lãnh đạo ngoại giao Trung Cộng Vương Nghị (Wang Yi) công du Cam Bốt ít ngày sau khi tướng Hun Manet, con trai ông Hun Sen được bổ nhiệm làm thủ tướng. Trong buổi tiếp ông Vương Nghị, hôm 13/08/2023 tại Phnom Penh, lãnh đạo tương lai Cam Bốt Hun Manet khẳng định tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ với Bắc Kinh.

Hun Manet và Vương Nghị

Theo AFP, trên Telegram, ông Hun Manet cho biết ông và ngoại trưởng Trung Cộng ‘‘cam kết thúc đẩy hợp tác song phương’’. Trong một thông điệp khác trên Facebook, thủ tướng Cam Bốt tương lai cũng tái khẳng định ‘‘lập trường không thay đổi’’ của Phnom Penh về chính sách ‘‘Một Trung Hoa’’, và cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Cộng, ngụ ý chỉ các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tân Cương, hay Tây Tạng.

Nhật báo Anh ngữ Khmer Times tại Cam Bốt ghi nhận: Ngoại trưởng Trung Cộng là ‘‘nhà ngoại giao nước ngoài cao cấp nhất’’ đến Cam Bốt sau cuộc bầu cử Quốc Hội. Theo báo Trung Cộng China Daily, cũng trong cuộc gặp Hun Manet, ngoại trưởng Trung Cộng hoan nghênh chiến thắng của đảng cầm quyền Cam Bốt trong cuộc bầu cử Quốc Hội vừa qua.

Cuộc bầu cử bị Hoa Kỳ và đông đảo giới hoạt động nhân quyền trong khu vực chỉ trích là ‘‘không tự do’’, ‘‘không công bằng’’, với việc các đảng phái đối lập chính bị loại khỏi cuộc đua.

Ông Hun Manet, 38 tuổi, được Quốc vương Cam Bốt bổ nhiệm hôm 07/08. Trước khi chính thức nhậm chức, con trai thủ tướng mãn nhiệm Hun Sen sẽ phải đợi cuộc bỏ phiếu ngày 22/08, tại Quốc Hội, hoàn toàn trong tay đảng Nhân Dân Cam Bốt cầm quyền.

Chuyến thăm Cam Bốt của ông Vương Nghị nằm trong vòng công du Đông Nam Á ba ngày của lãnh đạo ngoại giao Trung Cộng (10 – 13/08), tới Malaysia, Singapore và Cam Bốt. Cam Bốt, dưới sự lãnh đạo của Hun Sen trong gần bốn thập niên qua, được coi là một trong các đồng minh chủ chốt của Bắc Kinh tại khu vực. Ông Hun Sen giã từ chức vụ thủ tướng, nhưng vẫn tiếp tục đứng đầu đảng cầm quyền và làm chủ tịch Thượng Viện.

Thủ tướng tương lai Cam Bốt Hun Manet đã hai lần đi Bắc Kinh kể từ năm 2020, với tư cách là một thành viên trong phái đoàn Cam Bốt, đứng đầu là thủ tướng Hun Sen. Nhật báo Khmer Times hôm 08/08 tự hỏi ‘‘Liệu Bắc Kinh có phải là điểm đến đầu tiên của (thủ tướng) Hun Manet ?’’.


Philippines: Chính sách an ninh mới nêu bật quan ngại về Đài Loan (RFI).

Trong bản chính sách an ninh quốc gia mới vừa được công bố ngày 15/08/2023, Philippines đã xem vấn đề Đài Loan là một “mối quan ngại lớn” của mình trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng làm cho “bối cảnh địa chính trị căng thẳng hơn”.

Theo hãng tin Anh Reuters, tài liệu dài 48 trang mà tổng thống Ferdinand Marcos Jr mới phê duyệt, khẳng định, Philippines sẽ tìm cách tăng cường năng lực xử lý các mối đe dọa đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường quan hệ với các đồng minh trong khi theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr

Mối “quan ngại lớn” đối với Philippines liên quan đến tình hình eo biển Đài Loan, với “các mối quan hệ xuyên eo biển có khả năng trở thành điểm nóng trong khu vực”, ý nói đến căng thẳng Trung Cộng-Đài Loan.

Bắc Kinh coi đảo Đài Loan tự trị là một tỉnh của Trung Cộng và liên tục cho tập trận ở các vùng biển ngoài khơi hòn đảo này để khẳng định đòi hỏi chủ quyền của mình, những động thái gây sức ép đã bị Hoa Kỳ và các đồng minh như Nhật Bản chỉ trích.

Bản Chiến Lược An Ninh Quốc Gia của Philippines nhấn mạnh: “Bất kỳ một cuộc xung đột quân sự nào ở eo biển Đài Loan chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Philippines do sự gần gũi về địa lý (giữa hai bên) và sự hiện diện của hơn 150.000 người Philippines ở Đài Loan”.

Các hòn đảo cực bắc của Philippines chỉ cách Đài Loan không đầy 200km, và Manila lo ngại trước nguy cơ bị bất ổn về kinh tế, kiều dân Philippines tại Đài Loan bị tác hại và dòng người tị nạn tràn ngập Philippines nếu xung đột nổ ra.

Bản chính sách an ninh quốc gia mới của Philippines không thể quên Biển Đông, nơi mà Manila thường xuyên bị Bắc Kinh sách nhiễu. Tài liệu khẳng định rằng Biển Đông “vẫn là lợi ích quốc gia hàng đầu” của Philippines.

Quan hệ Manila-Bắc Kinh dưới thời tổng thống Marcos đã trở nên căng thẳng, đặc biệt trên vấn đề Biển Đông, trong bối cảnh Philippines được cho là đã thân thiết trở lại với đồng minh Mỹ truyền thống. Chính sách an ninh mới của Philippines xác định rằng nước này sẽ củng cố Hiệp Ước Phòng Thủ Chung với Mỹ, cũng như các cơ chế hiện có khác với các đối tác trong khu vực, để “đạt được năng lực quốc phòng đáng tin cậy”.


Lãnh đạo Mỹ, Nam Hàn, Nhật Bản họp ở Trại David, triển khai các bước phòng thủ mới (VOA)

Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn sẽ khởi động một loạt sáng kiến chung về công nghệ và quốc phòng khi các nhà lãnh đạo của 3 nước này ngồi lại với nhau ở Trại David vào thứ Sáu tuần này, 18/8, theo các quan chức cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ, trong bối cảnh 3 nước có chung mối quan ngại ngày càng lớn về Trung Cộng.

Tuy cuộc gặp thượng đỉnh khó có thể tạo ra một thỏa thuận an ninh chính thức để 3 quốc gia cam kết bảo vệ lẫn nhau, song họ sẽ đồng ý về cùng có sự thông hiểu giống nhau về trách nhiệm khu vực và thiết lập một đường dây nóng 3 bên để liên lạc trong thời điểm khủng hoảng, các quan chức cho hay và không muốn nêu danh tính.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã mời Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới cơ sở nghỉ ngơi lâu đời phục vụ tổng thống ở Dãy núi Catoctin thuộc bang Maryland, giữa lúc 2 quốc gia châu Á nỗ lực hàn gắn quan hệ ngoại giao bị rạn nứt trước những mối đe dọa lớn hơn trong khu vực do sự trỗi dậy của Trung Cộng và Triều Tiên.

Đây là cuộc gặp đầu tiên của lãnh đạo 3 nước theo hình thức như vậy và các quan chức Hoa Kỳ hy vọng sẽ trở thành cuộc gặp mặt thường niên, chính thức hóa mối quan hệ và hợp tác của họ.

Hàn Quốc và Nhật Bản đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh chung lần đầu tiên sau 12 năm vào tháng 3 năm nay và đã thực hiện các bước để giảm bớt căng thẳng sau nhiều năm mâu thuẫn, trong đó có một số bất đồng về việc Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên trong những năm 1910-1945.

Washington có hai thỏa thuận riêng rẽ về phòng thủ song phương chính thức với cả Tokyo lẫn Seoul, nhưng Mỹ muốn hai nước này hợp tác chặt chẽ hơn trước những lo ngại ngày càng tăng về sức mạnh gia tăng và ý đồ của Trung Cộng.

Một trong các quan chức Hoa Kỳ nói: “Chúng tôi đang tính toán về một số bước sẽ đưa chúng tôi xích lại gần nhau hơn trong lĩnh vực an ninh”, và làm như vậy sẽ “tăng cường an ninh tập thể của chúng tôi”.

Nhưng quan chức Hoa Kỳ nói thêm rằng, “chớ có kỳ vọng rằng sẽ có một khuôn khổ an ninh 3 bên giữa 3 nước chúng tôi vì điều đó là một mục tiêu quá lớn, khó đạt được. Tuy nhiên, chúng tôi đang thực hiện các bước để mỗi quốc gia hiểu rõ trách nhiệm đối với an ninh khu vực, và chúng tôi đang thúc đẩy các lĩnh vực phối hợp mới và phòng thủ tên lửa đạn đạo, một lần nữa là công nghệ, sẽ được coi là rất quan trọng”.

Dự kiến cuối cuộc gặp thượng đỉnh sẽ có một tuyên bố chung giữa 3 quốc gia, bao gồm nội dung đề cập đến mối quan ngại về ý đồ của Trung Cộng nhằm thay đổi tình trạng của Đài Loan tự trị, vốn thường xuyên bị Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của họ.

Một trong các quan chức cho biết tuyên bố chung của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến sẽ bao gồm nội dung về duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Lời văn chính xác về nội dung này và các điều khoản khác dự kiến sẽ được đàm phán cho đến phút cuối cùng.

Nhưng nội dung hiện đang được xem xét sẽ nhất quán với các quan điểm trước đây của Hoa Kỳ về chủ đề này, tránh leo thang mạnh trong lời lẽ với Bắc Kinh vì Washington đang tìm cách giảm bớt căng thẳng trước cuộc hội đàm có thể diễn ra giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình vào cuối năm nay.


Tin Việt Nam.

Chống tham nhũng, csVN thu về 53 ngàn tỷ

Theo tin đài RFA, Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐTU) về phòng, chống tham nhũng csVN hôm 16/8 cho biết đã họp lần thứ 24, do Tông Bí Thư Nguyễn phú Trọng chủ tọa, đã loan báo: từ đầu năm 2021 đến nay, đã thu hồi được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội 12), trong đó phần lớn là các tài sản tẩu tán nước ngoài.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 2.100 tỷ đồng trong các vụ án, vụ việc do BCĐTU theo dõi, chỉ đạo. Cũng trong thời gian này, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố, điều tra 452 vụ án/1.409 bị can về các tội tham nhũng (tăng 155 vụ/727 bị can so với cùng kỳ năm 2022).

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 (năm 2021) đến nay, Việt Nam đã khởi tố, điều tra 1.304 vụ/3.523 bị can về các tội tham nhũng (tăng hơn hai lần về số vụ án và hơn ba lần về số bị can so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng), cũng theo báo cáo tại hội nghị.

Trong những vụ án này có những vụ án liên quan đến các quan chức cấp trung ương. Theo báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 đến nay đã có 31 cán bộ diện trung ương quản lý bị xử lý hình sự. Trong số này có sáu bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy.

Đáng chú ý, trong số những quan chức cấp trung ương bị xử lý từ đầu nhiệm kỳ đến nay có chín sĩ quan cấp tướng thuộc quân đội.


Việt Nam xuất khẩu gạo với giá cao nhất từ 15 năm nay

Khoảng 500.000 tấn gạo Việt Nam sẽ được bán với giá cao hơn trong tháng 8 sau khi các nhà xuất khẩu Việt Nam thương lượng lại thành công. Thông tin được hai nguồn tin xác nhận với Reuters ngày 16/08/2023 trong bối cảnh giá gạo thế giới đạt đỉnh điểm từ 15 năm qua.

Một nhân viên của một công ty giao dịch quốc tế cho Reuters biết « bên mua đã chấp nhận trả giá cao hơn đối với một số lô gạo được chuyển cho họ trong tháng 8 ». Cụ thể, khoảng 200.000 tấn gạo sẽ được giao trong tháng Tám, 300.000 tấn còn lại sẽ được chuyển đến các cảng của Việt Nam.

Các nước nhập cảng, trong đó có Indonesia và Philippines, đã trả thêm từ 30 đến 80 đô la/tấn gạo thơm Việt Nam so với giá 550 đô la/tấn trước khi Ấn Độ cấm xuất cảng gạo trắng của nước này từ tháng 07. Như vậy, bên bán thu thêm được từ 15 đến 40 triệu đô la so với giá thỏa thuận trước các lệnh hạn chế của New Delhi.

Phát biểu trước Quốc Hội Việt Nam ngày 15/08, bộ trưởng Nông Nghiệp thẩm định Việt Nam có thể xuất cảng từ 7-8 triệu tấn gạo trong năm 2023 sau khi đã bảo đảm được an ninh lương thực trong nước.

Nhìn chung, giá gạo châu Á đã tăng khoảng 20% từ tháng 07 năm nay. Gạo thơm Thái Lan cũng đã tăng thành 648 đô la/tấn vào đầu tháng 8. Đây là mức cao kỷ lục kể từ tháng 10/2008. Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos phân tích hai lý do chính.

Thứ nhất là thiên tai do hiện tượng El Niño trở lại. Thái Lan phải đối mặt với nguy cơ hạn hán gia tăng. Trước tình trạng thiếu nước – đến 40% ở một số vùng nông nghiệp – chính quyền yêu cầu nông dân canh tác các giống cây cần ít nước hơn. Còn tại Trung Quốc, mưa lũ, nắng nóng, sâu bọ ở miền bắc đã khiến mùa màng thất thu, buộc chính quyền Bắc Kinh phải nhập khẩu gạo.

Thứ hai là do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo trắng, trừ gạo basmati. Quyết đinh được đưa ra vào tháng 07 nhằm bình ổn giá thị trường trong nước trong bối cảnh Ấn Độ chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử. Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 40% thị trường. (RFI)


LHQ và các tổ chức quốc tế giục Việt Nam ngừng hành quyết tử tù Nguyễn Văn Chưởng

Liên Hợp Quốc và hơn một chục tổ chức phi chính phủ cùng đưa ra lời kêu gọi chính phủ Việt Nam ngừng việc thi hành án tử hình đối với ông Nguyễn Văn Chưởng cũng như tiến hành một cuộc điều tra trước cáo buộc tử tù này bị kết tội oan.

Gia đình ông Chưởng trong hơn 16 năm qua đã nhiều lần gửi đơn kêu oan tới các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nhưng bị họ từ chối xem xét bản án tử hình, trong đó ông Chưởng bị quy là kẻ chủ mưu cầm đầu hai đồng phạm khác gây ra vụ giết người cướp của vào năm 2007, làm một thiếu tá cảnh sát hình sự tử vong.

Bố mẹ Nguyễn Văn Chưởng (ở giữa) cùng với mẹ của tử tù Hồ Duy Hải (phía bên trái ảnh) và mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh (Nguồn: RFA)

Gia đình ông Chưởng hôm 4/8 nhận được thông báo của Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng về việc Tòa đã ra quyết định tiến hành tử hình ông. Bố của ông Chưởng, ông Nguyễn Trường Chinh, cho VOA biết rằng gia đình ông có thể làm đơn xin nhận tử thi hay tro cốt của con mình trong thời bạn 3 ngày kể từ khi thông báo. Tuy nhiên, ông nói rằng gia đình vẫn đang đi kêu oan cho con trai.

Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trong một tuyên bố đưa ra hôm 11/8, nói rằng họ “rất quan ngại trước các thông tin về việc Việt Nam sắp xử tử ông Nguyễn Văn Chưởng giữa những cáo buộc nghiêm trọng về tra tấn và vi phạm xét xử công bằng.”

Người phát ngôn của văn phòng, ông Jeremy Laurence “kêu gọi các nhà chức trách ngay lập tức dừng việc thi hành án và tiến hành một cuộc điều tra độc lập và vô tư về các cáo buộc tra tấn.”

Ông Chưởng bị buộc tội giết Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh ngày 14/7/2007 và bị bắt khoảng 3 tuần sau đó. Ông bị giam giữ liên tục trong 16 năm trong suốt quá trình xét xử và các thủ tục sau khi kết án. Ông Chưởng luôn khẳng định mình vô tội và cho rằng ông đã bị tra tấn nên phải thú tội, theo những bức thư mà ông bí mật gửi ra cho gia đình.

Góp tiếng nói vào việc kêu gọi hoãn thi hành án tử hình đối với ông Chưởng, một liên minh gồm 10 tổ chức nhân quyền quốc tế hôm 9/8 đã gửi một bức thư ngỏ tới Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng cũng để bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” và thúc giục chính quyền tiến hành một cuộc điều tra “vô tư và hiệu quả về những cáo buộc rằng ông (Chưởng) đã bị tra tấn để phải ‘thú nhận’ tội.”

Các tổ chức, trong đó có Ân xá Quốc tế (Amnesty International), cho rằng việc “thú tội” của ông Chưởng “bị cho là được thừa nhận một cách bất hợp pháp làm bằng chứng và được dùng để kết tội ông tại phiên tòa, trái với thông lệ quốc tế và nghĩa vụ pháp lý của Việt Nam.”

Theo các tổ chức này, cuộc điều tra của công an Việt Nam “bỏ qua những bằng chứng quan trọng” và “bất chấp các nhân chứng ngoại phạm rõ ràng” để lấy “những lời thú tội ‘bị ép buộc’” nhằm kết án ông Chưởng khi mới 24 tuổi vào năm 2007.

Theo thư ngỏ của các tổ chức nhân quyền, công an đã “ép buộc các nhân chứng ngoại phạm của ông Chưởng bằng vũ lực để thay đổi lời chứng của họ.”

Nguyễn Trọng Đoàn, em trai ông Chưởng và là người đi thu thập bằng chứng ngoại phạm cho anh, cũng bị bắt giữ với cáo buộc “thao túng vật chứng và nhân chứng” rồi bị kết án 2 năm tù vì tội “che dấu tội phạm.” Ông Đoàn mất hồi tháng 6 vì bệnh ung thư xương.

Luật sư Lê Văn Hòa, người từng là Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương và làm đại diện pháp lý cho gia đình ông Chưởng, cho VOA biết trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước rằng có nhiều mâu thuẫn trong những lời khai của các bị cáo và nhân chứng và rằng ông Chưởng có bằng chứng ngoại phạm, cũng như có vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ hiện trường.

Phái đoàn Liên minh châu Âu ở Việt Nam và 3 cơ quan ngoại giao của Canada, Na Uy và Anh đã ra tuyên bố chung hôm 10/8 kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam dừng việc thi hành án ông Chưởng. Tuyên bố được đưa ra ít ngày sau khi cha mẹ của tử tù này và hàng nghìn người khác gửi lời thỉnh cầu đến Chủ tịch Việt Nam.

VOA đã gửi lời yêu cầu bình luận về những lời kêu gọi của các tổ chức nhân quyền và chính phủ quốc tế tới người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Chủ tịch Thưởng chưa đưa ra phản ứng công khai nào trước lời kêu gọi của gia đình ông Chưởng, người dân và các tổ chức quốc tế.

Ông Chinh cho biết gia đình đã đi thăm con trai hôm 14/8 và thấy “tinh thần Chưởng khác lạ hơn trước” cũng như lo lắng về việc cho đến lúc này chưa biết chính xác ngày thi hành án con trai ông. Các tổ chức nhân quyền quốc tế trong thư ngỏ nói rằng nếu xử tử ông Chưởng, “Việt Nam sẽ đi ngược lại xu thế toàn cầu là loại bỏ hình phạt tử hình và thiết lập một lệnh cấm sử dụng hình phạt này.” Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, tại các nghị quyết được đưa ra nhiều lần với sự đồng thuận cao, và gần đây nhất là trong Nghị Quyết đưa ra ngày 15/12/2022, đã kêu gọi tất cả các quốc gia hiện giữ vẫn giữ hình phạt tử hình bãi bỏ ngay lập tức hình phạt này. (VOA)


Đợt khủng hoảng điện ở Việt Nam trong hai tháng 5, 6 gây thiệt hại 1,4 tỷ USD

Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố báo cáo ngày 10/8 cho biết: đợt thiếu điện nghiêm trọng suốt hai tháng 5 và 6 vừa qua tại Việt Nam do nắng nóng và hạn hán chưa từng có gây thiệt hại 1,4 tỷ Mỹ kim, tương đương 0,3% GDP của Việt Nam.

Theo WB, đợt thiếu điện tác động tệ hại đến nhiều nhà máy ở miền Bắc Việt Nam; trong số này chỉ có một số được thông báo ít ỏi hay không có cảnh báo gì trước về việc cắt điện. Tại khu vực này có nhiều nhà máy lớn thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu như Samsung, Foxconn… và những doanh nghiệp bị tác động báo cáo doanh thu thiệt hại đến 10%.

WB cho biết mức thiếu hụt điện so với nhu cầu sử dụng điện ở mức đỉnh điểm của các nhà máy tại phía Bắc lên đến 1,8GW.

Thủy điện hiện cung ứng đến phân nửa nhu cầu điện tại Việt Nam; trong khi đó nhu cầu tăng hằng năm hơn 8%. Thế nhưng nắng nóng, khô hạn kỷ lục kể từ đầu tháng năm làm nhiều sông ngòi, hồ chứa của các nhà máy thủy điện thiếu nước để chạy máy.

Chính phủ Hà Nội đặt mục tiêu được cho là tham vọng đến năm 2050 không còn nhiệt điện chạy than; và giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng mỗi năm xuống 2% cho đến năm 2025.

WB thúc giục Việt Nam phải có hành động ngay để giảm thiểu những nguy cơ về an ninh năng lượng và thiệt hại kinh tế trong tương lai liên quan đến tình trạng năng lượng điện. (RFA)


Đài Loan hoan nghênh Việt Nam cấp e-visa cho công dân của đảo quốc

Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm 15/8 hoan nghênh quyết định của Việt Nam mở ra chương trình cấp thị thực điện tử (e-visa) cho khách du lịch nước ngoài, trong đó có du khách Đài Loan, theo Focus Taiwan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jeff Liu được trang tin trên dẫn lời nói rằng sự thay đổi này có nghĩa là những người mang hộ chiếu Đài Loan sẽ không còn phải nộp đơn xin công văn chấp thuận nhập cảnh từ chính phủ Việt Nam trước khi đến Việt Nam.

Theo Focus Taiwan, ông Liu cũng nhắc nhở du khách Đài Loan rằng đơn xin thị thực điện tử trực tuyến cần 3 ngày làm việc để được xử lý.

Trang tin này đưa rằng trước đây, du khách Đài Loan cần có công văn chấp thuận do Cục quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam cấp để được xuất nhập cảnh Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định sau đó mới xin visa lúc hạ cánh.

Theo Focus Taiwan, với thư chấp thuận, du khách có thể lấy thị thực khi đến một trong ba sân bay quốc tế tại Việt Nam, nằm ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Tin cho hay, mặc dù thị thực hạ cánh chỉ tốn 25 đô la Mỹ, phí cho thư chấp thuận có thể lên tới 200 đô la Mỹ và chỉ có thể được xử lý thông qua một công ty du lịch được chứng nhận.

Theo Focus Taiwan, thủ tục xin visa tốn kém có thể là nguyên nhân khiến lượng khách Đài Loan đến Việt Nam giảm mạnh trong năm nay.

Trang tin này dẫn thống kê của Cục Du lịch cho thấy khách du lịch Đài Loan đã thực hiện 321.000 lượt đến Việt Nam từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2020, trước khi xảy ra đại dịch, khi thư chấp thuận không phải là yêu cầu đầu vào. Tuy nhiên, từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023, con số này chỉ là 118.000, theo Cục Du lịch.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Việt Nam mới cho biết vừa thông qua một nghị quyết hôm 14/8, theo đó sẽ cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo nghị quyết, do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023, việc cấp thị thực điện tử sẽ được thực hiện tại 13 cửa khẩu đường hàng không bao gồm cả Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh, 16 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển.(VOA)


Bài liên quan:
  • Tin Cuối Tuần (27-28-Apr-2024)
  • Ngân Hàng Republic First Bank Phá Sản
  • Đảng Cộng sản Thất Bại Trong Cuộc Đàn Áp Đức Tin
  • Dự Luật Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Cho Phép Hoa Kỳ Gửi Thêm Vũ Khí Tới Israel, Ukraine
  • Tỷ Lệ Tín Nhiệm Trong Ba Tháng Vừa Qua Của Biden Xuống Thấp Nhất
  • Ủy Viên Hội Đồng Thành Phố New York Phản Đối ‘Phong Trào Ủng Hộ Khủng Bố’
  • Tây Phương Cần Thoái Vốn Khỏi Trung Cộng Để Ngăn Chặn Chiến Tranh Không Gian
  • Châu Âu Cho Rằng Trung Cộng Là Nền Kinh Tế Quốc Doanh
  • Sản Phẩm Mang Thương Hiệu Nổi Tiếng Bị Nghi Ngờ Do Tù Nhân Sản Xuất
  • Ngoại Trưởng Blinken Nêu Vấn Đề Nhân Quyền Trong Chuyến Công Du Trung Cộng
  • Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken Lo Ngại Về Các Hoạt Động Thương Mại Không Công Bằng Của Trung Cộng
  • Việt Nam: Sài Gòn, Bình Dương Cháy Lớn
  • Đài Loan Hợp Tác Với Các Công Ty Kỹ Nghệ Hoa Kỳ Để Sản Xuất Máy Bay Điều Khiển Từ Xa
  • Nhật Bản Mở Rộng Quân Sự Vượt Quá Ranh Giới Hiến Pháp
  • Hàng Trăm Ngàn Người Tuần Hành Ủng Hộ Palestine Hôm Thứ Bảy
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 22-23-24/4/2024.
  • Hạ Viện Mỹ thông qua khoản viện trợ 61 tỷ đô la: Ukraina ăn mừng, Nga lên án (RFI)
  • Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố gởi vũ khí cho Ukraina “ngay từ tuần này”
  • Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân: Nguy cơ leo thang với Nga
  • Ukraina dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng và nhà máy luyện kim trên lãnh thổ Nga
  • Nhân viên nghị viện EU bị bắt ở Đức vì làm gián điệp cho Trung Cộng
  • Mỹ - Philippines khởi động cuộc tập trận Balikatan ở Biển Đông
  • LHQ muốn một cuộc điều tra quốc tế về các hố chôn tập thể tại một bệnh viện ở Gaza
  • Ngoại trưởng Mỹ đến gây sức ép với Trung Cộng nhưng vẫn cố giữ ổn định
  • Bắc Triều Tiên tập trận tấn công hạt nhân, Nam Hàn dọa "xóa sổ" chế độ Bình Nhưỡng
  • Trợ lý bị bắt, Vương Đình Huệ liệu có lâm nguy?
  • World Bank: Kinh tế Việt Nam đang dần ‘phục hồi’
  • Hạn hán kéo dài khiến khoảng 77.000 trẻ ở Việt Nam không có nước sạch
  • CSVN phạt tù 10 người vì tham gia tổ chức “phản động” ở Mỹ
  • Tin Cuối Tuần (20-21-Apr-2024)
  • Đề Nghị Truất Phế Chủ Tịch Hạ Viện Johnson ‘Sắp Được Đưa Ra’
  • Ông Bill Barr Cho Biết Tại Sao Ông Ủng Hộ Cựu TT Trump Nhiều Hơn TT Biden
  • Thời Tổng thống Biden, Lạm Phát Kéo Dài Và Việc Làm Suy Giảm
  • Các Cuộc Thăm Dò Không Cho Biết Về Sự Dẫn Đầu Của Cựu TT Trump
  • Số Phận Các Tỷ Phú Của Trung Cộng, Sụt Giảm, Phá Sản, Hoặc Bị Bắt Giữ
  • Chủ Nghĩa Tư Bản Trung Cộng Đang Bóp Méo Thị Trường Toàn Cầu
  • TT Biden Kêu Gọi Tăng Gấp Ba Lần Thuế Quan Đối Với Nhôm Thép Trung Cộng
  • Thủ Tướng Đức Vận Động Trung Cộng Chơi Công Bằng Trên Thị Trường EU
  • Trung Cộng Đóng Góp Cho Ngành Kỹ Nghệ Quốc Phòng Nga
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 15-16-17/4/2024.
  • Hai chục nước mua đạn pháo ngoài châu Âu để cung cấp cho Ukraina
  • Chiến tranh Ukraina: Lãnh đạo AIEA báo động nguy cơ tai nạn hạt nhân ở Zaporijjia
  • Quân đội Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran
  • Lần đầu tiên quyết định oanh kích trực tiếp Israel: Iran được gì, mất gì?
  • Mỹ-EU chuẩn bị trừng phạt thêm Iran, Anh và Đức thuyết phục Israel ‘"kiềm chế"
  • Úc công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên để đối phó Trung Cộng
  • BT Quốc Phòng Mỹ, Trung nối lại đối thoại: Biển Đông và Đài Loan là trọng tâm
  • Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine, Israel trong tuần này
  • Mỹ và Việt Nam quan ngại về dự án kênh đào do TC tài trợ ở Cam Bốt
  • Reuters: Việt Nam bơm tới 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB bị chìm trong vụ lừa đảo khổng lồ
  • Việt Nam bắt thêm các lãnh đạo tập đoàn vì ‘đưa, nhận hối lộ’
  • CSVN phạt một phụ nữ 12 năm tù vì tham gia tổ chức ‘khủng bố’ ở Mỹ
  • Số người Việt vượt eo biển Manche vào Anh là đông nhất
  • Tin Cuối Tuần (13-14-Apr-2024)
  • TT Biden Tìm Cách Giảm Căng Thẳng Cuộc Xung Đột Giữa Iran Và Israel
  • Hạ Viện Sẽ Cố Gắng Về Gói Tài Trợ Cho Israel
  • Trung Cộng Có Mối Liên Hệ Với Tội Phạm Có Tổ Chức
  • Đảng Dân Chủ Sử Dụng Chiến Lược Ít Được Biết Đến Để Giành Chiến Thắng Trong Năm 2024
  • Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ Làm Gián Điệp Cho Cuba Lãnh 15 Năm Tù
  • Cuộc Điện Đàm Giữa Ông Biden Và Ông Tập Không Làm Thay Đổi Được Bất Cứ Điều Gì
  • Trung Cộng Đẩy Mạnh Xuất Cảng Khiến Các Nhà Đầu Tư Ngoại Quốc Lo Lắng
  • CEO Apple Đến Hà Nội, Thăm Việt Nam Trong 2 Ngày
  • Iran Không Kích Israel, Phóng Hàng Loạt Máy Bay Không Người Lái
  • 3 Con Trai Của Thủ Lĩnh Hamas Haniyeh Thiệt Mạng Trong Cuộc Không Kích Của Israel
  • Nhật Bản Có Thể Sẽ Gia Nhập Liên Minh AUKUS Chống Bắc Kinh
  • Nữ Ký Giả Trung Quốc Bị Trục Xuất Khỏi Thụy Điển Từng Kể Về Gia Cảnh Bị ĐCSTQ Bức Hại
  • Vương Quốc Anh Sẽ Không Bao Giờ Giao Quyền Lực Cho WHO