SỨC MẠNH VÀ TIỀM NĂNG VƯỢT TIẾN CỦA NGƯỜI VIỆT

Nguyễn Tử Quý

“Nhân tài là nguyên khí của quốc gia, Sự học là chìa khóa mở các cửa”. Đó là hai câu  “thần chú” tôi luôn tâm niệm và là châm ngôn của ban tổ chức Giải Khuyến Học Viet Olympiad – Về Lịch Sử Văn Học VN và Học-Sinh Sinh-Viên Ưu Tú mà tôi rất hân hạnh phục vụ trong thời gian 15 năm 1997-2012.

           Thật vậy người Việt tại Mỹ từ 1975 đến nay đã thành công rực rỡ trong mọi ngành nghề là nhờ truyền thống hiếu học VN, đức tính cần mẫn chăm chỉ, và ý chí muốn vươn lên. Có thể nói, đó là quặng mỏ tài nguyên lớn nhất của người Việt hải ngoại để làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng, và của người Việt Nam, để vận dụng mà  vươn lên, đuổi kịp các dân tộc khác và phát triển mạnh mẽ hầu đóng góp vào nền văn minh nhân loại. Khi việc giáo dục và quản trị nhân tài trong nước được thực hiện chu đáo thì nền kinh tế Việt Nam sẽ cất cánh bay cao.

Với hành trang học Quốc Gia Sư Phạm chương trình 3 năm, tốt nghiệp B.A. Education tại Geoge Washington U., dạy trường sư phạm 10 năm, kinh nghiệm hoạt động từ thời sinh viên, đậu MBA Cao học Quản Trị Kinh Doanh, Đại Học Đả Lạt rối phục vụ trong ngành kinh doanh và ngân hàng phát triển VNCH  3 năm. Sau 1975 đậu B.S. Accounting tại Rutgers U., rồi CPA tại NJ và làm việc trong ngành kế toán tài chánh của công ty Western Union rồi Bendix Allied  tại Hoa Kỳ từ 1977 đến 1997, và khi về hưu, trở nên thành viên tích cực trong Giải Khuyến Học Viet Olympiad – về Lịch Sử và Văn Học VN & Học-Sinh Sinh-Viên Ưu Tú từ 1997 đến 2012, tôi xin trình bày vài điều sau đây về truyền thống hiếu học Việt Nam phát huy tại Hoa Kỳ ra sao và một số bài học cho các thế hệ mai sau.

TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC VIỆT NAM SÁNG LÊN TẠI HOA KỲ.

Ngay từ những năm đầu người di dân VN lập nghiệp tại Mỹ 1975 – 1985 học sinh gốc VN cũng như gốc Á Châu khác như Đại Hàn, Trung Hoa đã tạo những thành tích học vấn đáng khen. Tôi sống trong vùng ngoại ô của New York City, thuộc miền bắc tiểu bang New Jersey và đã giữ lại một số bài của tờ báo lớn đã viết về học sinh gốc VN và Á Châu.

           Trong bài “Why Asians Succeed Here / Tại Sao Người Á Châu Thành Công Tại Đây” của tờ New York Times Magazines ngày 30 Tháng 11, 1986, tác giả Robert Oxman viết “Người di dân Á Châu đã đạt được trong một thế hệ mức thành công mà trước đây những di dân Âu Châu sang Hoa Kỳ phải mất từ 2 tới 3 thế hệ.”  Yếu tố nào giúp họ ? “Văn hóa Nho Học nhấn mạnh tôn ti trật tự, kỷ luật, gia đình, sự cần mẫn, và nhất là giáo dục”. “ Di dân Mỹ gốc Việt hiện đạt mức 600,000 .. là những người tỵ nạn đúng nghĩa (đến Mỹ với hai bàn tay trắng)… nhưng con cái họ thành công trong các trường học.” Truyền thống của họ là kính trọng giáo dục, coi sự học là chìa khóa mở các cửa. “Tình gia đình mạnh mẽ bền chặt và tính chăm chỉ, cần mẫn là hai yếu tố then chốt cho sự thành đạt của người Mỹ gốc Á Châu.”

Trong bài báo  “What Send The Asians To The Head of the Class ?” tác giả  Steven Silberman  trong nhật báo The Record phát hành ở miền bắc tiểu bang New Jersey ngày 1 Tháng 12, 1985 viết 3 yếu tố chính : lòng quý trọng giáo dục, tính cần mẫn chăm chỉ được xã hội tưởng thưởng, và danh dự gia đình, đã thúc đẩy nhiều học sinh Mỹ gốc Á thành đạt trong trường học.” Số lượng học sinh gốc Á thành công vượt xa các nhóm khác. Họ đạt điểm cao, đậu điểm cao trong những kỳ thi trắc nghiệm tiêu chuẩn, và tốt nghiệp đại học với tỷ lệ gấp đôi các nhóm khác.” Nhiều cha mẹ các em này dạy con mình khi ở tuổi thơ Anh ngữ, làm tính cộng, tính trừ trước khi chúng vào học lớp một (6 tuổi), coi bài vở và duyệt phiếu điểm con em đem về và yêu cầu giải thích tại sao môn đó chỉ đạt điểm B mà không A. Học sinh Mỹ gốc Á trong thập niên 1970 và thập niên 1980 có một lợi thế là 33% trong số các cha mẹ dến Mỹ đã có bằng đại học so với 19% của các nhóm di dân khác.

Học sinh Mỹ gốc Á học giỏi còn vì danh tiếng của gia đình. Gia đình có con cái học giỏi đều rất hãnh diện. Nhiều em cũng gắng hết sức học vì thấy cha mẹ hy sinh cho mình, làm việc rất cực nhọc nhưng vẫn vui sướng lo cho con học. Tuy nhiên bài báo cũng nhắc đến cái giá một số học sinh Mỹ gốc Á Châu phải trả, vì áp lực quá mạnh của cha mẹ khiến một ít trẻ sinh thất vọng, sinh trầm cảm. Những em này đã cố gắng nhiều, nhưng cha mẹ không hài lòng. Các phụ huynh này không hiểu rằng, theo sự phân phối khả năng bình thường, trong 100 em, khoảng 1/3 đến 2/5 học sinh đạt điểm trung bình hoặc kém hơn. Hơn nữa, có một số em  tuy không giỏi về những môn chuẩn bị lên đại học ( academic subjects) nhưng có khiếu và giỏi hơn về những ngành khác như vẽ kiểu thời trang, tiếp thị, ca nhạc, hội họa hay graphics design, thương mại, kinh doanh . . .

NHỮNG YẾU TỐ GIÚP HỌC SINH GỐC VIỆT CHĂM HỌC VÀ HỌC GIỎI

Một nghiên cứu  lớn khác, cuộc nghiên cứu kéo dài  10 năm tại nhiều Trường Trung Học Hoa Kỳ rải rác nhiều địa phương cho biết những yếu tố nào khiến học sinh người gốc Á Châu trong đó có Việt Nam, rất chăm học và học giỏi : Lawrence Steinberg, Ph.D.: B. Bardford Brown, Ph.D.: Sanford M. Dornbusch, Ph.D. “Beyond The Classroom”, Publisher Siman & Schuster : New York, London, Toronto, Sydney, Tokyo, Singapore; 1996.

           Đây là một nghiên cứu lớn về giáo dục trung học tại Hoa Kỳ kéo dài 10 năm, từ 1985 đến 1995, đối tượng nghiên cứu là 20,000 học sinh trung học thuộc 9 trường trung học lớn, do các nhà giáo dục, tâm lý giáo dục, xã hội học, tâm thần học, và các giáo sư của 3 viện đại học lớn là Standford U., Temple U. và University of Wisconsin. Cuộc nghiên cứu này nhằm tìm hiểu tại sao học sinh trung học Hoa Kỳ thời đó đạt thành tích thua kém nhiều so với thế hệ trước họ. Phụ huynh thì gán trách nhiệm cho các trường học và các thày cô giáo Mỹ; nhưng kết quả lại cho thấy, cũng trong các trường đó học sinh Á Châu ( trong đó có học sinh Mỹ gốc Việt ) đạt thành tích rất cao. Để tìm hiểu nguyên nhân, nghiên cứu này không chỉ chú trọng vào các học sinh mà còn tìm hiểu hoàn cảnh trong đó học sinh sống : gia đình, cha mẹ, bạn bè, và cộng đồng khu phố. Yếu tố sắc tộc cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng : Các học sinh thuộc các sắc tôc khác ngoài da trắng có tỷ lệ tham gia tương tự với tỷ lệ trong dân số : Người Mỹ gốc Phi Châu, người Mỹ gốc Á Châu (Trung Hoa, Nhật, Phi Luật Tân, Hàn Quốc, Việt Nam và những nước Nam Á và Đông Nam Á khác) và người Mỹ gốc Trung và Nam Châu Mỹ (Hispanics hay Latino).

Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy học sinh gốc Á Châu đạt thành tích trong trường vượt tất cả các học sinh khác. Rồi đến học sinh da trắng. Sau cùng là học sinh gốc Phi Châu và học sinh gốc Latino. Tuy nhiên có ngoại lệ, nghỉa là cũng có một số ít học sinh gốc Á châu học kém và cũng có một số ít học sinh gốc Phi Châu và Latino học giỏi. Trong khi học sinh trung bình gốc Á Châu đạt điểm A và B thì các học sinh khác đạt trung bình B và C, với học sinh da trắng đạt nhiều B hơn C và với học sinh gốc Phi Châu và Latino đạt nhiều C hơn B. (Sách đã dẫn, trang 84). Đặc biệt trong mỗi trường học được nghiên cứu, tỷ lệ học sinh gốc Á Châu đạt điểm A rất cao. Với tỷ lệ 8% trong lớp, học sinh gốc Á Châu chiếm 1/3 hay 33% số học sinh toàn-điểm A (straight A) trong lớp. Trái lại, học sinh gốc Phi Châu và Latino có tỷ lệ học sinh điểm cao khá ít và đa số đạt C- hay thấp hơn. Học sinh da trắng thì chiếm khoảng giữa với đa số đạt điểm B, một số đạt điểm A và một số đạt điểm C và thấp hơn. ( Sách đã dẫn, trang 85).

           Học sinh gốc Á Châu không những trội về điểm học, về điểm thi Standardized Aptitude Test (S.A.T.) và mà còn tham gia hoạt động extra currilulae nhiều hơn trong trường (các hội như National Honor Society, Red Cross, Key Club, California Scholastic Federation . .). Điều này không đáng ngạc nhiên, vì học sinh càng dấn thân vào việc học và các hoạt động trong trường thì kết quả càng tốt hơn.

Dấn thân vào việc học là yếu tố quan trọng nhất giúp học sinh gốc Á Châu đạt thành tích cao hơn : Học sinh gốc Á Châu học và làm bài ở nhà nhều giờ hơn hết mọi nhóm khác, ít nghỉ học hơn, tập trung chú ý trong lớp hơn, ít để tâm trí sao lãng việc học. Trong bảng đo mức độ dành ưu tiên cho sự học, học sinh gốc Á Châu đạt mức rất cao, cách các nhóm khác một khoảng rộng. Học sinh gốc Á tin tưởng rằng thành công hay thất bại trong trường là do chính các em có học chăm, có cố gắng hết mình để học hay không.

           Một số nghiên cứu khác riêng về học sinh Đông Dương (phần lớn là người Việt Nam) cũng có những kết luận tương tự như trên. Các trẻ em này đến nước Mỹ trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, với cha mẹ tay trắng và vốn liếng Anh ngữ rất thấp hoặc không có. Các trẻ này đi học tại những trường nghèo trong khu vực nghèo khó của đô thị. Trong hoàn cảnh đó, các trẻ em này thành công tốt đẹp trong tất cả các bài thi, hơn hẳn các em bản xứ nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. ( Sách đã dẫn, trang 89) Như vậy yếu tố dấn thân học, học chăm và lòng quý trọng sự học, coi sự học là chìa khóa mở các cửa, là động lực rất quan trọng nơi các trẻ này.

Một yếu tố quan trọng khác là đường lối giáo dục con cái của cha mẹ. Cha mẹ học sinh gốc Á Châu (1) Quý trọng sự học, coi sự học là chìa khóa mở các cửa, học chăm học giỏi là con đường thoát khỏi cảnh nghèo, cảnh vô danh, và đạt địa vị trong xã hội. Họ chuẩn bị cho con trước khi con đi học, theo dõi việc học của con cái, nhất là điểm, kiểm soát việc học bài, làm bài tập ở nhà của con cái, và giúp chúng khi chúng gặp khó khăn. Cha mẹ nào không giúp con được thì mời thày giáo dạy kèm, hoặc cho con đi học các lớp kèm. Châm ngôn của họ là “Trọng thày mới được làm thày” , “Không thày đố mày làm nên” , ‘Nhân tài là nguyên khí của quốc gia”, “Sự học là chìa khóa mở các cửa”. Rất nhiều gia đình VN dành ưu tiên số một cho việc học của con em. (2) Cha mẹ Á Châu áp dụng sự cương quyết (firmness) trong việc giúp và thúc đẩy con cái học chăm và học giỏi và không tha thứ sự lười học, bỏ học. Họ dành buổi tối trong gia đình cho việc học bài, làm bài tập, ôn bài, học thêm cho con em trong gia đình. Việc coi TV được giới hạn vào cuối tuần và chỉ coi một vài chương trình đã chọn kỹ. Chơi games cũng vậy…. Tất cả ưu tiên cho việc học. Năm này qua năm khác, con em VN học tập được tập quán chăm học, thích học. Nhờ đó khi bài học khó hiểu, trẻ cố gắng, học nhiều lần sẽ vỡ ra, hoặc hỏi người chỉ dẫn. Bài tập, bài làm khó giải, khó xong, phân tích nhiều lần sẽ tìm ra giải pháp. Đây là một tập quán và thái độ dấn thân rất quan trọng cho việc học tại đại học, học ngành chuyên môn khó, việc làm khó nhưng lương cao, vì đòi hỏi kỷ luật gắt gao và giải quyết những khó khăn, bế tắc. Đây cũng là tập quán làm việc của những nhà quản trị cấp trung và cấp cao trong các công ty giỏi và những cơ quan quan trọng. Các quản trị viên này thường làm việc 60 giờ/tuần lễ  thay vì 40 giờ.

           Trong bài trả lời bảnh câu hỏi ( questionaire ) của nhiều học sinh Mỹ gốc Việt đoạt Giải Học-Sinh Sinh-Viên Ưu Tú của Giải Khuyến Học Viet Olympiad sẽ được trình bày trong một bài khác, nhiều cha mẹ của các em này rất thương yêu các em, nhưng vừa khuyến khích, khen thưởng, nhưng phê bình “nặng” khi trẻ đạt điểm thấp trong trường, hoặc không tuân theo kỷ luật của trường. Cha mẹ này vừa nhu vừa cương, vừa khuyên vừa áp lực để trẻ cải tiến, cố gắng sửa đổi và vượt khó khăn mà đạt điểm cao của môn trẻ thất bại trước đây.

MỘT CẢNH BÁO CHO THẾ HỆ KẾ TIẾP

Một cảnh báo quan trọng mà cuộc nghiên cứu kể trên nêu ra là “gia đình học sinh càng sống tại Mỹ lâu hơn, thành tích học của trẻ em trong gia đình đó càng yếu kém, yếu kém hơn so với học sinh sinh ra ở ngoài nước Mỹ; và điều này cũng áp dụng cho tình trạng sức khỏe tâm thần (mental health) của trẻ em. ( Sách đã dẫn, trang 97 ). Con cái của những cha mẹ sinh ngoài Hoa Kỳ cũng học giỏi hơn con cái của những cha mẹ sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Lý do là những người ở Mỹ lâu không còn dấn thân cho việc giáo dục, việc học của con em nữa. Người di dân nói chung sử dụng nhiều giờ hơn trong việc làm bài, học bài ở nhà, chú ý hơn trong lớp, đặt ưu tiên cho việc học giỏi trong trường, và thường chơi với bạn đặt nặng giá trị vào giáo dục, và có đời sống hướng về sự thành công trong trường học như theo dõi sát việc học, gắng sức đạt điểm cao, tham gia nhiều hoạt động trong trường. Họ không trao số phận cho may rủi, khả năng bẩm sinh, mà tin vào sự chăm chỉ và cố gắng liên tục của mình. Trẻ em di dân có sức khỏe tâm thần tốt : rất ít nghiện co-cain, rất ít gây rối, hạnh kiểm tốt trong lớp, trong trường, ít căng thẳng thần kinh, ít dằn vặt tâm lỳ hơn trẻ bản xứ. Trái lại trẻ đã Mỹ hóa, dù gốc Á hay Latino, dùng nhiều giờ tụm năm tụm ba tán gẫu, đàn đúm, party nhiều hơn, hẹn hò trai gái nhiều hơn và tham gia nhiều hoạt động hội đoàn xã hội không liên hệ đến học vấn. Trong khi đó học sinh gôc Việt tham gia các hội đoàn khuyến khích học vấn như National Honor Society, math club, California Scholastic Federation, Science Olympiad, Academic Decathlon …

           Để duy trì và phát triển truyền thống hiếu học VN, các cha mẹ Mỹ gốc Việt thế hệ 1.5 và thế hệ thứ 2, thứ 3 và kế tiếp nên áp dụng những gì cha mẹ họ đã làm một cách chọn lọc. Họ cho con theo học các trường Việt ngữ cuối tuần trong đó các em học Việt ngữ và những giá trị và tập quán tốt của người Việt Nam. Ngoài Việt ngữ các em còn học giáo lý đạo Công Giáo (trong trường Việt Ngữ cũa các cộng đoàn Công Giáo Việt)  hoặc giáo lỳ Đạo Phật ( trong các trường Việt ngữ thuộc các Gia Đình Phật Tử tại các chùa). Các thày cô nhận thấy học sinh giũ được các giá trị VN thường học giỏi hơn những em bị Mỹ hóa quá nhiều.

Bài liên quan:
  • GIÁO DỤC CON KHI NÀO VÀ NHƯ THẾ NÀO?
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • GIÁ TRỊ CỦA MỘT KIẾP NGƯỜI
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • Vì sao gian lận khoa học quá phổ biến ở Trung Quốc?
    The Economist
  • NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY ĐỔ VỠ TRONG HÔN NHÂN
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • NAM HAY NỮ, GIỚI NÀO CHỦ ĐỘNG LY DỊ NHIỀU HƠN?
    TS Trần Mỹ Duyệt