TS Trần Mỹ Duyệt

Bài 2: Tâm Lý Ứng Dụng

Bài viết ĐIỆN THOẠI VÀ TRẺ EM DƯỚI CÁI NHÌN GIÁO DỤC sau khi phổ biến đã nhận được nhiều ý kiến khích lệ từ phía độc giả. Một trong những ý kiến đó theo tôi, đã phản ảnh đúng với những gì mà bài viết muốn chuyển tải:     

Con em thường bị kém suy nghĩ, kém thông minh, kém toán học nếu dùng nhiều Cellphones, TV, computers… từ khi còn nhỏ tới khi khôn lớn, và cha mẹ cần khóa những chương trình You Tube độc hại, kiểm soát Wi Fi và các games trong nhà của mình, cũng như quan tâm hướng dẫn con em cách xử dụng… nếu không, thì hậu quả sau này vợ chồng chỉ còn ôm mặt mà khóc than!”(Phạm Văn Bản)

Một người bạn của tôi trong ngành khoa học và y tế, trong một lần phỏng vấn về ảnh hưởng giáo dục trẻ em sử dụng những tiến bộ của khoa học, anh nói: “Muốn giáo dục con cái, phụ huynh phải kiểm soát được chiếc điện thoại và việc dùng điện thoại của chúng.” Tôi muốn anh cho biết thêm ý kiến, anh tiếp: “Có nghĩa là phụ huynh phải cứng rắn khi nào mới cho con dùng điện thoại. Tiếp theo đó là phải kiểm soát được giờ giấc cũng như các chương trình mà chúng thường sử dụng”.

Nhưng những nhận xét trên có phải là những quan điểm lỗi thời và khắt khe khiến cho nhiều phụ huynh, đặc biệt, các cha mẹ trẻ phản đối không? Vì có tới “40% phụ huynh thừa nhận cho phép con cái dùng cell phone để đổi lấy sự yên thân, và gần 70% phụ huynh nghĩ rằng việc dùng cellphones có ảnh hưởng tốt cho việc phát triển con cái họ (68%).1 Căn cứ theo kết quả khảo cứu này, con số phụ huynh không ý thức được tầm quan trọng cũng như sự nguy hiểm của việc dùng các thiết bị điện tử đối với trẻ em là một con số đáng kể.   

Dạy con từ thuở còn thơ

Giáo dục con cái ở thời đại hôm nay, phụ huynh phải biết làm quen với những kiến thức và tiến bộ của khoa học, phải biết ứng dụng và dạy cho con mình làm sao sử dụng những phát minh khoa học, thí dụ, cellphone, iphone, ipad, smartphone, youtube, internet…

Cha mẹ hay phụ huynh phải có trách nhiệm và tầm nhìn về tương lai con cái để không xảy ra “hậu quả sau này vợ chồng chỉ còn ôm mặt mà khóc than!” Điều này nghĩa là “dạy con từ thuở còn thơ” (Ca dao Việt Nam), dạy con khi con còn rất trẻ. “Còn thơ” đồng nghĩa với “Dạy con từ thuở lên ba”, vì ở tuổi này não bộ của một em bé đang bước vào thời kỳ phát triển thích hợp cho việc huấn luyện, học tập. Nhưng có lẽ ngày nay tuổi lên 3 không còn phù hợp nữa, riêng trong lãnh vực dạy và theo dõi trẻ con về việc sử dụng các phát minh khoa học. Jim Steyer, Giám đốc US. Pressure Group Common Sense Media nhận xét: “Trẻ con ngay cả khi chưa biết nói, cũng biết bước đến chiếc TV và cố gắng mở nó giống như mở chiếc iPad hoặc iPhone.” Theo Steyer, việc dùng phone đang thay đổi tuổi trẻ.

Sau đây là những lời than của một cặp vợ chồng trẻ đã chiều con và cho con chơi phone khi con họ còn nhỏ: “Thằng nhỏ nhà em chưa đầy 3 tuổi mà suốt ngày không rời chiếc iphone. Nó xem ra còn rành hơn em. Nó ôm phone suốt ngày kể cả giờ ăn, cho tới khi vào giường ngủ. Vợ chồng em mà lấy khỏi nó, là nó khóc thét lên, nằm vạ cho đến khi đưa cái phone cho nó, nó mới thôi.” Tình trạng này cũng có lẽ đang xảy ra cho gia đình bạn, hoặc cho những bạn bè mà bạn quen biết.

Hậu quả do việc lơ là hay thiếu kiểm soát con cái trong việc sử dụng phone đã xảy ra rất sớm. Một bà mẹ đơn thân với đứa con gái duy nhất vừa khóc, vừa kể lể: “Con gái em mới 10 tuổi mà đã tỏ ra bướng bỉnh và hầu như không bảo được. Nó suốt ngày dí mắt vào chiếc phone. Lười biếng học, xuống điểm học. Có khi nó thức hầu như suốt đêm với cái phone của nó. Giờ thì em phải làm sao? Em quá thất vọng với nó!”. 

Còn với những đứa trẻ đang bước vào tuổi vị thành niên hay ở tuổi 15, 16, hoặc 17 thì sao? Phụ huynh muốn biết chúng làm gì một mình trong phòng với chiếc phone, chiếc ipad, chiếc laptop hoặc chiếc computer không? Ngoài chuyện chơi games, chat, twitter…chúng còn có thể:

  • Truy cập những websites khác. Đây là cửa ngõ để đi vào chỗ tốt cũng như chỗ xấu. Có hàng trăm trang web từ tốt đến xấu, bao gồm những hình ảnh, cám dỗ và khiêu khích tính tò mò của tuổi trẻ. Một khi đã lạc vào những trang web này thì rất khó cưỡng lại. 
  • Truy cập các ứng dụng như Facebook, youtube.., nói chung là những “mạng xã hội” (social media). Đây cũng là những cửa ngõ khác rất thông dụng dẫn giới trẻ vào một thế giới ảo trong giao tiếp, gặp gỡ, trò truyện, kết thân với những người mà chúng không hề biết về lai lịch, quá khứ cũng như cuộc sống của họ. Kết quả là các em thường dễ rơi vào cạm bẫy xã hội, tham gia băng đảng, nghiện hút, bị dụ dỗ vào những đường giây ái tình, mại dâm….Một số đã tự tử….

Phụ huynh có bao giờ quan tâm hoặc để ý đến tình trạng hiểu biết, khả năng tổng hợp, phân tích kết quả từ những thông tin được loan tải qua social media không? Ai cũng biết, phần lớn lượng thông tin khổng lồ này đều giả (fake), là ảo tưởng, là quảng cáo. Chúng được cung cấp từ những nguồn rất đáng nghi ngờ với mục đích lừa bịp, dụ dỗ và gây hiểu lầm cho những người truy cập. Điều này tuy nguy hiểm nhưng thực tế lại thu hút và rất khó để giải thích, làm cho giới trẻ nhận ra sự thật, vì trong những trường hợp như vậy chúng “biết nhiều nhưng hiểu ít” (know more but understand less). Biết (know) và hiểu (understand) rất khác nhau. Đó cũng là lý do tại sao cha mẹ hay phụ huynh thường bị con cái chê là cù lần, quê mùa, hai lúa, không biết gì. Nhưng những gì phụ huynh biết lại là những điều chúng không biết, không hiểu. Kinh nghiệm cuộc đời, thực tế cuộc sống không hề giống như những gì chúng xem, chúng biết trên youtube, google, hay internet. Rất tiếc, không chỉ giới trẻ mà nhiều người lớn tuổi cũng đã để mình bị mê hoặc hay bị lôi cuốn vào những cái biết nhưng không hiểu ấy. Do đó, cha mẹ phải là người quan tâm và để ý đến vấn đề này một cách nghiêm túc.

Ứng dụng thực hành

Căn cứ vào con số thống kê đã được nêu lên trong bài viết trước, thực tế, 57% trẻ con dùng phone để chơi game.2

Ngoài ra, các nhà khoa học và giáo dục hiện nay đang quan tâm tới nạn trẻ em béo phì, tiểu đường, cận thị, lười học, tâm lý bất ổn liên quan đến thói quen dùng điện thoại. Dr. Small trong phân tích của Amy Williams, qua đề tài “How Do Smartphones Affect Childhood Psychology?” cho biết: “Kỹ thuật và những thời gian với màn hình đã cung ứng một đường dây điện tử mới trong óc của chúng. Có thể nói, càng tăng nhiều giờ trên màn hình, càng kém về phương pháp học tập truyền thống như đọc, viết, và tập trung.” Theo đó, “Smartphones và Internet cũng ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và sự phát triển tình cảm của trẻ em. Nếu một đứa trẻ lệ thuộc vào những phương tiện điện tử để giao tiếp, chúng có nguy cơ yếu kém về khả năng giao tiếp và tình cảm.”  

Ông bà, cô chú, nghĩ gì khi đến thăm cháu, hoặc các cháu được cha mẹ chúng đem đến thăm? Thay vì tình cảm được biểu hiện mặn mà, thân thiện qua lời chào hỏi, trao đổi, tâm sự, thì các em chỉ lầm lỳ, chăm chú vào chiếc smartphone, ipad, iphone của chúng. Tình cảm thiêng liêng gia đình, tình ông cháu, bà cháu đã bị những chiếc phone cướp mất. Kết quả là dù có ông, có bà, có cô chú dì, anh chị hay không cũng không quan trọng. Với tâm lý này, đứa trẻ lớn lên chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc phát huy và duy trì tình cảm gia đình, giao tiếp xã hội, và ngay cả tình cảm yêu thương nếu chúng tiến tới kết hôn.

Một số đông phụ huynh hẳn sẽ đồng ý khi nghe một vài nhà chuyên môn và giáo dục cho rằng dùng Smartphones và các dụng cụ điện tử có thể giúp gia tăng những nhận thức học hỏi, nói năng giao tiếp, và bạn bè cùng sở thích. 3 Nhưng như đã trình bày ở trên, cái nhìn và khả năng giao tiếp trên iphone, ipad, trên youtube không phải là những gì đang thực tế diễn ra trong đời thường. Bởi vì ai cũng biết, đó chỉ là thế giới ảo, thế giới tưởng tượng. 

Sau đây là một số gợi ý thực hành dành cho phụ huynh để hướng dẫn con cái trong việc sử dụng smartphone dựa theo khảo cứu của Amy Williams:

  1. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên cho phép dùng những màn hình hoặc những trò chơi điện tử: Tuổi này các em còn quá nhỏ để làm quen với những thiết bị điện tử. Hạnh phúc tuổi thơ ở thời điểm này là được sự săn sóc và yêu thương của ông bà, cha mẹ, anh chị. Ngoài ra, có rất nhiều đồ chơi thích hợp cho các em ở tuổi này như chó bông, gấu bông, búp bê, xe đạp ba bánh, ngựa gỗ… Đây cũng là thời gian mà sự gần gũi của cha mẹ, anh chị em giúp phát triển sâu đậm tình cảm gia đình đối với các em.  
  2. Giới hạn việc sử dụng từ 1 đến tối đa 2 giờ mỗi ngày. Thời gian này bao gồm smartphones, TV, computers…: Cũng theo Amy, tốt hơn phụ huynh nên chơi hoặc sử dụng cùng với con mình. Cha mẹ, con cái, anh chị em chơi chung với nhau, cùng học hỏi, và cùng kiểm soát được nội dung các chương trình cũng như giờ giấc. Chơi chung với nhau cũng giúp cho các em phát triển xã hội tính, tinh thần kỷ luật, và rèn luyện tính nhẫn nại.   
  3. Khuyến khích những bữa ăn gia đình và chia sẻ chung: Việc làm này tuy khó khăn nhưng đó là một hình thức giáo dục gia đình rất có ý nghĩa. Một số bạn bè của tôi đã thực hiện được điều này. Trong giờ ăn thì Radio, TV, iphone, ipad, smartphone, laptop, computer đều tắt hết. Mọi người trong gia đình chuyên chú vào bữa ăn, trao đổi những câu chuyện vui buồn, và chia sẻ với nhau những thành quả trong ngày. Dưới cái nhìn giáo dục, giờ cơm gia đình rất linh thánh, đẹp đẽ, và đáng yêu, mang ý nghĩa giáo dục rất cao. Sau này khi khôn lớn, nhiều người con ra đi lập gia đình nhưng vẫn không quên những bữa ăn với bố mẹ, anh chị em ở tuổi thơ.
  4. Tìm kiếm kiến thức chuyên môn: Qua những chương trình trong đó giúp phát triển nhận thức, khả năng toán học, ngôn ngữ, văn chương và kiến thức khoa học cho con. Đây là một thách thức lớn đối với nhiều phụ huynh. Nếu muốn con cái tuân theo kỷ luật, chấp nhận những luật lệ về việc sử dụng phone, thì ngoài việc hướng dẫn, giáo dục chúng từ ngay khi mới sử dụng, còn lại, cha mẹ phải có những hướng dẫn về các chương trình, websites mà con cái nên sử dụng. Không biết không phải là lý do để cha mẹ hoặc phụ huynh trốn tránh trách nhiệm. Không có giờ cũng không phải là lý do tự bào chữa. Nếu muốn không bị đau khổ, tiêu tốn tiền của, thời giờ với con cái sau này khi chúng vướng mắc vào những tệ nạn xã hội, trốn nhà, bỏ học, và hư hỏng thì xin đừng tiết kiệm thời gian học hỏi để hướng dẫn và dành thời giờ cho con. 
  5. Không cho phép giữ smartphones trong phòng ngủ: Đồng nghĩa phải biết kiểm soát và có kỷ luật, giờ giấc sử dụng phone trong gia đình. Nhất là phải giáo dục, hướng dẫn con cái ý thức về hậu quả của hành động mình khi cho chúng dùng các thiết bị điện tử, cũng như sau này trong việc học tập, bài vở, hoặc những chương trình giải trí khác.

Nguyên tắc vàng

Giáo dục là một nghệ thuật, nghệ thuật hiểu, hướng dẫn, sửa sai, uốn nắn, và khích lệ. Nó đòi hỏi nhà giáo dục phải là người trước nhất, đầu tiên sống và thực hành những gì mình dạy dỗ và giáo huấn người khác: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo” (Ca dao Việt Nam). Trong gia đình, cha mẹ hay phụ huynh chính là những nhà giáo dục, con cái là những môn sinh, đệ tử và học trò.

Nền giáo dục gia đình phải được bắt đầu ngay khi con CÒN THƠ, và tiếp tục theo dõi, khuyến khích cho tới khi chúng có thể tự lập bước vào tuổi trưởng thành lúc 18 tuổi.

Giáo dục gia đình đòi hỏi sự hợp tác và đồng thuận của cả cha lẫn mẹ. Một người nghiêm túc, một người chiều con sẽ tạo nên một nền giáo dục khập khễnh, làm cớ cho con cái lấn lướt, coi thường, và không tuân theo lời dạy dỗ của cha mẹ. Để giáo dục con cái biết ý thức và sử dụng những thiết bị điện tử, những phát minh của khoa học, cha mẹ hay phụ huynh phải là những nhà giáo dục tận tâm, nhiệt thành, gương mẫu, đôi khi cũng phải khôn ngoan và uyển chuyển.

*Phones trong bài này bao gồm những dụng cụ tin học và những phát minh khoa học mà chúng ta thường dùng trong cuộc sống như cellphone, iphone, smartphone, ipad, laptop…

­­­­­­­­­­­­1 + 2.  Kids Cell Phone Use Survey 2019 – Truth About Kids & Phones.

3. How Do Smartphones Affect Childhood Psychology? Amy Williams, Last updated: 8 Oct 2018, Psychcentral.com.

Bài liên quan:
  • BUỘC CỐI ĐÁ VÀO CỔ!
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • VÔ TÂM, VÔ TÌNH hay ÍCH KỶ, VÔ TRÁCH NHIỆM?
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • TÂM LÝ CẦU TOÀN VÀ SỰ GIÁO DỤC SAI LẦM CỦA PHỤ HUYNH
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • TUỔI GIÀ: CÁI NHÌN VỀ THỜI GIAN VÀ TUỔI TÁC
    TS Trần Mỹ Duyệt
  • Vì sao nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc thất nghiệp?
    The Economist