Tin Hoa Kỳ và Thế Giới 

FBI Tiến Hành Giám Sát Không Có Trát Toà Đối Với Một Người Bán Súng Trên Facebook

Một người đàn ông ở Texas đăng trên Facebook mẩu tin bán súng của chính mình và đã bị Cục Quản lý Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ (Bureau of Alcohol, Tobacco, Firearms and Explosives – ATF) theo dõi mà không có giấy phép của toà. ATF đã điều tra người này, không tìm thấy bằng chứng phạm pháp, nhưng đã chuyển tin tức về người này cho FBI để theo dõi ông trong ít nhất sáu tháng.

Tài liệu cho biết, hai đặc vụ của ATF đã phỏng vấn người đàn ông gốc Mỹ La Tinh, và ông này thừa nhận có “quảng cáo” bán súng cá nhân trên Facebook. Ông nói rằng, ông mua súng, sau đó không thích rồi đem bán đi, nhưng không phải để kiếm lời.

Ông Eric Olson, một luật sư của Tổ chức Chủ sở hữu súng của Mỹ (Gun Owners Organization of America – GOA), nói với The Epoch Times: “Tôi chờ đợi để xem ATF có xác định người này phạm pháp hay không, và điều đó đã không xảy ra”. GOA đã thu thập các hồ sơ này thông qua vụ kiện theo Đạo Luật Tự Do Thông Tin (Freedom of Information Act – FOIA) đang diễn ra chống lại ATF và FBI. Các tài liệu có nhiều chỗ tô đen. Ông Olson nói, “Họ đang theo dõi anh này vì anh ta đã một mà hàng triệu người khác cũng thích làm: đó là bán bớt một phần trong bộ sưu tập của họ. Điều đó không phạm pháp, nhưng rõ ràng ATF không thích người ta trao đổi súng ống”.

Phát ngôn viên của ATF, ông Erik Longnecker, đã xác nhận với Epoch Times rằng người đàn ông sử dụng Facebook đã bị FBI giám sát hàng ngày vào năm 2021 vì “nghi ngờ vi phạm” luật liên bang về mua súng cho người khác và buôn bán súng mà không có giấy phép.


Đại Công Ty Thực Phẩm Giúp Đưa Bộ Phim ‘Sound Of Freedom’ Đến Rạp Ciné Lớn

Bộ phim chống nạn buôn người của Angel Studios, “Sound of Freedom”, (Âm Thanh Của Tự Do) đã thu về gấp gần bảy lần kinh phí ban đầu chỉ sau hai tuần tại phòng vé. Được biết cuốn phim đã gặp nhiều khó khăn trong lúc thực hiện, rồi trở ngại tài chánh và sát nhập công ty, đại dịch COVID-19, và các buổi trình chiếu bị trục trặc. Có khi tưởng không thể đến với khán giả. Cuối cùng, vào ngày lễ Độc Lập 4-7 vừa qua, phim “Sound of Freedom” đã khởi chiếu, đã thu về trên 100 triệu Đô La, trong đó 85 triệu USD đến từ các rạp nội địa Hoa Kỳ. Kinh phí của cuốn phim là 14.5 triệu USD.

Phim “Sound of Freedom” phơi bày sự thật về một thế giới tăm tối — đặc biệt là về nạn buôn bán tình dục trẻ em — mang nhiều ý nghĩa đối với hai người đàn ông mong muốn công chúng được xem phim. Đó là nhà sản xuất kiêm diễn viên Eduardo Verastagui và chủ tịch của Goya Foods, ông Bob Unanue.

Vai chính trong phim “Sound of Freedom” là nam diễn viên Jim Caviezel (từng thủ vai chính trong phim “The Passion of the Christ”); trong vai cựu Đặc vụ An Ninh Nội Địa, kiêm người sáng lập Chiến Dịch Đường Hoả Xa Ngầm — Tim Ballard, bộ phim là một lời kêu gọi hành động khi kể lại câu chuyện có thật về cách hàng trăm người đã được giải cứu khỏi nạn buôn người.

Những lần trình chiếu, phim đã thu hút lượng khán giả nhanh chóng, tăng hơn 30% trong tuần thứ hai và hơn 10,000 khán giả đã đóng góp vào điểm số 100% trên trang phê bình Phi and Me – Rotten Tomatoes.

Phim “Sound of Freedom” là loại phim tài liệu, diễn lại câu chuyện thật, đánh bại các bộ phim chính thống có chủ đề giải trí, có kinh phí cao hơn nhiều.

Tuy nhiên phim “Sound of Freedom” sẽ chẳng bao giờ đến được rạp chiếu phim lớn nếu không có sự giúp đỡ của đại công ty thực phẩm Goya Foods. Ban đầu, “Sound of Freedom” được 20th Century Fox đặt hàng, với ông Verastagui đảm nhận vai trò nhà sản xuất kiêm diễn viên phụ. Thế nhưng, bộ phim đã gác lại sau khi sát nhập với công ty Walt Disney.

Ông Unanue nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, rằng, “Chúng tôi đã giúp ông ấy mua lại “Sound of Freedom” từ Disney và trở thành giám đốc sản xuất cho bộ phim đó. Tình cờ là vài năm sau đó trong quá trình phát hành bộ phim này, thì Angel Studios xuất hiện”. Ông Goya không tiết lộ số tiền đã đóng góp cho dự án.

Bộ phim được hoàn thành trước đại dịch COVID-19. Mặc dù Disney đã chuyển nhượng quyền sở hữu, nhưng vì sự kiện COVID-19, các rạp hát bị đóng cửa, khiến các nhà sản xuất phải chờ thêm một thời gian nữa.

Angel Studios đã mua được quyền phát hành vào năm 2023. Nhiều người cho rằng Angel Studios hưởng “một đặc ân trời ban”, và xoay chuyển để đưa bộ phim ra rạp “chỉ trong vài tháng”. Ông cho biết, họ đang đàm phán với Mel Gibson để thực hiện một loạt phim về nạn buôn người.

Gắn liền với việc hoàn thành và phát hành “Sound of Freedom” là việc thành lập Goya Cares, chương trình riêng của ông Unanue để cung cấp sự trợ giúp cho một số tổ chức bất vụ lợi chống lại nạn buôn người và trẻ em. Hoạt động chủ yếu trong nội địa, chương trình này trợ giúp một số tổ chức từ thiện đã tham gia vào cuộc chiến chấm dứt nạn buôn người và cung cấp những ngôi nhà an toàn cho các nạn nhân, chẳng hạn như các Tổ Chức Từ Thiện Công Giáo (Catholic Charities) và Trung tâm Quốc Tế Về Trẻ Em Bị Mất Tích Và Lạm Dụng (ICMEC). Chương trình này cũng làm việc với Quỹ Monique Burr để cung cấp các giáo án và nâng cao nhận thức trong trường học.

Sứ mệnh chương trình được ông Unanue nêu lên rằng: Trung tâm của Goya Cares là một trái tim, và trái tim của chúng tôi hướng đến những nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em và những đứa trẻ đang mắc bệnh tâm thần để các em có hy vọng được sống trong một thế giới mà sinh mạng của các em được tôn trọng, hưởng tự do như bao người, và tâm trí của các em được bình yên”.

“Những đứa trẻ là những món quà quý giá từ Thượng Đế”.

Trong khi bộ phim kể câu chuyện về sự can thiệp của quốc tế, thì ông Unanue tập trung mọi nỗ lực của Goya Cares vào nội địa. Ông chỉ trích Văn phòng Tái Định Cư Người Tỵ Nạn đã không thể trả lời các câu hỏi của Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện về 85,000 trẻ em di cư không có người lớn đi kèm đã mất tích ở biên giới phía nam Hoa Kỳ trong hai năm qua, do “sai sót trong việc kiểm tra người bảo trợ.

Ông đặt câu hỏi: “Những người bảo trợ này là ai”? Ông cũng nhận định, người ta sẽ “nhận những đứa trẻ này và chụp ảnh chúng để làm nội dung khiêu dâm. Họ sẽ bán dâm bọn trẻ. Họ sẽ bán các em làm nô lệ. Có rất nhiều tiền đằng sau hoạt động này”.



Chính Phủ TT Biden Sẽ Cấm Các Máy Phát Điện Di Động Chạy Bằng Khí Đốt

Sau khi tìm cách giảm việc sử dụng bếp gas, chính phủ Biden đang thúc đẩy kế hoạch cấm bán hầu như toàn bộ các loại máy phát điện di động, chạy bằng khí đốt. Đây là hành động bị các chuyên gia cho rằng sẽ là thảm họa đối với hàng triệu người Mỹ vốn dựa vào loại máy phát điện, mỗi khi bị mất điện.

Ủy ban An Toàn Sản Phẩm Tiêu Dùng Hoa Kỳ (CPSC) đã đề xướng một chính sách sẽ loại bỏ khỏi thị trường, gần như tất cả các máy phát điện di động chạy bằng khí đốt. Quy tắc mới hạn chế lượng khí carbon monoxide mà các máy phát điện có thể thải ra.

Các máy phát điện chạy bằng khí đốt nhỏ hơn sẽ phải cắt giảm 50% lượng phát thải carbon monoxide và các máy phát điện lớn hơn sẽ phải cắt giảm tới 95% lượng phát thải. Gần như toàn bộ các mẫu máy phát điện hiện có, được cho là sẽ không tuân thủ tiêu chuẩn mới.

Một khi các quy tắc được đề xướng này có hiệu lực, thì các nhà sản xuất sẽ phải tuân thủ theo chỉ trong sáu tháng, một quá trình mà thường là mất vài năm. Các quy tắc này cũng sẽ cấm các nhà sản xuất dự trữ máy phát điện không tuân thủ quy tắc trước khi các tiêu chuẩn mới được ban hành.

Trong một thông cáo báo chí hôm 28/06, bà Susan Orenga, giám đốc điều hành của Hiệp hội các Nhà Sản Xuất Máy Phát Điện Di Động, đã nêu ra rằng “do ngăn chặn việc bán các máy phát điện di động hiện có sẵn trên thị trường theo đề xướng của CPSC, sẽ tạo ra sự thiếu hụt máy phát điện di động, là một công cụ thiết yếu cho các trường hợp khẩn cấp của quốc gia”.

Bà nói: “Hơn nữa, với những cảnh báo lặp đi lặp lại rằng hai phần ba Bắc Mỹ phải chuẩn bị đối phó với tình trạng thiếu năng lượng vào mùa hè, thì việc đề xướng những thay đổi này của CPSC là đặc biệt đáng lo ngại”.

Vào những lúc bị mất điện, gần 5 triệu gia đình trên khắp Hoa Kỳ sử dụng máy phát điện chạy bằng khí đốt, và máy phát điện đặc biệt quan trọng trong mùa bão, khi những cơn bão mạnh thường đánh sập các hệ thống cung cấp điện.

Hồi tháng Năm, North American Electric Reliability Corp. đã cảnh báo rằng 2/3 khu vực Bắc Mỹ có thể phải gặp tình trạng mất điện và mất điện từ tháng Sáu đến tháng Chín nếu có các đợt nắng nóng, cháy rừng, và hạn hán “trên diện rộng”, đồng thời cơ quan này quy trách nhiệm về một số vấn đề cho chính phủ ông Biden vì đã thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Đề xướng của CPSC được đưa ra sau khi Bộ Năng Lượng công bố Chương trình Bảo Tồn và Chính Sách Năng Lượng hồi tháng Hai, nhằm thiết lập các tiêu chuẩn mới đối với các sản phẩm nấu ăn tiêu dùng, trong đó có bếp gas. Các quy tắc này dự định ​​​​sẽ cấm bán ít nhất một nửa số lò bếp gas ở Hoa Kỳ.

Bộ Năng Lượng cũng đang tập trung nỗ lực vào việc đưa ra các tiêu chuẩn bắt buộc đối với máy rửa chén đĩa. Trong nỗ lực cắt giảm sử dụng năng lượng, cơ quan này đã đề xướng các quy định mới về sử dụng điện và nước cho máy rửa chén.

Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho biết trong một tuyên bố về các quy định này: “Chính phủ đang sử dụng tất cả các quy định để tiết kiệm tiền cho người Mỹ đồng thời thúc đẩy những đổi mới giúp giảm ô nhiễm khí carbon và chống lại khủng hoảng khí hậu”.


Nguồn Tin Của FBI Đưa Ra Cáo Buộc Rằng Ông Joe Biden Và Ông Hunter Biden Nhận Hối Lộ

Theo một tài liệu được công bố hôm 20/07, vào năm 2020, một nguồn mật báo đã cung cấp thông tin cho FBI cho rằng ứng cử viên tổng thống đương thời Joe Biden và con trai ông là ông Hunter Biden đã nhận hối lộ để gây áp lực buộc Ukraine loại bỏ một công tố viên đang điều tra Burisma, là công ty của Ukraine đã thuê ông Hunter.

Nguồn tin này cho biết ông đã đến văn phòng Burisma ở Ukraine vào năm 2015 hoặc 2016 cùng với một người đàn ông tên là Oleksandr Ostapenko. Trong cuộc họp đó, ông Vadim Pojarskii, giám đốc tài chính của Burisma, nói với nguồn tin này rằng công ty đã thuê ông Hunter Biden “để che chở [cho công ty] khỏi mọi loại vấn đề thông nhờ dựa vào cha của ông ấy”.

Công ty Burisma đã liên lạc với nguồn tin này nhằm mong có được sự giúp đỡ trong việc mua lại một công ty của Hoa Kỳ để hợp nhất với kỳ vọng rằng họ có thể được niêm yết tại Hoa Kỳ.

Sau khi cuộc điều tra của Công tố Ukraine Viktor Shokin đối với công ty Burisma được tiết lộ hồi năm 2016, nguồn tin này nói với ông Mykola Zlochevsky, sở hữu chủ của Burisma, rằng thông tin tiết lộ này sẽ có tác động tiêu cực đến đợt chào bán lần đầu ra công chúng trong tương lai. Theo tài liệu nói trên, ông Zlochevsky trả lời rằng ông Hunter Biden “sẽ giải quyết tất cả những vấn đề đó nhờ có cha của ông ấy”.

Ông Zlochevsky cũng được trích dẫn nói rằng phải mất 5 triệu USD để trả cho một người họ Biden và 5 triệu USD để trả cho một người họ Biden khác.

Theo tài liệu, nguồn tin này đã trả lời rằng các khoản thanh toán cho gia đình Biden sẽ làm phức tạp thêm vấn đề, và gia đình Biden không có kinh nghiệm trong lãnh vực dầu khí. Ông Zlochevsky nói rằng mặc dù ông đánh giá thấp trí thông minh của ông Hunter Biden, nhưng ông Zlochevsky cần giữ ông ấy trong hội đồng quản trị “để cho mọi chuyện sẽ được ổn thỏa”. Ông cũng cho biết cả hai người họ Biden đã nói với ông rằng ông Hunter Biden cần ở lại hội đồng quản trị.

Cùng lúc đó, ông Joe Biden, phó tổng thống Hoa Kỳ đương thời, đang gây áp lực buộc các viên chức Ukraine phải sa thải ông Shokin.

Ông Joe Biden nói công khai tại một buổi sinh hoạt về mối tác động qua lại, đề cập đến sự bảo lãnh khoản vay trị giá 1 tỷ USD mà ông đe dọa sẽ giữ lại, Biden nói, “Chúng tôi sẽ rời đây sau sáu tiếng đồng hồ nữa. Nếu công tố viên này không bị sa thải, thì các vị sẽ không nhận được tiền”.

Ông Shokin cho biết lời đe dọa đó đã được trích dẫn khi ông bị cách chức. Ông nói trong một tuyên bố có tuyên thệ rằng Tổng thống Ukraine đương thời Petro Poroshenko đã yêu cầu ông từ chức vì “áp lực từ chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt là từ ông Joe Biden”.

Nguồn tin trên nói với FBI rằng ông biết được từ cuộc trò chuyện rằng, các khoản tiền đã được trả cho gia đình nhà Biden, có lẽ là về việc giải quyết ông Shokin.


Thành Viên Hạ Viện Hoa Kỳ Chỉ Trích Hoạt Động Thu Hoạch Nội Tạng Của Trung Cộng

Ứng cử viên Đảng Cộng Hòa, người tranh cử cho một ghế trong Hạ viện để đại diện cho tiểu bang New Hampshire đang hoan nghênh các học viên Pháp Luân Công đã lên tiếng bảo vệ môn tu luyện tinh thần của họ — trong một thế giới mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tiếp tục xuất cảng các hệ tư tưởng cộng sản ra khắp thế giới.

noi tang

Bà Lily Tang Williams, người về thứ ba trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng Hòa cho Địa hạt bầu cử Quốc Hội thứ hai của tiểu bang New Hampshire năm 2022, đã nói về trải nghiệm của mình khi bà còn là một đứa trẻ sống ở Trung Quốc và vào năm 1988, khi được định cư tại Hoa Kỳ bà mới nhận ra mình đã bị đảng Trung Cộng nhồi nhét tư tưởng như thế nào. Bà Williams đã đưa ra nhận xét trong một cuộc phỏng vấn gần đây với NTD.

Bà Williams cho biết các hệ tư tưởng của Trung Cộng là “tàn ác”, và chế độ cộng sản đang muốn phần còn lại của thế giới “tin vào” hệ tư tưởng này. Bà nói thêm rằng những gì Bắc Kinh nói về “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” của họ, trên thực tế, là chủ nghĩa cộng sản với sự kiểm duyệt và lạm dụng nhân quyền.

Là một người sống sót sau cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, bà Williams cho biết bà lớn lên như một Phật tử ở Trung Quốc nhưng cuối cùng đã bị tuyên truyền của chế độ cộng sản nhồi nhét tư tưởng, và bà đã thay thế đức tin tôn giáo của mình bằng niềm tin duy nhất vào đảng cộng sản, — tin rằng lãnh đạo tối cao của Trung Cộng là Mao Trạch Đông, là một “nhà lãnh đạo thần thánh”.

Chỉ sau khi rời Trung Cộng, bà Williams mới nhận ra rằng Trung Cộng đã nhồi nhét vào đầu bà một loạt “những lời dối trá”.

Giờ đây, sau nhiều năm sinh sống ở Hoa Kỳ, bà Williams cho biết bà đã theo dõi cuộc đàn áp của Trung Cộng đối với các học viên Pháp Luân Công, và đặc biệt là có rất nhiều người trong số đó đã trở thành nạn nhân của hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước hậu thuẫn.

Bà Williams nói: “Đó là một tội ác phản nhân loại. Chúng ta cần tiếp tục vạch trần tội ác này và cho thế giới biết những gì vẫn đang xảy ra ở Trung Quốc ngày nay”.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, đồng thời dạy một bộ các công pháp thiền định khoai thai, nhẹ nhàng. Đến năm 1999, môn tu luyện này đã trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc, với ước tính có khoảng 70 đến 100 triệu học viên ở Trung Hoa lục địa.

Trung Ương Đảng Trung Cộng xem sự lan rộng của Pháp Luân Công sẽ đe doạ quyền lực của đảng. Do đó, Trung Cộng đã ra lệnh “xóa sổ” Pháp Luân Công hồi năm 1999 và phát động chiến dịch giam giữ các học viên Pháp Luân Công trong các nhà tù, trung tâm tẩy não và trại lao động khổ sai.


Ông McCarthy Phê Phán Tình Trạng ‘Vũ Khí Hóa Chính Phủ’

Hôm 19/07, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) cho đảng Cộng Hoà dự định điều tra tình trạng “vũ khí hóa” chính phủ vì có tin tức cho rằng, các đại cử tri Michigan bầu cho cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 bị buộc các tội đại hình.

chủ tịch Hạ Viện, Kevin McCarthy

Trong một tuyên bố ngày 18/07, Bộ trưởng Tư Pháp của tiểu bang Michigan Dana Nessel đã thông báo rằng bà đang tìm cách buộc tội 16 cư dân Michigan vì bà cho rằng, họ có “kế hoạch với âm mưu làm đại cử tri giả sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020”.

Ông McCarthy đã trả lời về vấn đề “đại cử tri giả” rằng, “Chúng tôi sẽ tìm hiểu xem đây có phải đúng là hành vi vũ khí hóa chính phủ xảy ra dưới thời Đảng Dân Chủ hay không”. Ông nói: “Hệ thống tư pháp hai tầng này đang truy đuổi các đối thủ chính trị của họ hết lần này đến lần khác, chúng tôi thấy thế mỗi ngày. Đó là lý do tại sao khi chúng tôi tiếp nhận khối đa số, chúng tôi đã thành lập ủy ban vũ khí hóa để xem xét nhằm ngăn chặn vấn đề này”.

Ông McCarthy đã trả lời các câu hỏi về vấn đề kể trên chỉ một ngày sau khi 16 người bị buộc tội vì họ đã ký các văn bản sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 tuyên bố rằng ông Trump đã giành chiến thắng ở tiểu bang Michigan trong cuộc bầu cử năm 2020.

Bà Nessel tuyên bố: “Hành động của những người giả làm đại cử tri này đã làm xói mòn niềm tin của công chúng vào tính liêm chính của các cuộc bầu cử và, chúng tôi tin rằng, đã vi phạm các luật mà tiểu bang sử dụng để điều hành các cuộc bầu cử ở Michigan. Văn phòng của tôi đã truy tố nhiều vụ án vi phạm luật bầu cử trong suốt nhiệm kỳ của tôi. Hơn nữa, nếu văn phòng của tôi không hành động trước những bằng chứng rõ ràng về một nỗ lực có tổ chức nhằm phá hoại các lá phiếu được bầu hợp pháp của hàng triệu cử tri Michigan trong một cuộc bầu cử tổng thống, thì đó sẽ là cách hành xử sai trái trầm trọng”.

Các vụ bắt giữ của vị bộ trưởng tư pháp này diễn ra sau khi CÓ một cuộc điều tra tìm thấy bằng chứng cho thấy 16 người bị buộc tội đã họp tại trụ sở Đảng Cộng Hòa tiểu bang ở Michigan và ký tên vào các giấy chứng nhận tuyên bố sai rằng họ là các đại cử tri bầu cho ông Trump.

Bà Nessel nói: “Bằng chứng cho thấy rằng các đại cử tri giả mạo này không có thẩm quyền pháp lý nào để hành động như ‘các đại cử tri tổng thống được bầu hợp pháp’ và xác nhận cho các tài liệu bầu cử sai trái”.

Đáp lại cáo buộc gian lận bầu cử của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, các đại cử tri Đảng Cộng Hòa ở bảy tiểu bang, bao gồm Michigan, đã bỏ các lá phiếu thay thế để ủng hộ tuyên bố của ông Trump rằng ông ấy đã thắng cử.

Mặc dù việc các nhóm đại cử tri khác nhau bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử tổng thống không phải là chưa từng xảy ra, nhưng tình trạng như vậy ở rất nhiều tiểu bang hồi năm 2020 đã khiến cuộc bầu cử đó trở nên độc nhất vô nhị. Khi các thách thức pháp lý dần thông qua hệ thống tòa án, thì các thành viên Đảng Cộng Hòa ở một số tiểu bang khẳng định rằng hành động của họ sẽ giữ nguyên tuyên bố chính thức của ông Trump về chức vụ tổng thống.

Bằng chứng trong vụ án của bà Nessel gồm các văn bản mà sau đó đã được gửi đến Thượng Viện Hoa Kỳ và Cục Quản Lý Hồ Sơ và Lưu Trữ Quốc Gia (NARA) theo cách mà văn phòng của vị bộ trưởng tư pháp tiểu bang này mô tả là “nỗ lực mang tính phối hợp” nhằm trao các phiếu đại cử tri của Michigan cho một ứng cử viên không phải là ứng cử viên do cử tri của tiểu bang bầu ra.

Những người bị buộc tội đối mặt với nhiều cáo buộc trọng tội, bao gồm giả mạo, âm mưu phạm tội giả mạo, “làm giả để lưu hành và phát hành văn bản giả tạo”, và âm mưu phạm tội “làm giả để lưu hành và phát hành văn bản giả tạo”. Cáo buộc làm giả để lưu hành và phát hành văn bản giả tạo là một tội liên quan đến làm giả các văn bản quan trọng và sau đó cố gắng lưu hành những văn bản đó một cách trái phép. Mỗi cáo buộc trong số đó có hình phạt tối đa là 14 năm tù.

Hồi tháng 06/2022, cũng có tin “các đại cử tri giả” đã nổi lên ở Georgia. Công tố viên điều tra liệu ông Trump và những người khác có can thiệp bất hợp pháp vào cuộc tổng tuyển cử năm 2020 của tiểu bang Georgia hay không. Công tố cho biết 16 thành viên Đảng Cộng Hòa hành động như các đại cử tri giả này có thể bị cáo buộc hình sự.

Hồi tháng 07/2022, biện lý cuộc của quận Fulton Fani Willis tiết lộ rằng mỗi người trong số 16 người được cho là đã ký vào thư xác nhận đại cử tri giả là mục tiêu trong cuộc điều tra của bà, nhằm xem xét liệu ông Trump và các đồng minh của ông có phạm pháp khi muốn lật ngược kết quả bầu cử hay không.


Mexico Trở Thành Cơ Sở Sản Xuất Mới Cho Hoa Kỳ

Mối bang giao của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã rạn nứt trong những năm qua, khiến việc kinh doanh ở ngoại quốc trở nên đắt đỏ hơn, và vì vậy các chuyên gia tin rằng Mexico có thể thay thế Trung Cộng, trở thành quốc gia sản xuất hàng đầu cho các công ty Mỹ Quốc.

Ông Ricardo Rubiano, người sáng lập công ty đầu tư địa ốc RubiGroup Capital, nói với The Epoch Times, “Các công ty Mỹ và quốc tế (trong đó có các công ty Mexico) đã và đang thiết lập hoạt động sản xuất ở Mexico trong 5 đến 7 năm qua vì quốc gia này gần với thị trường Hoa Kỳ. Các sản phẩm được phân phối nhanh chóng vào thị trường Hoa Kỳ. Chúng ta có mối quan hệ văn hóa với Mexico mà chúng ta hiểu rõ hơn, 30% dân số ở Hoa Kỳ sẽ là người gốc Tây Ban Nha. Vì vậy, có rất nhiều sự kết nối liên thông với một quốc gia như Mexico”.

Hiện tượng các công ty chuyển cơ sở sản xuất của họ sang Mexico và đến gần thị trường Hoa Kỳ hơn là một phần của xu hướng được gọi là “nearshoring” (Sản xuất gần quê nhà). Đó là trường hợp một công ty cắt giảm chi phí vận chuyển bằng cách kinh doanh ở một quốc gia lân cận thay vì ở hải ngoại.

Ông Rubiano có công ty hoạt động dọc biên giới Hoa Kỳ-Mexico cho biết, “Nếu các công ty sản xuất ở Mexico thì không cần vận chuyển đường biển, không có đại dương nào phải đi qua. Quý vị có thể sản xuất một thứ gì đó và vận chuyển đến vùng đông bắc chỉ trong vài ngày thay vì mất nhiều thời gian vượt qua Kênh đào Panama để đến Houston hoặc Bờ Đông”.

Theo một báo cáo từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas, hồi đầu năm 2023, Mexico đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ với tổng giá trị thương mại song phương giữa hai nước đạt 263 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas cho biết, “Sự nổi lên của Mexico đã diễn ra theo sau mối quan hệ rạn nứt của Hoa Kỳ với Trung Quốc, vốn là quốc gia đã vượt qua Canada để đạt vị trí thương mại hàng đầu với Hoa Kỳ hồi năm 2014. Tuy nhiên, động lực này đã thay đổi vào năm 2018 khi Hoa Kỳ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa của Trung Cộng và sau đó sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch đã làm thay đổi dòng chảy đầu tư và thương mại quốc tế trên toàn thế giới. Những thành tựu của Mexico phản ảnh sự vươn lên của quốc gia này trong lãnh vực sản xuất. Trong bốn tháng đầu năm 2023, tổng thương mại hàng hóa sản xuất giữa Mexico và Hoa Kỳ đạt 234.2 tỷ USD”.

Báo cáo từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas tiếp tục tuyên bố rằng Mexico nhập cảng vào Hoa Kỳ tổng cộng 157 tỷ USD; Xuất cảng của Hoa Kỳ sang Mexico đạt 107 tỷ USD. Thương mại Mexico-Hoa Kỳ trong bốn tháng đầu năm 2023 chiếm 15.4% tổng số hàng hóa xuất cảng và nhập cảng của Hoa Kỳ; Canada-Hoa Kỳ chiếm 15.2%, và sau đó là Hoa Kỳ-Trung Quốc với 12.0%.

Hồi năm 2022, chính phủ Mexico đã đưa ra một thông báo nổi bật rằng hàng trăm công ty đã bày tỏ sự quan tâm về việc chuyển đến Mexico sau khi đại dịch bộc lộ những lỗ hổng của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện tại do Trung Cộng thống trị.

Bộ trưởng Kinh tế Mexico Raquel Buenrostro cho biết, “Cuộc khủng hoảng sức khỏe do COVID-19 gây ra, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, và sự suy giảm của nền kinh tế Trung Cộng đã ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất và phân phối nguyên liệu toàn cầu và sự việc này đã tác động tiêu cực đến thị trường toàn cầu. Những thách thức do các sự kiện thế giới này gây ra đã thúc đẩy sự cần thiết tăng mạnh các thị trường khu vực và các chuỗi cung ứng trong các ngành kinh tế quan trọng của quốc gia chúng ta. Chính phủ Mexico đã có thể đối phó với cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra”.

Bà Buenrostro cũng tuyên bố rằng, Mexico đã thu hút được sự chú ý của một số quốc gia Bắc Mỹ để di dời về phía nam biên giới Hoa Kỳ-Mexico do khả năng “vượt qua giai đoạn khó khăn” của quốc gia này.

“Hiện tại có hơn 400 công ty ở Bắc Mỹ có ý định thực hiện quá trình di dời từ châu Á sang Mexico. Đây là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của TMEC (Hiệp ước Mexico-Hoa Kỳ-Canada), một hiệp định thương mại giúp đẩy mạnh mối quan hệ với Hoa Kỳ và Canada, đồng thời thiết lập một khuôn khổ thể chế mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý cho các nhà đầu tư, doanh nhân, và người tiêu dùng trong khu vực”.

Theo các chuyên gia, diễn biến này là một sự chuyển đổi đối với Mexico mà cuối cùng có thể đưa quốc gia này thay thế Trung Cộng trở thành nhà xưởng của thế giới.


Tưởng Niệm Các Nạn Nhân Cộng Sản Trong Cuộc Bức Hại Pháp Luân Công Của Trung Cộng

HOA THỊNH ĐỐN — Chiều tối ngày 20/07, hơn 1,500 học viên Pháp Luân Công đã đến ngồi tọa ở công viên National Mall, mang theo những ngọn nến để tưởng nhớ các học viên đã qua đời vì sự đàn áp của nhà cầm quyền Trung Cộng.

Ông Liang Guiyu, 53 tuổi, một cư dân Flushing của New York đến từ tỉnh Sơn Đông thuộc vùng đông bắc Trung Quốc, là một trong số các học viên Pháp Luân Công có mặt tại buổi tưởng niệm này.

Đối với ông, ngày 20/07 là một ngày đau thương. Đó là ngày Trung Cộng bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công cách đây 24 năm. Cá nhân ông Liang biết ít nhất mười học viên Pháp Luân Công đã qua đời vì không chịu từ bỏ đức tin của mình. Bản thân ông cũng bị giam giữ và bị tra tấn.

Ông Liang nói, “Ngày 20/07 là một cơn ác mộng đối với tôi. Mỗi khi nhớ về ngày hôm đó, tôi lại thấy đau đớn”.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, bắt nguồn từ văn hóa truyền thống Trung Quốc và xoay quanh nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ước tính có khoảng 70 đến 100 triệu người ở Trung Quốc theo học Pháp môn này.

Kể từ năm 1999, hàng chục triệu học viên đã trở thành mục tiêu của một nỗ lực đàn áp tàn bạo nhằm hủy hoại họ về mặt thể chất, tài chính, và xã hội. Điều này bao gồm đuổi học, đuổi việc, cưỡng bức ly tán gia đình, giam giữ, sách nhiễu, giám sát, cưỡng bức lao động, tra tấn, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Một năm sau chiến dịch đàn áp, ông Liang quyết định bắt đầu cuộc hành trình đi bộ dài 400 dặm từ Sơn Đông đến Bắc Kinh. Bản thân ông cũng giống như nhiều học viên khác vào thời điểm đó, muốn nói với nhà cầm quyền Trung Cộng ở thủ đô rằng Pháp Luân Công là tốt và cuộc bức hại là một quyết định sai lầm. Ông không thể dùng phương tiện giao thông công cộng vì công an luôn túc trực tại các trạm xe lửa và xe buýt để vây bắt các học viên Pháp Luân Công có ý định thực hiện hành trình đó.

Năm đó, ở tuổi 30, người nông dân này đã rời nhà vào ngày 10/07/2000. Ông đi bộ hàng ngày từ 3 giờ 30 phút sáng đến 9 giờ 30 phút tối. Ông Liang không có tiền, và bị theo dõi, chỉ có một đôi giày dự phòng. Ông ngủ bên vệ đường vào ban đêm và ăn thức ăn thừa do các nhà hảo tâm hoặc nhà hàng đem cho. Ông đã đi xuyên qua những khu rừng, nghĩa trang, và băng qua những con suối để né tránh các cán bộ công an địa phương.

Sau mười ngày đi bộ, ông đến huyện Thanh thuộc tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 100 dặm về phía nam và cách nhà khoảng 300 dặm. Ông bị lạc hướng và hỏi thăm đường. Một tài xế taxi chỉ đường đến Bắc Kinh, nhưng vài phút sau thì người tài xế đã trình báo công an. Ông đã bị bắt và đưa về quê hương của ông ở ngôi làng ở thành phố cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông.

Ông bị nhà cầm quyền địa phương giam giữ trong 15 ngày trong nhà tù đen và bị còng suốt ngày, trừ những lúc ăn cơm.

Công an cộng sản đã xúi dục dân làng đấu tố sỉ nhục ông vì ông đã theo Pháp Luân Công. Ông cho biết, “Họ làm nhục tôi để phá vỡ ý chí của tôi, nhưng tôi cảm thấy đã làm điều đúng đắn để bảo vệ danh tiếng của Pháp Luân Công và tôi không vi phạm pháp luật”.

Bị hành hạ quá mức, có lúc ông tìm cách tự tử nhưng thoát chết. Ông bị bắt giam nhưng không còng tay. Gia đình ông phải nạp số tiền 3000 NDT cho công an để được thả ra. Ông được thả vào tháng 9/2000. Vợ ông cũng là một thành viên của Pháp Luân Công nên cũng bị đàn áp và bao vây kinh tế. Gia đình ông vay tiền để người vợ đào thoát khỏi Trung Cộng. Sau đó, hai vợ chồng được đoàn tụ tại Hoa Kỳ.

Ông Liang, hiện 53 tuổi, đang làm việc tại một công ty ở Flushing và vào các buổi tối, ông dành thời giờ để từ Hoa Kỳ gọi điện thoại cho các viên chức nhà tù Trung Cộng để thúc giục họ thả các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ.


Bắc Kinh Đáp Trả Hoa Thịnh Đốn

Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn dường như đã bước vào một cuộc cạnh tranh ăn miếng trả miếng về thương mại. Cuối năm ngoái, chính phủ ông Biden đã đặt ra các hạn chế đối với việc xuất cảng thiết bị sản xuất chất bán dẫn tân tiến sang Trung Cộng, đồng thời công bố trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước. Hoa Kỳ còn kéo Nhật Bản và Hoà Lan tham gia lệnh cấm xuất cảng này.

Giờ đây, ngay trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán cao cấp giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ về thương mại, Bắc Kinh đã ngăn chặn những hành động này bằng cách áp đặt các hạn chế đối với việc xuất cảng hai kim loại — gallium và germanium — cả hai kim loại này đều cần thiết cho nhiều ứng dụng thương mại và quân sự. Cho đến nay, Hoa Thịnh Đốn vẫn chưa có phản ứng nào trước hành động của Bắc Kinh.

Không còn nghi ngờ gì nữa, nhận thức được các cuộc đàm phán thương mại này, Bắc Kinh đã trì hoãn việc bắt đầu lệnh cấm này đến ngày 01/08. Sự trì hoãn này có lẽ tạo thành một lời mời để Hoa Thịnh Đốn giải giáp các vấn đề bằng cách làm dịu đi những gì đã trở thành một cách tiếp cận ngày càng thù địch với Trung Cộng trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, Bắc Kinh rõ ràng đang chuẩn bị sử dụng vũ khí thương mại này.

Nhắc lại chiến thắng năm 2014 của Mỹ tại Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) khi Trung Cộng cấm xuất cảng các nguyên tố đất hiếm, lệnh cấm mới nhất này có một cấu trúc rất khác. Để khiến việc kiện ra WTO càng khó thắng hơn, Bắc Kinh sẽ không chỉ cấm xuất cảng mà thay vào đó sẽ yêu cầu các nhà sản xuất phải có được một giấy phép đặc biệt để xuất cảng kim loại này. Sau đó, các viên chức có thể cấp các giấy phép cho từng trường hợp cụ thể theo những gì Bắc Kinh tuyên bố là bảo vệ “an ninh và lợi ích quốc gia”.

Đối với giai đoạn sắp tới, đây không phải là vấn đề nhỏ đối với Hoa Kỳ. Trung Cộng hiện là nhà cung cấp lớn nhất thế giới các kim loại quan trọng này. Khối lượng sản xuất và thương mại là nhỏ, nhưng các kim loại này vẫn cần thiết để sản xuất và bảo trì chất bán dẫn, bộ sạc điện thoại, kỹ nghệ hỏa tiễn, xe điện, hệ thống cáp quang, tấm quang năng, v.v. Hiện tại, khoảng 94% lượng gallium trên thế giới và một phần tương đương nguồn cung germanium trên thế giới đến từ Trung Cộng.

Chắc chắn là, không có kim loại nào là đặc biệt hiếm cả. Thật vậy, Hoa Kỳ là nơi có mỏ germanium lớn nhất thế giới. Các khoản trữ lượng lớn cũng tồn tại ở Nga, Bỉ, và Canada. Trữ lượng gallium được tìm thấy ở Nga, Ukraine, Nhật Bản, và Nam Hàn. Nhưng trong những năm qua, Trung Cộng đã giảm giá trong quá trình tinh chế và chiết xuất, nên nguồn tài nguyên này đã rơi vào trạng thái không dùng đến, gồm cả mỏ quặng gallium rất lớn ở Hoa Kỳ.

Mới đây, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã tới Trung Quốc để đàm phán về thương mại. Bà đã chỉ trích các biện pháp kiểm soát xuất cảng đó và lên tiếng hòa giải đối với ảnh hưởng mà mối bang giao này đưa ra đặc điểm về ý niệm “không bên nào hưởng lợi hoàn toàn”.

Mặc dù Bắc Kinh đã dành ra một tháng trước khi sự trả đũa có hiệu lực, bà Yellen có rất ít cơ hội để đưa ra bất cứ nhượng bộ nào cho Bắc Kinh để đổi lấy sự thay đổi trong thỏa thuận gallium và germanium được đề xướng. Với luận điệu chống Trung Cộng trong quá khứ của Mỹ từ chính phủ ông Biden, hầu như bất cứ sự mềm mỏng nào cũng có thể bị coi là điểm yếu ở Hoa Thịnh Đốn.

Ngay cả khi Bộ trưởng Yellen tìm ra cách nào đó để tháo gỡ thế bế tắc hiện tại, thì mối đe dọa của Trung Cộng về gallium và germanium, cũng như những lời đe dọa cắt đứt nguồn cung cấp đất hiếm trước đó, nên là một hồi chuông cảnh tỉnh cho Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới phát triển.

Mỹ quốc, cũng như châu Âu và Nhật Bản, hết sức cần thiết phải đa dạng hóa nguồn cung ứng nguyên liệu thô và sản xuất ra khỏi Trung Quốc, để “giảm thiểu rủi ro”, theo cách gọi ưa thích của Liên minh Âu Châu, hơn là “tách rời”. Tại các cuộc họp G-7 mới đây, Nhật Bản đã cảnh báo thế giới về sự nguy hiểm của việc phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn cung cấp của Trung Cộng. Tokyo đã đề xướng một kế hoạch tìm các giải pháp thay thế ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như châu Phi, đối với các nguyên tố đất hiếm, và nếu cần, cung cấp tài chính để phát triển.


Hiệp Hội Bác Sĩ Hoa Kỳ Lên Tiếng Phản Đối Nạn Thu Hoạch Nội Tạng của Trung Cộng

Một nhóm bác sĩ Hoa Kỳ đang bày tỏ quan điểm về việc nhà cầm quyền Trung Cộng sát hại các tù nhân lương tâm để lấy nội tạng của họ trên một quy mô kỹ nghệ, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách và bác sĩ Hoa Kỳ hãy làm những gì có thể để ngăn chặn việc tiếp tay cho hành vi bức hại này.

Theo một tuyên bố của Hiệp hội Bác Sĩ và Bác sĩ Phẫu Thuật Hoa Kỳ (AAPS) hồi đầu tháng này, “Có rất nhiều bằng chứng” cho thấy Trung Cộng đã và đang giam giữ và tiến hành cưỡng bức thu hoạch nội tạng đối với các nhóm tôn giáo, sắc tộc, và các nhóm thiểu số khác ở Trung Quốc.

Hiệp hội này cũng kêu gọi chính phủ và các bác sĩ Hoa Kỳ ngừng đào tạo hoặc truyền dạy cho các chuyên gia y tế đến từ Trung Cộng — hoặc bất cứ chế độ toàn trị nào khác — về các kỹ năng có thể được sử dụng để thực hiện hành vi bạo ngược này.

Tiến sĩ Richard Amerling, cựu chủ tịch và là thành viên hội đồng quản trị hiện tại của AAPS, nói với The Epoch Times, rằng, “Chúng tôi dứt khoát lên án tội ác này. Hành động này quá man rợ, vô nhân đạo, và phi đạo đức. Không có lý do nào để biện minh được cho tội ác này cả. Quý vị không thể cưỡng bức lấy nội tạng của ai đó, đó là sự vi phạm trắng trợn nhất vào quyền sống còn của con người”.

“Về căn bản, họ giết chết một người đang sống bằng cách lấy đi trái tim của người đó, về mặt kỹ thuật thì người đó vẫn còn sống, họ chưa chết. Hành động đó thật quá khủng khiếp”.

Năm 2019, Tòa án Luận Tội Trung Cộng, một hội đồng chuyên gia độc lập, đã kết luận rằng nhà cầm quyền Trung Cộng đã và đang tiến hành cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm trong nhiều năm và “trên một quy mô đáng kể”.

Tòa án này cũng đã kết luận rằng các học viên đang bị cầm tù của môn Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần, là đối tượng chính trong cuộc bức hại có hệ thống của nhà cầm quyền Trung Cộng suốt hơn hai thập niên qua. Các chuyên gia cho biết, người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác bị bức hại ở phía tây bắc Trung Quốc cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của thông lệ tàn bạo này, cùng với người Tây Tạng và các tín đồ Cơ Đốc tại gia.

Những cáo buộc về việc nhà cầm quyền cộng sản sát hại các học viên Pháp Luân Công để bán nội tạng của họ phục vụ cho ngành cấy ghép nội tạng đã xuất hiện lần đầu tiên hồi năm 2006. Kể từ đó, nhiều cuộc điều tra đã xác nhận những chi tiết rùng rợn về tội ác tàn bạo này.

Tiến sĩ Richard Amerling nói, “Thật khó khăn để đối đầu với thứ ác quỷ này. Tôi nghĩ mọi người khá ngại ngùng khi suy nghĩ một cách nghiêm túc về những thứ như thế này. Và nếu quý vị không suy nghĩ nghiêm túc, và quý vị chỉ từ chối đối diện với thực tế phũ phàng, vờ như sự thật đó không tồn tại, thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn trên nhiều phương diện. Nhưng một khi quý vị nhận ra rằng sự tàn bạo vẫn đang tiếp diễn, thì đòi hỏi quý vị phải đưa ra phản ứng. Tội ác này quá man rợ. Một đất nước văn minh không thể cho phép điều này tiếp diễn mà không có tuyên bố nào”.

Tiến sĩ Amerling, một bác sĩ chuyên khoa thận trong hơn 30 năm, tin rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức “cần phải bị cơ sở y tế ở quốc gia này lên án một cách mạnh mẽ”.  Ông nói, “Thật đau lòng và kinh hoàng khi nghĩ rằng tội ác này đang diễn ra, rằng con người lạm dụng kiến thức y khoa để thực hiện những hành vi tàn ác như vậy”.

 Tiến sĩ Amerling tin rằng các tổ chức y tế có nhiệm vụ đẩy lùi những hành vi đàn áp như vậy bằng cách lên tiếng công khai những tội ác đó, đồng thời không nhận người của Trung Cộng tham dự vào giới giáo dục y tế Hoa Kỳ. “Tại sao chúng ta lại đào tạo những bác sĩ này? Tại sao chúng ta lại cung cấp kiến thức cho họ? Tại sao chúng ta lại cho phép họ tham gia vào nền y học Hoa Kỳ dù có bất cứ chuyện gì xảy ra”?. Ông nói, “Đáng lẽ họ phải bị cấm tham gia vào hệ thống y tế của Hoa Kỳ, thế thôi. Họ không nên được đào tạo trong các bệnh viện của chúng ta, họ không được phép trình bày các bài nghiên cứu tại các hội nghị của chúng ta, họ không được phép đăng các bài viết trên tập san của Hoa Kỳ. Chúng ta phải trừng phạt những bác sĩ này, và cấm họ bước chân vào Hoa Kỳ, thì giống như gửi một thông điệp tới nhà cầm quyền kia rằng chúng ta biết họ đang làm gì.

 Thu hoạch nội tạng là một ngành kinh doanh sinh lợi nhuận hấp dẫn của Trung Cộng. Trong phiên điều trần năm 2021 trước Tiểu Ủy Ban Nhân quyền của Nghị Viện Âu Châu, ông Geoffrey Nice, chủ tọa của Tòa án Luận tội Trung Quốc, cho biết nhà cầm quyền Trung Cộng có thể thu được tới nửa triệu dollar trên mỗi thi thể nạn nhân.

Các chuyên gia đã ước tính rằng có 60,000 đến 100,000 ca cấy ghép được thực hiện ở Trung Quốc mỗi năm, vượt xa con số chính thức mà chính quyền này công bố là 10,000 ca. Họ cho biết các cơ quan nội tạng cho những ca cấy ghép không được công bố rằng có nguồn gốc từ các tù nhân lương tâm.

Tiến sĩ Amerling tiếp tục kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ sử dụng “vị trí chi phối” của mình bằng cách kiểm soát các ngân hàng Mỹ quốc để giúp chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng.


Tòa Lãnh Sự Trung Cộng Tại Odessa Bị Hư Hại Trong Cuộc Oanh Tạc Của Nga

Nga đã tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine bằng hỏa tiễn và drone trong đêm, làm hư hại tòa nhà toà lãnh sự Trung Cộng và cơ sở hạ tầng của cảng Odessa, nơi có một triệu tấn ngũ cốc sắp được vận chuyển đến châu Á và châu Phi, trong đó có 60,000 tấn chuẩn bị xuất sang Trung Quốc. Nhà cầm quyền Trung Cộng đã không lên án những cuộc không kích này của Nga.

Trong bốn đêm liên tiếp kể từ ngày 18/07, Nga đã tiến hành các cuộc oanh tạc vào Odessa, một thành phố cảng Hắc Hải phía nam Ukraine, và các cảng khác của Ukraine.

Theo ông Oleg Kiper, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực của Odessa, cuộc không kích trong đêm 19/07 của Nga đã làm hư hại một số bộ phận của tòa nhà của toà lãnh sự Trung Cộng nằm trong thành phố này.

Bức ảnh mà ông Kiper chia sẻ trong bài đăng trên mạng xã hội cho thấy các cửa sổ của tòa nhà bị vỡ và thiệt hại dường như không đáng kể. Bức ảnh không cho thấy có thiệt hại nào khác.

Ông Kiper nói thêm, “Hậu quả để lại sau cuộc không kích ban đêm của Nga là tòa lãnh sự Trung Cộng ở Odessa đã bị hư hại. Quân xâm lược cố tình tấn công cơ sở hạ tầng cảng — các tòa nhà hành chính và nhà dân gần đó, cũng như tòa lãnh sự Trung Cộng, đã bị hư hại. Điều này cho thấy rằng kẻ thù không để tâm đến bất cứ thứ gì”.

Quân đội Ukraine tuyên bố rằng Nga đã phóng 63 hỏa tiễn và phi cơ không người lái vào nhiều mục tiêu khác nhau trên khắp nước này, trong đó 37 chiếc đã bị bắn hạ.

Hôm 20/07, Bộ Quốc phòng Nga cho biết rằng các cuộc không kích trong đêm nhắm vào Odessa là một hành động trả đũa liên tục để đáp lại cuộc tấn công của Ukraine vào một cây cầu ở Crimea mà Ukraine cho là mục tiêu hợp pháp bởi vì đây là là tuyến đường tiếp viện chính yếu của Nga, đồng thời tuyên bố rằng quân đội Nga đang nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự của Ukraine.

Theo nhiều hãng truyền thông, những cuộc không kích này đã đánh trúng các cơ sở dân sự, bao gồm khu nhà ký túc xá, một tòa án, một khu chợ, và các kho chứa trong cảng Odessa.

Hôm thứ Bảy (22/07), quân đội Ukraine đã nhận trách nhiệm trong cuộc tấn công vào kho đạn dược và kho dầu của Quân đội Nga ở Crimea. Họ cũng cho biết họ đã bắn hạ năm phi cơ không người lái kamikaze do Iran sản xuất chỉ trong một đêm.

Tại một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Cộng hôm 21/07, một phóng viên Reuters đã hỏi về sự kiện Tổng Lãnh sự Trung Cộng ở Odessa bị pháo kích. Một phóng viên hỏi: “Liệu bây giờ Trung Cộng có lên án cuộc tấn công của Nga vào thành phố này không? Trung Cộng đã bày tỏ sự không hài lòng với Nga về vấn đề này chưa?”.

Bà Mao Ninh, phát ngôn viên của bộ này, trả lời rằng Trung Cộng sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với các bên liên quan và thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ sự an toàn của các tổ chức và nhân viên Trung Cộng tại Ukraine.

Phóng viên Reuters đã đặt một câu hỏi tiếp theo, rằng nếu Trung Cộng không lên án Nga, thì “Liệu Trung Cộng có áp dụng cách tiếp cận giống như vậy khi các Tòa Đại sứ và toà lãnh sự Trung Cộng ở ngoại quốc bị thiệt hại trong các cuộc tấn công tương tự trong tương lai hay không?”.

Bà Mao trả lời bằng cách nhắc lại rằng Trung Quốc sẽ “duy trì liên lạc với các bên liên quan và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để duy trì sự an toàn của các tổ chức và nhân viên Trung Quốc ở Ukraine và bất cứ nơi nào trên thế giới”, đồng thời nói thêm rằng quan điểm của Trung Cộng về cuộc khủng hoảng Ukraine là kiên định và rõ ràng, đồng thời sẽ tiếp tục thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này.

Hồi năm 1999, khi hỏa tiễn của NATO bắn trúng Tòa Đại sứ Trung Cộng ở Belgrade, Nam Tư, mà Hoa Kỳ cho là một vụ tai nạn thương tâm, chế độ cộng sản Trung Cộng đã lên án mạnh mẽ. Nhà cầm quyền Trung Cộng đã và đang ủng hộ Nga trong cuộc chiến của nước này, và đã từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Bài liên quan:
  • Tin Cuối Tuần (20-21-Apr-2024)
  • Đề Nghị Truất Phế Chủ Tịch Hạ Viện Johnson ‘Sắp Được Đưa Ra’
  • Ông Bill Barr Cho Biết Tại Sao Ông Ủng Hộ Cựu TT Trump Nhiều Hơn TT Biden
  • Thời Tổng thống Biden, Lạm Phát Kéo Dài Và Việc Làm Suy Giảm
  • Các Cuộc Thăm Dò Không Cho Biết Về Sự Dẫn Đầu Của Cựu TT Trump
  • Số Phận Các Tỷ Phú Của Trung Cộng, Sụt Giảm, Phá Sản, Hoặc Bị Bắt Giữ
  • Chủ Nghĩa Tư Bản Trung Cộng Đang Bóp Méo Thị Trường Toàn Cầu
  • TT Biden Kêu Gọi Tăng Gấp Ba Lần Thuế Quan Đối Với Nhôm Thép Trung Cộng
  • Thủ Tướng Đức Vận Động Trung Cộng Chơi Công Bằng Trên Thị Trường EU
  • Trung Cộng Đóng Góp Cho Ngành Kỹ Nghệ Quốc Phòng Nga
  • Tin Cuối Tuần (13-14-Apr-2024)
  • TT Biden Tìm Cách Giảm Căng Thẳng Cuộc Xung Đột Giữa Iran Và Israel
  • Hạ Viện Sẽ Cố Gắng Về Gói Tài Trợ Cho Israel
  • Trung Cộng Có Mối Liên Hệ Với Tội Phạm Có Tổ Chức
  • Đảng Dân Chủ Sử Dụng Chiến Lược Ít Được Biết Đến Để Giành Chiến Thắng Trong Năm 2024
  • Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ Làm Gián Điệp Cho Cuba Lãnh 15 Năm Tù
  • Cuộc Điện Đàm Giữa Ông Biden Và Ông Tập Không Làm Thay Đổi Được Bất Cứ Điều Gì
  • Trung Cộng Đẩy Mạnh Xuất Cảng Khiến Các Nhà Đầu Tư Ngoại Quốc Lo Lắng
  • CEO Apple Đến Hà Nội, Thăm Việt Nam Trong 2 Ngày
  • Iran Không Kích Israel, Phóng Hàng Loạt Máy Bay Không Người Lái
  • 3 Con Trai Của Thủ Lĩnh Hamas Haniyeh Thiệt Mạng Trong Cuộc Không Kích Của Israel
  • Nhật Bản Có Thể Sẽ Gia Nhập Liên Minh AUKUS Chống Bắc Kinh
  • Nữ Ký Giả Trung Quốc Bị Trục Xuất Khỏi Thụy Điển Từng Kể Về Gia Cảnh Bị ĐCSTQ Bức Hại
  • Vương Quốc Anh Sẽ Không Bao Giờ Giao Quyền Lực Cho WHO
  • Tin Cuối Tuần (06-07-Apr-2024)   
  • Mạng Xã Hội X Sẽ Không Tuân Theo Lệnh Của Tối Cao Pháp Viện Brazil
  • Los Angeles Công Bố Dữ kiện Về Số Người Vô Gia Cư Tử Vong Trong Năm 2023
  • Các Thượng Nghị Sĩ Sẽ Trở Thành Bồi Thẩm Viên Vào Ngày 11/04, Vụ Đàn Hặc Ông Mayorkas
  • Ủy Ban Hạ Viện Sẽ Cân Nhắc Nghị Quyết Phản Đối Áp Lực ‘Một Chiều’ Từ Phía TT Biden Cho Một Lệnh Ngừng Bắn Ở Gaza
  • Bộ Trưởng Ngân Khố Janet Yellen Chỉ Trích Những Hành Động ‘Cưỡng Ép’ Của Bắc Kinh Đối Với Các Công Ty Hoa Kỳ
  • Ông Biden Và Tập Cận Bình Nói Chuyện Lần Đầu Tiên Kể Từ Tháng Mười Một
  • Hoa Kỳ Trừng Phạt Tin Tặc Trung Cộng Vì Kế Hoạch 14 Năm Xâm Nhập Vào Cơ Sở Hạ Tầng Quan Trọng
  • 5 Dấu Hiệu Cho Thấy Kinh Tế Trung Quốc Đang Thâm Hụt Tài Chính Trầm Trọng
  • Căng Thẳng Leo Thang Ở Khu Vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
  • Tin Cuối Tuần (30-31-Mar-2024)
  • Hoa Kỳ Và Mexico Công Bố Quan Hệ Đối Tác Vi Mạch Bán Dẫn Để Ứng Phó Với Những Thách Thức Toàn Cầu
  • Tình Trạng Di Cư Ồ Ạt Đe Dọa Đến An Ninh Lương Thực Của Hoa Kỳ
  • Chủ Tịch Hạ Viện Johnson Đàm Luận Thống Đốc Abbott Về An Ninh
  • TT Trump Yêu Cầu TT Biden Xin Lỗi Vì Tuyên Bố Xúc Phạm Công Dân Hoa Kỳ
  • Trung Cộng Vũ Khí Hóa Lực Lượng Hải Cảnh Để Kiểm Soát Các Vùng Biển Tranh Chấp
  • Trục Ma Quỷ’ Mới Đã Hình Thành, ĐCSTQ Là Địch Thủ Lớn Nhất Của Hoa Kỳ
  • Các Viên Chức Trung Cộng Chọn Cách Phản Kháng Thụ Động Với Tập Cận Bình
  • Sự Thâm Nhập Của Trung Cộng Trở Thành Cơn Ác Mộng Của Hoa Kiều
  • Israel Sẽ ‘Tự Mình’ Tiến Hành Cuộc Tấn Công Vào Rafah
  • Tin Cuối Tuần (23-24-Mar-2024)   
  • Đảng Cộng Hòa Phản Đối Sáng Kiến Của Bộ Tư Pháp
  • Tiểu Bang Theo Đảng Cộng Hoà ‘Tiếp Đón’ Người Nhập Cư Bất Hợp Pháp
  • Gói Tài Trợ Chính Phủ Trị Giá 1.2 Ngàn Tỷ USD Của Hoa Kỳ
  • Cách Đưa Tin ‘Bóp Méo’ Của New York Times Về Các Cuộc Đàn Áp Của Trung Cộng
  • Cảnh Báo Về Việc ‘Phân Biệt Đối Xử’ Tại Phi Trường Chicago
  • Cần Ứng Phó Với Trung Cộng, Kế Hoạch Hành Động Toàn Diện
  • Tập Cận Bình Làm Suy Yếu Quốc Vụ Viện