Tin Hoa Kỳ & Tin Thế Giới

Hơn 100 Tổ Chức và Cá Nhân Thúc Giục Liên Hiệp Quốc Trung Cộng Thu Hoạch Nội Tạng

Một liên minh gồm 110 nhà lập pháp, bác sĩ, học giả, và các tổ chức dân sự đang kêu gọi Liên Hiệp Quốc thành lập một tòa án hình sự quốc tế để điều tra tội ác Trung Cộng thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc.

noi tang

Trong tháng Giêng này, tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) đã đưa ra lời kêu gọi trước đợt đánh giá sắp tới của Liên Hiệp Quốc về các hồ sơ nhân quyền của Trung Cộng vào ngày 23/01, đánh dấu lần đánh giá đầu tiên đối với nước này kể từ năm 2018.

Tiến trình “Đánh giá Định kỳ Toàn cầu” là một hệ thống bình duyệt được thiết lập hồi năm 2006 cùng với việc thành lập Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Cứ bốn đến năm năm một lần, tất cả 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc phải trải qua một đợt đánh giá như vậy, được thực hiện bởi 47 thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và bất cứ quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nào quan tâm.

Tuy nhiên, DAFOH cho biết, trong khi đánh giá của Liên Hiệp Quốc “là nhằm thách thức các hành vi áp bức và để củng cố nhân quyền cũng như pháp quyền”, thì đánh giá này lại “không có mục đích cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ vi phạm các quyền căn bản đó”.

Trong bối cảnh vô số tù nhân lương tâm, đơn cử như các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, đã mất mạng vì nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn, thì sự im lặng chỉ có thể khuyến khích các thủ phạm “mở rộng các hành vi đàn áp vượt khỏi biên giới của họ”, DAFOH cảnh báo, đồng thời lưu ý rằng nhiều tổ chức phương Tây — chẳng hạn như các bệnh viện đào tạo, công ty dược phẩm, và tổ chức y tế — đã “hoàn toàn đồng thuận với việc rời bỏ các tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức để hợp tác với Trung Cộng trong những vụ sát nhân hàng loạt này”.

Cuộc đàn áp Pháp Luân Công — một môn tu luyện tinh thần khuyến khích các học viên sống theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn — đã khiến hàng chục triệu công dân Trung Quốc trở thành các mục tiêu bị ĐCSTQ thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Nguồn cung cấp nội tạng lớn từ những người bất đồng chính kiến bị cầm tù ở Trung Quốc đã biến Trung Quốc thành một điểm đến hàng đầu cho ngành du lịch cấy ghép quốc tế vì các bệnh viện Trung Cộng thường đưa ra thời gian chờ đợi để bệnh nhân được ghép tạng khá ngắn — nhanh chóng hơn nhiều so với thời gian chờ đợi ở các quốc gia phát triển có hệ thống hiến tạng đã được thiết lập vốn xem trọng việc bảo vệ đạo đức.


Bà Haley Đứng Hạng Thứ 2 Ở Cuộc Bầu Sơ Bộ Ở New Hampshire

Bà Nikki Haley diễn thuyết trước những người ủng hộ nhiệt tình, tỏ ra vui mừng khi đứng thứ hai ở New Hampshire, và nói rằng bà sẽ tiếp tục tham gia cuộc đua này.

Nikki Haley

Tính đến 8 giờ 45 phút tối theo giờ miền Đông Hoa Kỳ với 28% số phiếu được kiểm, bà Haley có 45.6% phiếu bầu so với 53.4% của cựu Tổng thống Donald Trump.

Bà nói: “New Hampshire là nơi đầu tiên trong cả nước. Đây không phải là nơi cuối cùng trong nước. Cuộc đua này còn lâu mới kết thúc”.

Bà Haley chúc mừng Tổng thống Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ này, nhưng cảnh báo rằng việc đảng Cộng Hòa đề cử Tổng thống Trump sẽ là một lựa chọn dễ gặp phải thất bại.

Bà nói: “Việc đề cử ông Trump là một chiến thắng cho ông Biden và một nhiệm kỳ tổng thống của bà Kamala Harris”.

Bà Haley nhắc lại lời thách thức Tổng thống Trump tranh luận với bà, nhưng Tổng thống Trump từ chối. Bà nói: “Cuộc chiến của chúng ta chưa kết thúc vì chúng ta có một đất nước để cứu”.

Bà Haley thể hiện sự tin tưởng rằng South Carolina, nơi bà làm thống đốc từ năm 2011 đến năm 2017, sẽ ủng hộ bà một lần nữa vì bà nói rằng bà sẽ đánh bại “giới quyền uy”.

Bà Haley đã nhiều lần nói trước, rằng bà sẽđạt được một kết quả “tốt đẹp” ở New Hampshire. Nhưng bà đã về hạng nhì.

Trước khi có những kết quả trên, ông Nathan Shrader, giáo sư chính trị tại Đại học New England ở Henniker, New Hampshire, nói với The Epoch Times rằng mặc dù bà Haley có thể đạt kết quả tốt ở New Hampshire, nhưng sẽ không đủ để bắt kịp cựu Tổng thống Trump.

Ông Shrader nói tiếp: “Như đã nói, tôi không tin một chiến thắng của bà Haley sẽ đủ để ngăn cản bước tiến của ông Donald J. Trump tới việc được đảng Cộng Hòa đề cử lần thứ ba”.


TT Biden Chiến Thắng Bầu Cử Sơ Bộ Dân Chủ Ở New Hampshire Dù Không Vận Động Tranh Cử

MANCHESTER, New Hampshire—Tổng thống (TT) Joe Biden đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ chủ yếu mang tính biểu tượng của đảng Dân Chủ vào thứ Ba ở New Hampshire, nhờ những người ủng hộ đã điền thêm tên ông lên lá phiếu. Tổng thống đã từ chối vận động tranh cử ở Tiểu bang Đá hoa cương (biệt hiệu của New Hampshire) cũng như xuất hiện trên lá phiếu của tiểu bang này.

Kết quả ban đầu cho thấy, bất chấp những thách thức của chiến dịch vận động cử tri ghi thêm tên trên lá phiếu, Tổng thống Biden vẫn duy trì vị trí dẫn đầu khá lớn trước 21 ứng cử viên có tên trên lá phiếu, trong đó có Dân biểu Dean Phillips (Dân Chủ-Minnesota) và tác giả Marianne Williamson, người đang tranh cử lần thứ hai để trở thành đề cử viên của đảng này.

Cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire khác thường ở chỗ tổng thống đương nhiệm không có tên trên lá phiếu năm nay. Kể từ năm 1920, New Hampshire luôn là tiểu bang tổ chức bầu cử sơ bộ đầu tiên của đất nước. Tuy nhiên, đảng Dân Chủ Quốc gia đã thay đổi các quy tắc để đảo ngược thông lệ này bằng cách để South Carolina dẫn đầu lịch bầu cử sơ bộ của đảng này và gọi cuộc bầu cử sơ bộ ngày hôm nay là “vô nghĩa”.

Tuy nhiên, một số thành viên đảng Dân Chủ ở New Hampshire đã tiến hành chiến dịch thêm tên cho Tổng thống Biden, kêu gọi cử tri ghi thêm tên ông lên lá phiếu. Bất chấp những nỗ lực này, các nhà quan sát lưu ý rằng tỷ lệ cử tri bỏ phiếu trong số các thành viên đảng Dân Chủ ở New Hampshire năm nay thấp, làm nổi bật cuộc xung đột gần đây giữa các thành viên đảng Dân Chủ cấp tiểu bang và cấp quốc gia.

Tháng Mười năm ngoái, ông Phillips, một nghị sĩ 54 tuổi phục vụ ba nhiệm kỳ, tuyên bố ứng cử viên cho đề cử của đảng Dân Chủ. Ông hy vọng sẽ có kết quả tốt trong cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire bằng cách lô cuốn một nhóm lớn cử tri độc lập, đồng thời ông lập luận rằng đảng Dân Chủ cần một ứng cử viên tốt hơn để đánh bại cựu Tổng thống Donald Trump.

Bà Ophelia Burnett, một cử tri đến từ Manchester, New Hampshire, tự mô tả mình là người độc lập, đã thay đổi phiếu bầu từ bà Nikki Haley sang ông Dean Phillips sau khi nghe nghị sĩ này diễn thuyết tại một buổi vận động tranh cử.

Bà Burnett, người từng bỏ phiếu cho ông Joe Biden vào năm 2020, cho rằng tổng thống Biden nên từ chức.

Vị nghị sĩ tiểu bang Minnesota này tuyên bố sẽ tiếp tục thách thức Tổng thống Biden sau màn thể hiện đầy thuyết phục trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ ở New Hampshire. Với 43% kết quả đạt được, ông Phillips đã thu hút được khoảng 20% sự ủng hộ ở Tiểu bang Đá hoa cương này.


Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Xuất Hiện Trước Công Chúng Lần Đầu Tiên Kể Từ Khi Bí Mật Vào Bệnh Viện

Hôm 23/01, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã tham dự một cuộc họp qua video, đánh dấu xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên kể từ khi bí mật vào biệnh viện liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, 70 tuổi, nói trong lời khai mạc lại cuộc họp Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine rằng, “Tôi kêu gọi nhóm này đào sâu để cung cấp cho Ukraine nhiều hệ thống phòng không và phi cơ đánh chặn trên mặt đất có thể cứu sinh cao hơn”.

Ông Austin nói rằng cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga, do Tổng thống Vladimir Putin đứng đầu, “có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các nước chúng ta”.

Ông nói thêm: “Quân đội dũng cảm của Ukraine đang tiếp tục cuộc chiến chống lại quân xâm lược của Điện Kremlin, chống lại chiến tuyến rộng lớn ở phía đông và phía nam Ukraine trong thời tiết mùa đông khắc nghiệt. Quân phòng thủ Ukraine tiếp tục gây tổn thất đáng kể cho lực lượng của Điện Kremlin”.

Ông Austin, một vị tướng về hưu, đã bí mật trải qua cuộc phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt vào tháng 12/2023. Các quan chức tiết lộ rằng ông được đưa đến bệnh viện vào ngày đầu năm mới trong tình trạng đau dữ dội, bao gồm cả đau bụng.

Ông Austin đã nằm bệnh viện mà Tòa Bạch Ốc không hề hay biết cho đến ngày 04/01. Công chúng không được thông báo cho đến ngày 05/01. Lý do nhập viện không được tiết lộ cho đến ngày 09/01.

Các nghị sĩ Quốc hội đã đưa ra một nghị quyết đàn hặc với lý do phần nào dựa trên lý do vào bệnh viện mà giữ bí mật.

Theo các bác sĩ tại Quân Y Viện Quốc gia Walter Reed ở Maryland, ông Austin đã xuất viện vào ngày 15/01 và ông sẽ trải qua vật lý trị liệu để hồi phục. Ngũ Giác Đài nói rằng ông Austin “sẽ làm việc từ nhà trong một khoảng thời gian trước khi trở lại Ngũ Giác Đài toàn thời gian”.


FBI, CISA Cảnh Báo Nguy Cơ An Ninh Từ Máy Bay Không Người Lái Của Trung Cộng

Trong một bản ghi nhớ và báo cáo do FBI và Cơ Quan An Ninh Mạng và An Ninh Cơ Sở Hạ Tầng (CISA) đưa ra hôm 17/01, những ai đang sử dụng và nhà điều hành cơ sở hạ tầng trọng yếu của Hoa Kỳ được cảnh báo không sử dụng máy bay không người lái (UAS) do Trung Cộng sản xuất vì những rủi ro về an ninh và bảo mật.

Trong một bản ghi nhớ kèm theo bản báo cáo có tiêu đề “Hướng dẫn An ninh Mạng: UAS do Trung Quốc sản xuất”, ông David Mussington, trợ lý giám đốc điều hành về An Ninh Cơ Sở Hạ Tầng của CISA, cho biết: “Các lãnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia chúng ta, chẳng hạn như năng lượng, hóa chất và truyền thông, đang ngày càng dựa vào UAS để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau nhằm giảm chi phí vận hành và cải thiện sự an toàn của nhân viên”.

“Tuy nhiên, việc sử dụng UAS do Trung Cộng sản xuất có nguy cơ làm lộ thông tin nhạy cảm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, cũng như sự an toàn và sức khỏe cộng đồng của Hoa Kỳ”.

Ông Mussington nói thêm: Phải “chú ý khẩn cấp” đến “các hoạt động mạng hung hãn của Trung Cộng nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ và dữ kiện nhạy cảm từ các tổ chức”.

Máy bay không người lái (drone) do Trung Cộng sản xuất từ lâu đã là một mối lo ngại ở Hoa Kỳ, đặc biệt là những chiếc được sản xuất bởi công ty Da Jiang Innovations (DJI) có trụ sở tại Trung Quốc, nhà sản xuất máy bay không người lái thương mại lớn nhất thế giới. Tháng 12/2020, Bộ Thương Mại đã ghi tên DJI vào danh sách kiểm soát xuất cảng vì dính líu tới những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Trung Cộng. Hai năm sau, Ngũ Giác Đài ghi tên DJI vào danh sách “các công ty quân sự Trung Cộng” đang hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp ở Hoa Kỳ.

Bản báo cáo nhấn mạnh những rủi ro liên quan đến việc sử dụng những máy bay không người lái do Trung Cộng sản xuất bằng cách chỉ ra các luật khác nhau của Trung Cộng, trong đó có Luật Tình Báo Quốc Gia có hiệu lực vào năm 2017, vốn buộc các công ty Trung Cộng phải giao dữ kiện được thu thập ở bên trong Trung Quốc và các nơi khác cho các cơ quan tình báo của Bắc Kinh.

Bản báo cáo cho biết, “Luật Bảo mật Dữ Kiện năm 2021 mở rộng quyền truy cập và kiểm soát của Trung Cộng đối với các công ty và dữ kiện ở Trung Quốc, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc nếu không tuân thủ”.


Hoa Kỳ Tấn Công Các Cơ Sở Có Liên Kết Với Nhóm Kataib Hezbollah

Hôm 23/01, các quan chức xác nhận rằng Hoa kỳ đã tiến hành các cuộc không kích ở Iraq nhằm vào các cơ sở được cho là có liên quan đến nhóm Kataib Hezbollah, nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn, và các nhóm phiến quân liên kết với nhóm này.

Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ cho biết các cuộc không kích đơn phương này được tiến hành lúc 12:15 sáng, nhắm vào khoảng ba cơ sở tại Iraq của nhóm dân quân Kataib Hezbollah Shia và các nhóm liên kết với nhóm này.

Kataib Hezbollah bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận là tổ chức khủng bố vào năm 2009. Thủ lĩnh chủ chốt của tổ chức này, ông Ahmad al-Hamidawi, bị đưa vào danh sách “Khủng bố Toàn cầu được Chỉ định Đặc biệt” vào tháng 02/2020.

Các cuộc không kích này nhắm vào những nơi được cho là trụ sở chính, kho lưu trữ, và địa điểm huấn luyện liên quan đến các loại vũ khí như hỏa tiễn, phi đạn, và máy bay không người lái tấn công một chiều của nhóm Kataib Hezbollah.

CNN đưa tin rằng có ít nhất một người thiệt mạng và một người bị thương sau các cuộc không kích của Hoa Kỳ.

Ông Jafar al-Hussaini, phát ngôn viên quân sự của Kataib Hezbollah, cho biết nhóm này “sẽ tiếp tục tấn công các thành trì của kẻ thù để trợ giúp người dân ở Gaza cho đến Mỹ chấm dứt hậu thuẫn và tàn sát hoàn toàn được dỡ bỏ”.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết các cuộc không kích hôm Thứ Ba (23/01) ở Iraq là để đáp trả các cuộc tấn công liên tục vào lực lượng Hoa Kỳ ở Iraq và Syria, trong đó có cả cuộc tấn công gần đây hôm 20/01 nhắm vào căn cứ không quân al-Asad ở miền Tây Iraq.

Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, đã có ít nhất 151 cuộc tấn công nhằm vào quân nhân ở Iraq và Syria kể từ ngày 17/10/2023, trong đó các cuộc tấn công này ngày càng leo thang sau cuộc chiến tranh Israel-Hamas.

Ông Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, trong một tuyên bố gọi các cuộc tấn công trả đũa của Hoa Kỳ là “cần thiết và tương xứng. Những cuộc tấn công chính xác này nhằm đáp trả trực tiếp một loạt các cuộc tấn công leo thang của lực lượng dân quân do Iran tài trợ nhắm vào quân nhân của Hoa Kỳ và của Liên quân ở Iraq và Syria”.


Tin Việt Nam

Ngoại Trưởng Tòa Thánh Loan Báo Sẽ Thăm Việt Nam        

Tuần qua, Truyền Thông quốc tế dẫn tin từ hãng thông tấn Reuters cho biết, Ngoại trưởng Vatican, Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher loan báo, Ngài sẽ sang thăm Việt Nam vào tháng Tư năm nay. Lời loan báo này được đưa ra ngay sau cuộc tiếp kiến của Đức Thánh Cha Phanxico dành cho 16 thành viên trong phái đoàn cộng sản Việt Nam diễn ra tại Vatican cùng dịp.

Khi được hỏi về khả năng Đức Thánh Cha sẽ tới thăm Việt Nam, Ngoại Trưởng Gallagher nói: “Tôi nghĩ rằng việc này sẽ diễn ra nhưng còn cần thực hiện một vài bước tiếp theo trước khi đủ điều kiện phù hợp cho chuyến thăm”. “Nhưng tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha rất muốn đi và cộng đồng giáo dân ở Việt Nam rất mong mỏi Đức Thánh Cha tới thăm. Tôi cho rằng chuyến thăm của một vị Giáo Hoàng sẽ đem thông điệp tốt tới khu vực”.

Cộng sản Việt Nam cắt đứt ngoại giao với Vatican sau khi xâm lăng Nam Việt Nam, tháng 04 năm 1975. Đồng thời đã ra lệnh trục xuất Đức Tổng giám mục Henri Lemaitre, khi đó là Khâm Sứ Tòa Thánh Tại Việt Nam Cộng Hòa, tức Miền Nam Việt Nam. Ngay từ khi mới cai trị Miền Bắc Việt Nam năm 1954, csVN đã coi Giáo hội Công giáo ở Việt Nam là thù địch, nên Tòa Thánh Vatican đã không còn vị đại diện nào từ các năm sau đó. (Tổng hợp).


Hà Nội Không Muốn Mỹ Dán Nhãn Cho Việt Nam ‘Kinh Tế Phi Thị Trường’

Đài BBC hôm 24 tháng 01, thuật tin của Rueters cho biết, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ hôm thứ Ba vừa thúc giục Washington đưa nước này ra khỏi danh sách ‘nền kinh tế phi thị trường’. Nhãn hiệu này kéo theo các mức thuế trừng phạt lên hàng hoá Việt Nam mà theo Hà Nội, nếu duy trì sẽ ‘có hại’ cho mối quan hệ song phương đang ngày càng trở nên mật thiết.

Năm ngoái, Bộ Thương Mại Mỹ cho hay họ đang xem xét tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam sau khi Hà Nội nói rằng họ cần phải được đưa ra khỏi danh sách này – vốn được áp dụng với các trường hợp chống bán phá giá – do những cải cách trong nền kinh tế những năm gần đây.

Nhãn hiệu nền kinh tế phi thị trường – cũng được áp dụng cho Nga và Trung Cộng do nhà nước can thiệp sâu vào nền kinh tế – cùng với các nước khác, cho phép Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao hơn đáng kể lên hàng nhập cảng từ các quốc gia được chỉ định bằng cách dựa vào giá uỷ quyền của nước thứ ba.

Theo luật pháp Hoa Kỳ, việc đánh giá này, được bắt đầu từ 24/10/2023, cần phải được hoàn thành trong vòng 270 ngày, tức khoảng giữa tháng Bảy.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Nguyễn Quốc Dũng nói với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ rằng “Tất nhiên, chúng tôi muốn Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường”, và Việt Nam không còn phù hợp với một nhãn hiệu chỉ được áp dụng cho12 nước, qua đó, tạo ra những thay đổi và bước tiến đáng kể cho vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.

Năm ngoái, Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính năm ngoái cũng kêu gọi Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này.

Ông Dũng nói rằng Việt Nam mong muốn Mỹ đầu tư nhiều hơn để nâng cao vị thế của Hà Nội trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu và để đáp ứng các cam kết về phát thải carbon. Ông Dũng nói, “Chúng tôi muốn có nhiều hơn các thị trường thuận lợi và mở cho cả hai quốc gia, hàng hoá và dịch vụ”. Ông Dũng nói Hà Nội hi vọng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo một ngày nào đó sẽ bao gồm khả năng tiếp cận thị trường, điều mà các nước châu Á đang mong mỏi. Việt Nam muốn Mỹ giúp nhiều hơn trong việc xử lý bom mìn còn sót lại trong Chiến tranh Việt Nam.

Được hỏi về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, mà trước đây chính quyền Tổng thống Donald Trump, người mà chính quyền của ông ta từng đe doạ sẽ áp thuế lên hàng hoá Việt Nam sau các cáo buộc về thao túng tiền tệ, hiện là ứng cử viên dẫn đầu của Đảng Cộng hoà.

Ông Dũng nói rằng có sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng cho quan hệ đối tác. “Sự nhiệt tình có thể thay đổi theo từng thời điểm, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh. Sự phát triển của thời đại, ở mỗi quốc gia”.


Trại Giam Phạt Kỷ Luật TNLT Trương Văn Dũng Vì Bị Cho Là “Xúc Phạm Nhân Phẩm Cán Bộ”

Đài RFA dẫn tin từ gia đình Tù nhân lương tâm (TNLT) Trương Văn Dũng, người đang thụ án tù 6 năm tại Trại giam Gia Trung cho biết, ông Dũng đang bị trại giam kỷ luật, không cho thăm gặp và nhận quà của gia đình trong một tháng, vào lúc Tết Nguyên Đán đã cận kề.

Hôm 03/1, gia đình gửi quà qua đường bưu điện cho ông Dũng, trong đó có bức ảnh đồ họa của tổ chức Việt Tân thông báo trao giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng năm 2023 cho “nhà hoạt động nhân quyền Trương Văn Dũng”.

Giải thưởng được thành lập từ năm 2018 “nhằm nêu cao sự hy sinh và những hoạt động của những cá nhân hay tổ chức đang miệt mài tranh đấu cho nhân quyền của dân tộc Việt Nam”.

Khoảng một tuần sau đó bưu kiện tới nơi, quản giáo trại giam kiểm tra và từ chối để ông Dũng nhận tấm ảnh này thì xảy ra tranh cãi, thông tin trên được bạn tù Lưu Văn Vịnh kể cho gia đình biết trong cuộc gọi điện thoại về nhà gần đây.

Bà Nghiêm Thị Hợp, vợ ông Dũng thuật lại sự việc cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) như sau:

Có cái ảnh trao giải nhân quyền, tôi in cái ảnh anh ấy được giải mang vào cho anh ấy để cho anh phấn khởi. Các cái ảnh khác thì nó (phía trại giam- PV) cho nhận nhưng cái ảnh đó thì nó giữ lại. Anh ấy phản đối, cãi nhau với nó, nó còn định đánh anh ấy nữa cơ. Cãi nhau to, thế là nó mới kỷ luật”.

Bà Hợp bày tỏ sự buồn bã và lo lắng vì chồng mình bị kỷ luật, thiếu thốn niềm vui trong thời điểm Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 sắp đến.

Theo thông báo của trại giam Gia Trung đề ngày 17/1, ông Dũng bị cảnh cáo vì đã có hành vi bị cho là “Có lời nói thiếu văn hóa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” nhưng không cho biết ông đã nói những gì. 

Hình thức kỷ luật là từ ngày 16/01 đến ngày 16/02/2024, ông bị cấm gặp thân nhân, nhận quà, nhận và gửi thư, liên lạc điện thoại, và mua hàng từ căng-tin của trại giam. 

Theo thông báo thì, kể từ ngày 17/2, ông sẽ chỉ được gặp thân nhân hai tháng/ lần cho đến khi được trại giam công nhận là “đã cải tạo tiến bộ”.

Theo Thông tư số 10 ban hành năm 2020 của Bộ Công An quy định về đồ vật cấm đưa vào cơ sở giam giữ thì “Các loại sách, báo, ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài, tôn giáo, tín ngưỡng chưa qua kiểm duyệt; tranh, ảnh, phim, băng đĩa có nội dung mê tín dị đoan, phản động, đồi trụy; các loại bài lá, sách, báo, ấn phẩm, tài liệu (in, viết) gây ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý, giáo dục phạm nhân” thuộc danh mục 11 đồ vật không được đưa vào các cơ sở giam giữ.

Ông Dũng là một nhà hoạt động nhân quyền năng nổ, ông từng tham gia trợ giúp cho thân nhân những người hoạt động bị bắt giam bên cạnh việc xuống đường biểu tình phản đối vi phạm nhân quyền, áp bức bất công, và Trung Cộng vi phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông. Nhiều lần, ông căng biểu ngữ một mình ở nơi đông người qua lại ở Hà Nội.

Vì các hoạt động đó, ông Dũng bị bắt vào tháng 5/2022 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Một năm sau, ông bị kết án sáu năm tù giam.

Ông mới bị chuyển từ Trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam đến Trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai trong tháng 10 năm ngoái.


Năm Loại Nông Sản Của Việt Nam Bị EU Kiểm Soát

Theo báo chí Nhà nước CSVN, được RFA dẫn thuật, năm mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam bị Liên Minh Châu Âu (European Union – EU) đưa vào danh sách bị kiểm soát khi xuất cảng vào thị trường châu Âu.

Năm mặt hàng gồm ớt chuông, mỳ ăn liền, sầu riêng, đậu bắp và trái thanh long.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm Hỏi Đáp Quốc Gia về Vệ Sinh Dịch Tễ Và Kiểm Dịch Động Thực Vật Việt Nam (Sanitary and Phytosanitary Measures – SPS Việt Nam), cho truyền thông hay, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được thông tin từ Ban Thư Ký của Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế (World Trade Organization – WTO) về thông báo của EU về việc tạm thời tăng cường kiểm soát và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào EU. Đối với Việt Nam, EU đưa ra danh sách gồm năm mặt hàng nêu trên.

Theo ông Nam, so với thông báo của sáu tháng cuối năm 2023, Việt Nam có bốn mặt hàng gồm đậu bắp, mỳ ăn liền, ớt chuông, trái thanh long vẫn giữ nguyên mức độ kiểm tra như trước. Chỉ riêng có mặt hàng sầu riêng thì phải được thêm vào danh sách ở mức độ 10%.

Theo ông Ngô Xuân Nam, sầu riêng bị kiểm kiểm tra 10% sẽ không ảnh hưởng nhiều đến xuất cảng. Việc EU tăng hay giảm mức độ kiểm tra đối với mặt hàng nông sản thực phẩm, thức ăn chăn nuôi của các nước thứ ba là hoạt động thường xuyên theo quy định.

Theo quy định của EU, cứ sáu tháng một lần, Nghị Viện Châu Âu sẽ họp và xem xét đánh giá mức độ kiểm tra biên giới đối với nông sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc phi động vật của nước thứ ba nhập cảng vào EU.

Không chỉ có nông sản, thực phẩm của Việt Nam, nhiều mặt hàng nông sản của các nước khác cũng được áp dụng tương tự.

Vẫn theo ông Nam, trong năm 2023, Việt Nam chỉ có 67 cảnh báo, giảm năm cảnh báo so với cùng kỳ năm 2022. Về sầu riêng, sáu tháng cuối năm 2023, Việt Nam chỉ có ba lô hàng sầu riêng vi phạm quy định của EU. Ông Nam nhấn mạnh, “Đó cũng là một trong những lý do sầu riêng bị EU đưa vào diện kiểm soát”.


Dù Còn Trên Giấy, Đường Sắt Vẫn Đội Vốn Gấp Đôi

Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo của thủ đô Việt Nam, hiện vẫn nằm trên giấy, giờ đây cần số vốn nhiều gần gấp đôi so với dự tính đặt ra hồi năm 2008, nhiều báo trong nước đưa tin, dẫn lại một tờ trình của nhà cầm quyền thành phố Hà Nội. Theo tin trên các báo Dân Trí, Lao Động và một số báo khác hôm 22/1, Ủy ban Nhân dân Hà Nội đã gửi văn bản đề nghị thủ tướng cộng sản Việt Nam điều chỉnh việc đầu tư cho tuyến tàu đô thị dài 11,5 kilomet còn có tên gọi là “tuyến 2”.

Thay đổi lớn nhất mà Hà Nội xin được duyệt là tổng vốn đầu tư sẽ tăng hơn 81%, từ mức hơn 19,5 nghìn tỷ đồng được duyệt hồi năm 2008 lên thành gần 35,6 nghìn tỷ đồng. Các báo trong nước như Dân Trí, Lao Động, Cafebiz, Cafeland… gọi đây là sự “đội vốn” sau hơn 15 năm không thể khởi công dự án.

Các báo của đảng tại Việt Nam tường thuật rằng những hạng mục tăng vốn đầu tư nhiều nhất là chi phí cho xây dựng và thiết bị, phải cần thêm lần lượt là gần 6,7 nghìn tỷ đồng và hơn 2,7 nghìn tỷ đồng.

Nhà cầm quyền Hà Nội lý giải rằng việc tăng tổng mức đầu tư do có các thay đổi về quy mô, tỷ giá quy đổi, biến động về giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công và tiền lương…, trong khi tổng mức đầu tư cũ đã được các nhà cố vấn chiết tính dựa trên mức đầu tư của các công trình tương tự ở một số nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ… từ thời những năm 2000.

Không có thông tin về ngày khởi công dự án, song các báo Việt Nam trích dẫn lời UBND Hà Nội đề xuất rằng dự án sẽ được hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành trong năm 2029.

Theo tìm hiểu của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), quy hoạch của Hà Nội nhắm đến xây dựng 10 tuyến hoả xa đô thị, gồm 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh, với tổng chiều dài 417,8km, cần đến tổng mức đầu tư dự định khoảng 40 tỷ đô la.

Tuy nhiên, do nhiều vấn đề, đến nay, Hà Nội mới chỉ có 1 tuyến hoạt động từ cuối năm 2021 là Cát Linh-Hà Đông. Theo tin tức của VOA, chính tuyến này cũng bị đội vốn từ mức hơn 8,7 nghìn tỷ đồng được duyệt năm 2008 (tương đương gần 553 triệu đô la) lên thành 18 nghìn tỷ đồng vào năm 2017 (khoảng 868 triệu USD).

Hà Nội đang xây dựng tuyến Nhổn-ga Hà Nội và chuẩn bị xây tuyến Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, nhưng cả 2 dự án này đều chậm tiến độ và bị đội vốn.(VOA)


Kiều Hối Chuyển Về Saigon Năm 2023 Tăng Cao Nhất Trong 10 Năm

Kiều hối chuyển về TP Saigon trong năm 2023 đạt gần 9,5 tỉ USD, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân Hàng Nhà Nước chi nhánh TP Saigon, được báo chí trong nước dẫn lời cho biết.

Ông Lệnh cho biết rằng so với mức dự báo hồi tháng 12-2023, số kiều hối chuyển về thực tế cao hơn 500 triệu USD, theo báo Tuổi Trẻ.

Lãnh đạo Ngân Hàng Nhà Nước chi nhánh Saigon cũng nói rằng so với năm 2022, kiều hối chuyển về tăng tới 43,3% so với cùng kỳ và là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, duy trì tỉ trọng cao so với tổng lượng kiều hối của cả nước (trên 50%).

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, theo ông Lệnh, kiều hối chuyển về TP Saigon tăng nhờ xu hướng tăng trưởng lao động và làm việc ở nước ngoài.

Tin cho hay, xét theo khu vực, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á chiếm tỉ trọng cao nhất là 50,5%, tăng trưởng 143,8% so với cuối năm 2022.

Trong khi đó, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Phi và châu Mỹ đều giảm.

Ông Lệnh được Tuổi Trẻ trích lời nói rằng “kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cùng với cơ chế chính sách của Chính phủ, của Ngân Hàng Nhà Nước về thu hút kiều hối, các hoạt động văn hóa, du lịch và thể thao, hoạt động kết nối đã trở thành yếu tố nền tảng và động lực thúc đẩy tăng trưởng nguồn lực kiều hối trong thời gian qua”.

Vào tháng trước, khi dự đoán về lượng kiều hối trong năm 2023, Phó Chủ tịch Thành phố Saigon Võ Văn Hoan nói rằng mức đạt 9 tỷ USD là nhiều gấp 3 lần vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào thành phố. Theo ông Hoan, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thành phố lớn nhất cả nước 3,4 tỷ USD.

TP Saigon hiện chiếm hơn một nửa lượng kiều hối của cả nước, theo số liệu của Ngân Hàng Nhà Nước đăng trên VnExpress.

Ngân Hàng Nhà Nước tại Saigon dự đoán trong năm nay, khi tình hình kinh tế thế giới khả quan hơn, lượng kiều hối đổ về thành phố sẽ tăng khoảng 20%.(VOA)

Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 22-23-24/4/2024.
  • Hạ Viện Mỹ thông qua khoản viện trợ 61 tỷ đô la: Ukraina ăn mừng, Nga lên án (RFI)
  • Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố gởi vũ khí cho Ukraina “ngay từ tuần này”
  • Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân: Nguy cơ leo thang với Nga
  • Ukraina dùng drone tấn công các cơ sở năng lượng và nhà máy luyện kim trên lãnh thổ Nga
  • Nhân viên nghị viện EU bị bắt ở Đức vì làm gián điệp cho Trung Cộng
  • Mỹ - Philippines khởi động cuộc tập trận Balikatan ở Biển Đông
  • LHQ muốn một cuộc điều tra quốc tế về các hố chôn tập thể tại một bệnh viện ở Gaza
  • Ngoại trưởng Mỹ đến gây sức ép với Trung Cộng nhưng vẫn cố giữ ổn định
  • Bắc Triều Tiên tập trận tấn công hạt nhân, Nam Hàn dọa "xóa sổ" chế độ Bình Nhưỡng
  • Trợ lý bị bắt, Vương Đình Huệ liệu có lâm nguy?
  • World Bank: Kinh tế Việt Nam đang dần ‘phục hồi’
  • Hạn hán kéo dài khiến khoảng 77.000 trẻ ở Việt Nam không có nước sạch
  • CSVN phạt tù 10 người vì tham gia tổ chức “phản động” ở Mỹ
  • Tin Cuối Tuần (20-21-Apr-2024)
  • Đề Nghị Truất Phế Chủ Tịch Hạ Viện Johnson ‘Sắp Được Đưa Ra’
  • Ông Bill Barr Cho Biết Tại Sao Ông Ủng Hộ Cựu TT Trump Nhiều Hơn TT Biden
  • Thời Tổng thống Biden, Lạm Phát Kéo Dài Và Việc Làm Suy Giảm
  • Các Cuộc Thăm Dò Không Cho Biết Về Sự Dẫn Đầu Của Cựu TT Trump
  • Số Phận Các Tỷ Phú Của Trung Cộng, Sụt Giảm, Phá Sản, Hoặc Bị Bắt Giữ
  • Chủ Nghĩa Tư Bản Trung Cộng Đang Bóp Méo Thị Trường Toàn Cầu
  • TT Biden Kêu Gọi Tăng Gấp Ba Lần Thuế Quan Đối Với Nhôm Thép Trung Cộng
  • Thủ Tướng Đức Vận Động Trung Cộng Chơi Công Bằng Trên Thị Trường EU
  • Trung Cộng Đóng Góp Cho Ngành Kỹ Nghệ Quốc Phòng Nga
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 15-16-17/4/2024.
  • Hai chục nước mua đạn pháo ngoài châu Âu để cung cấp cho Ukraina
  • Chiến tranh Ukraina: Lãnh đạo AIEA báo động nguy cơ tai nạn hạt nhân ở Zaporijjia
  • Quân đội Israel tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran
  • Lần đầu tiên quyết định oanh kích trực tiếp Israel: Iran được gì, mất gì?
  • Mỹ-EU chuẩn bị trừng phạt thêm Iran, Anh và Đức thuyết phục Israel ‘"kiềm chế"
  • Úc công bố Chiến lược Quốc phòng đầu tiên để đối phó Trung Cộng
  • BT Quốc Phòng Mỹ, Trung nối lại đối thoại: Biển Đông và Đài Loan là trọng tâm
  • Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về viện trợ cho Ukraine, Israel trong tuần này
  • Mỹ và Việt Nam quan ngại về dự án kênh đào do TC tài trợ ở Cam Bốt
  • Reuters: Việt Nam bơm tới 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB bị chìm trong vụ lừa đảo khổng lồ
  • Việt Nam bắt thêm các lãnh đạo tập đoàn vì ‘đưa, nhận hối lộ’
  • CSVN phạt một phụ nữ 12 năm tù vì tham gia tổ chức ‘khủng bố’ ở Mỹ
  • Số người Việt vượt eo biển Manche vào Anh là đông nhất
  • Tin Cuối Tuần (13-14-Apr-2024)
  • TT Biden Tìm Cách Giảm Căng Thẳng Cuộc Xung Đột Giữa Iran Và Israel
  • Hạ Viện Sẽ Cố Gắng Về Gói Tài Trợ Cho Israel
  • Trung Cộng Có Mối Liên Hệ Với Tội Phạm Có Tổ Chức
  • Đảng Dân Chủ Sử Dụng Chiến Lược Ít Được Biết Đến Để Giành Chiến Thắng Trong Năm 2024
  • Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ Làm Gián Điệp Cho Cuba Lãnh 15 Năm Tù
  • Cuộc Điện Đàm Giữa Ông Biden Và Ông Tập Không Làm Thay Đổi Được Bất Cứ Điều Gì
  • Trung Cộng Đẩy Mạnh Xuất Cảng Khiến Các Nhà Đầu Tư Ngoại Quốc Lo Lắng
  • CEO Apple Đến Hà Nội, Thăm Việt Nam Trong 2 Ngày
  • Iran Không Kích Israel, Phóng Hàng Loạt Máy Bay Không Người Lái
  • 3 Con Trai Của Thủ Lĩnh Hamas Haniyeh Thiệt Mạng Trong Cuộc Không Kích Của Israel
  • Nhật Bản Có Thể Sẽ Gia Nhập Liên Minh AUKUS Chống Bắc Kinh
  • Nữ Ký Giả Trung Quốc Bị Trục Xuất Khỏi Thụy Điển Từng Kể Về Gia Cảnh Bị ĐCSTQ Bức Hại
  • Vương Quốc Anh Sẽ Không Bao Giờ Giao Quyền Lực Cho WHO
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 8-9-10/4/2024.
  • Thủ tướng Nhật Bản công du Hoa Kỳ trong bối cảnh lo ngại chung về Trung Cộng
  • Tổng thống Zelensky cảnh báo: “Mất viện trợ của Mỹ, Ukraina bại trận”
  • Xung đột dải Gaza: Israel ấn định ngày cho cuộc tấn công Rafah
  • Philippines-Mỹ-Nhật-Úc tập trận phối hợp đối phó "các tình huống hàng hải" ở Biển Đông
  • Fitch hạ điểm triển vọng tín nhiệm Trung Cộng (RFI)
  • Ukraine và Anh ký thỏa thuận hợp tác sản xuất vũ khí
  • Washington không để Trung Cộng đe dọa việc làm và ngành công nghiệp Hoa Kỳ
  • Miến Điện: Phe nổi dậy kiểm soát một thành phố quan trọng sát biên giới Thái Lan
  • Bầu cử Quốc Hội Nam Hàn: Trắc nghiệm về uy tín của tổng thống Yoon Suk Yeol
  • Tỉnh đầu tiên của Việt Nam ban bố tình trạng khẩn cấp do hạn hán
  • Việt Nam sẽ đầu tư thêm hơn 7 tỷ USD để đẩy mạnh khai thác bô xít
  • Việt Nam đề nghị Ả Rập Xê Út tiếp nhận thêm lao động giúp việc nhà
  • Cổ phiếu VinFast rớt giá kỷ lục xuống mức đáy từ khi lên sàn Nasdaq ở Mỹ
  • Việt Nam ‘ưu tiên’ khởi công đường sắt cao tốc tới Trung Quốc trước năm 2030
  • Việt Nam phá đường dây tín dụng đen 2000% tiền lời