Tin Hoa Kỳ và Thế Giới
Devon Archer Và Sự Khởi Đầu Của Vụ Án Khác
Thỏa thuận bào chữa đầy ưu ái của ông Hunter Biden đã thất bại ở Delaware. Bộ Tư Pháp đã gửi một lá thư vào cuối tuần yêu cầu một thẩm phán ấn định ngày kết án ông Devon Archer (hai ngày trước khi ông làm chứng trước Quốc Hội và lưu ý rằng thời hạn bản án của ông vẫn chưa được quyết định).
Sau đó, ông Archer được cho là đã đưa ra lời chứng trực tiếp, thẳng thừng, và phơi bày tất cả. Tất cả những điều này đang vượt lên trên chính trị và trở thành lịch sử.
Điều tương tự cũng từng xảy ra với Tổng thống (TT) Richard Nixon. Đầu tiên, có một cuộc điều tra về vụ đột nhập của các đặc vụ cấp thấp, sau đó, biến thành một cuộc điều tra toàn diện về hành vi tội phạm của chính phủ TT Nixon. Cuối cùng, 46 người đã bị kết án với nhiều tội khác nhau. Viên chức nội các duy nhất từng bị tống vào tù là Bộ trưởng Tư pháp John Mitchell vì tội cản trở công lý. Đây là một tiền lệ mà Bộ Trưởng Tư Pháp đương nhiệm Merrick Garland nên ghi lòng tạc dạ.
Giờ đây, rõ ràng là ứng cử viên Joe Biden đã không ngừng nói dối về các hoạt động kinh doanh của con trai mình — và phần lớn giới quyền uy đã tiếp tay cho những lời nói dối đó của ông ấy.
Trong cuộc tranh luận thứ hai hồi năm 2020 với TT Donald Trump, ông Joe Biden đã tự hào viện dẫn 50 nhân viên tình báo đã ký vào một lá thư khẳng định câu chuyện về chiếc máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden là thông tin giả của Nga. Bây giờ thì ai cũng biết rằng bức thư — và việc ông Joe Biden sử dụng bức thư đó — hoàn toàn là dối trá.
Với những sự kiện gần đây, giới truyền thông quyền uy đang bắt đầu coi trọng sự thiếu trung thực của nhà Biden. Lần đầu tiên, New York Times và Washington Post xem xét nghiêm túc các tuyên bố của ông Biden bằng sự hồ nghi. Tuy nhiên, họ vẫn chưa cử các phóng viên đi điều tra sâu rộng hơn.
Khi những bản tin về lời chứng của ông Archer bắt đầu được đưa ra, tôi người ta nhận thấy có dấu hiệu sẽ có việc điều tra luận tội mà Chủ tịch Hạ Viện Kevin McCarthy đã ám chỉ vài ngày trước đó.
Chủ tịch James Comer và ủy ban của ông đã và đang tiến hành công việc điều tra các vụ bê bối của nhà Biden và Bộ Tư Pháp. Lời chứng của ông Archer là bước đột phá mới nhất mà họ đã khai triển.
Thủ tướng Winston Churchill sau chiến thắng của Anh quốc tại El Alamein hồi tháng 11/1942 từng nói rằng: “Bây giờ không phải sự kết thúc. Đó cũng không phải là sự khởi đầu của kết thúc. Nhưng có lẽ đó là kết thúc của một sự khởi đầu”.
Tờ New York Post nắm bắt được điều cốt lõi trong lời chứng của Devon:
“Đó là cách mà việc gây ảnh hưởng để trục lợi diễn ra. Nhân vật được đem ra đổi chát chính là ông Joe Biden”.
“Đó là lý do tại sao ông Hunter và chú Jim Biden của ông ấy được người Ukraine, Trung Quốc, Nga, Romania, Kazakhstan, v.v. trả cho hàng triệu dollar”.
New York Post và phóng viên xuất sắc Miranda Devine của họ đã đưa tin về câu chuyện máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden từ năm 2020. Do tường thuật chính xác những gì có trong chiếc máy điện toán xách tay đó, nên họ đã bị những đại công ty mạng xã hội ngăn chặn — bởi vì câu chuyện này sẽ hủy hoại khả năng ứng cử của ông Joe Biden và tái đắc cử cựu Tổng thống Trump. Rồi, các tờ báo quyền uy cũng bắt đầu bị thuyết phục.
Mặc dù New York Times phần lớn vẫn phục tùng giới quyền uy, nhưng giờ đây đã tường thuật:
“Tuy nhiên, lời chứng của ông Archer đã nhấn mạnh rằng ông Biden đã đưa ra những tuyên bố sai sự thật hoặc gây hiểu lầm về tài chính của các thành viên trong gia đình ông. Trong cuộc tranh luận tổng thống năm 2020, ông Biden tuyên bố rằng không ai trong gia đình ông nhận tiền từ Trung Quốc, trong khi trên thực tế, ông Hunter Biden và các cộng sự kinh doanh của ông đã nhận hàng triệu USD từ một công ty Trung Cộng”.
“Năm 2019, ông Biden cũng nhiều lần nói rằng ông ấy ‘chưa bao giờ thảo luận’ và ‘chưa bao giờ nói chuyện với’ ông Hunter Biden về các giao dịch kinh doanh của anh ta.
“Gần đây, phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc, bà Karine Jean-Pierre, đã bắt đầu nói bằng những lời ít mang tính tuyên bố hơn về vấn đề này, nói rằng ông Biden ‘chưa bao giờ làm ăn với con trai ông ấy’”.
Theo sau tờ New York Times không bao lâu là một bài bình luận của ông Jason Willick trên tờ Washington Post:
“Ngay cả khi không có cáo buộc nào về ‘công việc kinh doanh của gia đình Biden’ có hiệu lực đi chăng nữa, thì thỏa thuận nhận tội của Hunter Biden sụp đổ tại tòa án công khai đã làm suy yếu sự tôn nghiêm của chính phủ Biden về một Bộ Tư pháp độc lập”.
Ông Mark Halperin, trong bài tường thuật của ông trên The Wide World of News đã viết:
“Giờ đây giới truyền thông lớn tin chắc rằng ông Joe Biden đã cố ý và liên tục nói dối về sự liên quan của ông ấy với các giao dịch của ông Hunter; rằng thỏa thuận nhận tội của ông Hunter cũng đáng ngờ như những diễn biến của cuộc điều tra dẫn đến thỏa thuận đó; ông Hunter gây ảnh hưởng để trục lợi liên quan trực tiếp đến cha của ông ấy; rằng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu ông Joe kiếm được tiền từ thương vụ của ông Hunter; và rằng sẽ chỉ hơi ngạc nhiên một chút nếu ông Joe làm ‘chuyện vặt vãnh’ để giúp ông Hunter có được và duy trì các giao dịch.
Tuy nhiên, người ta vẫn chưa tin rằng, hệ thống truyền thông sẵn sàng đi tìm sự thật có lợi cho công chúng.
Ông Trump Không Nhận Tội Đối Với Các Cáo Buộc Mới
Hôm thứ Sáu (04/08), cựu Tổng thống Donald Trump không nhận tội đối với ba cáo buộc tội trọng do Biện lý Đặc biệt Jack Smith đưa ra trong một bản cáo trạng thay thế trong một vụ án cáo buộc cựu tổng thống quản lý sai các tài liệu mật.
Trong hồ sơ tòa án hôm 04/08, ông Trump xác nhận rằng ông đã nhận được một bản sao của bản cáo trạng cập nhật — nâng tổng số cáo buộc trong vụ án này lên 40 — và ông đã tuyên bố “không có tội”.
Hồ sơ cũng cho thấy rằng ông Trump đã từ bỏ quyền có mặt trong một buổi đọc cáo buộc được ấn định vào ngày 10/08 đối với ba cáo buộc mới do ông Smith đưa ra trong bản cáo trạng thay thế hôm 27/07.
Ban đầu, ông Smith truy tố tổng thống Trump với 37 điểm buộc tội liên quan đến các cáo buộc rằng ông Trump đã cố ý lưu giữ các tài liệu mật, cản trở công lý, và đưa ra những tuyên bố sai sự thật.
Vào thời điểm đó, ông Trump đã tuyên bố những cáo buộc này là có động cơ chính trị và gọi vụ án này là “trò lừa đảo thùng tài liệu” (box hoax).
Hôm 13/06, ông Trump đã không nhận tội đối với 37 cáo buộc, trong đó có cáo buộc vi phạm Đạo Luật Gián Điệp, vốn quy định hành vi sở hữu trái phép thông tin quốc phòng là một tội hình sự.
Hôm 27/07, trong một bản cáo trạng cập nhật, nhóm của ông Smith đã cáo buộc ông Trump âm mưu với nhân viên của ông nhằm xóa một số cảnh video để không cho đại bồi thẩm đoàn xem các bằng chứng.
Trong bản cáo trạng thay thế, biện lý đặc biệt này buộc tội ông Trump cố ý lưu giữ thông tin quốc phòng kèm theo hai cáo buộc liên quan đến các tuyên bố rằng ông đã yêu cầu một nhân viên Mar-a-Lago xóa video bằng chứng, không cho đại bồi thẩm đoàn nhìn thấy những video này.
Người nhân viên Mar-a-Lago được đề cập là ông Carlos De Oliveira. Ông đã bị xem là bị cáo thứ ba trong bản cáo trạng thay thế, cùng với phụ tá Walt Nauta của ông Trump và chính bản thân ông Trump.
Sau khi ba cáo buộc mới được công bố, ông Trump đã lên mạng xã hội của mình để bác bỏ các cáo buộc mới. Ông gọi cáo buộc mới của ông Smith là một “lời nói dối” tương đương với hành vi can thiệp bầu cử trước cuộc tranh cử năm 2024.
Ông Trump viết trong một bài đăng trên Truth Social hôm 01/08, “Các đoạn băng an ninh bị xóa là một lời nói dối do ông Jack Smith loạn trí bịa đặt ra! Can thiệp bầu cử”.
Ông Trump cho biết ông đã sử dụng thẩm quyền tổng thống để giải mật tất cả các tài liệu liên quan trong vụ án chống lại ông và phủ nhận việc ông giấu bất cứ tài liệu nào đối với chính phủ.
Trong một tuyên bố sau thông báo hôm 27/07 về các cáo buộc mới, chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết các cáo buộc mới nằm trong một “nỗ lực thất bại và tuyệt vọng vẫn đang tiếp diễn” nhằm quấy rối ứng cử viên thuộc Đảng Cộng Hòa hiện đang dẫn đầu trong chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của ông.
Ông Rudy Giuliani Phản Ứng Về Hệ Thống Tư Pháp Hai Tầng
Một phát ngôn viên của ông Rudy Giuliani đã chỉ trích gay gắt bản cáo trạng liên bang đối với cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Rudy Giuliani từng là luật sư của ông Trump.
Ông Ted Goodman, cố vấn chính trị kiêm phát ngôn viên của ông Giuliani, nói với National Review, “Bản cáo trạng này vi phạm Tu chính án thứ Nhất và hình sự hóa đối thủ chính trị số một của chế độ cầm quyền vì dám đặt ra nghi vấn về kết quả bầu cử năm 2020. Bản cáo trạng này nêu bật thực tế bi đát của hệ thống tư pháp hai tầng của chúng ta—một tầng dành cho nhà cầm quyền và tầng còn lại dành cho bất cứ ai dám chống lại nhà cầm quyền”.
Ông Goodman đã biện minh cho những hành động của ông Giuliani và ông Trump được nêu trong bản cáo trạng. Ông nói: “Mọi dữ kiện mà Thị trưởng Rudy Giuliani có được về vụ án này cho thấy những hành động mà Tổng thống Donald Trump đã thực hiện trong khoảng thời gian hai tháng mà bản cáo trạng cáo buộc là dựa trên một cơ sở thiện chí”.
Phát ngôn viên chỉ trích bản cáo trạng đối với ông Trump, nói rằng đây là một hành động “đặc biệt trầm trọng trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ông Joe Biden và gia đình ông ấy đã nhận hối lộ hàng triệu dollar từ những kẻ thù ngoan cố nhất của nước Mỹ”.
Bản cáo trạng nhắm vào ông Trump, do biện lý đặc biệt Jack Smith đệ trình hôm 01/08, cáo buộc cựu tổng thống có âm mưu “làm suy yếu, cản trở, và phá hoại” việc thu thập và kiểm phiếu đại cử tri, cản trở Quốc Hội kiểm phiếu đại cử tri vào ngày 06/01/2021, âm mưu cản trở việc kiểm phiếu đại cử tri, và âm mưu chống lại quyền bầu cử của người dân Mỹ.
Bản cáo trạng đề cập đến sáu đồng phạm. Trong bản cáo trạng, đồng phạm 1 ám chỉ đến một luật sư “sẵn sàng lan truyền những tuyên bố sai lệch có chủ ý và theo đuổi các chiến lược mà các luật sư trong chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của Bị cáo sẽ không làm”.
Mặc dù tên của các đồng phạm không được nêu ra, nhưng có nhiều suy đoán rằng đồng phạm 1 đang ám chỉ ông Giuliani.
Theo như cáo buộc, Đồng phạm 1 được cho là đã gặp chủ tịch Hạ viện Arizona vào ngày 01/12/2020, trong quá trình người đồng phạm này đang nỗ lực nhằm lật ngược cuộc bầu cử. Khi chủ tịch Hạ viện hỏi đồng phạm 1 về bằng chứng gian lận bầu cử, đồng phạm 1 được cho là đã nói: “Chúng tôi không có bằng chứng, nhưng chúng tôi có rất nhiều giả thuyết”.
Bản cáo trạng nêu rằng, vài ngày sau đó, tức ngày 03/12, đồng phạm 1 được cho là đã “dàn dựng một buổi thuyết trình trước một Tiểu ban Tư Pháp của Thượng viện tiểu bang Georgia, với mục đích đánh lạc hướng các nghị sĩ của tiểu bang này nhằm ngăn chặn việc xác định các đại cử tri hợp pháp”.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Giuliani đã chỉ trích ông Smith vì đã đưa ra cáo trạng chống lại ông Trump, nhấn mạnh rằng việc này vi phạm quyền tự do ngôn luận của cựu tổng thống.
“Đây là những gì tôi muốn nói với ông Jack Smith – sau khi Tối cao Pháp viện hủy bỏ vụ kiện của ông, điều đáng lẽ nên được xem là một việc đáng hổ thẹn, và lẽ ra ông nên đi tìm một nghề khác vì ông không thuộc về nghề này. Đây sẽ là di sản của ông—vi phạm quyền tự do ngôn luận của một công dân Mỹ.
Đừng bận tâm liệu ông ấy có phải là tổng thống hay không. Người đó có thể là bất cứ ai. Đó có thể là một người vô gia cư! Ông không được vi phạm quyền của người dân trong Tu chính án thứ Nhất, ông Smith ạ! Bất kể ông là ai, bất kể ông mắc ‘hội chứng loạn trí vì ông Trump’ đến mức nào”.
Ông Giuliani nói rằng đây không phải là lần đầu tiên ông Smith “hành động như một luật sư vô đạo đức” và nhấn mạnh rằng “đây phải là lần cuối cùng”.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã chỉ trích vụ truy tố, và gọi đó là “nỗ lực thảm hại” của Bộ Tư pháp và “Gia đình Tội phạm Biden”, nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, trong đó ông Trump được coi là “người dẫn đầu không thể chối cãi”.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump đặt câu hỏi,
“Tại sao họ lại đợi những 2 năm rưỡi để đưa ra những cáo buộc giả dối này, ngay giữa chiến dịch tranh cử năm 2024 đang trên đà thắng lợi của Tổng thống Trump? Tại sao họ lại công bố chuyện này một ngày sau khi vụ bê bối của ông Joe Biden lươn lẹo bị vỡ lở ở hội trường Quốc Hội?
“Câu trả lời là, vì để can thiệp bầu cử!”
“Sự coi thường pháp luật của những cuộc áp bức Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông như thế này làm người ta nhớ đến Đức Quốc Xã trong những năm 1930, Liên Xô cũ, và các chế độ toàn trị, độc tài khác”.
Ông Joe Biden Tuyên Bố Không Liên Can Đến Việc Làm Ăn Của Con Trai Là Hoàn Toàn Sai Sự Thật
Ông Devon Archer — cựu đối tác kinh doanh của con trai của Tổng thống Joe Biden, ông Hunter Biden — nói với ông Tucker Carlson trong một cuộc phỏng vấn mới được công bố rằng tuyên bố của tổng thống về việc không liên quan đến các giao dịch kinh doanh của con trai ông là “hoàn toàn sai sự thật”.
Trong khi đang vận động tranh cử, ông Joe Biden, khi đó là ứng cử viên tổng thống, đã khẳng định rằng ông không có vai trò gì trong các giao dịch kinh doanh của con trai mình. Nhưng căn bản lập luận đó đó đã bị lung lay — đầu tiên là do những tiết lộ về nội dung trong máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden, sau đó là những tuyên bố của đối tác kinh doanh cũ Tony Bobulinski, và bây giờ là những tiết lộ bùng nổ lớn của ông Archer.
Hôm thứ Hai (07/08), ông Devon Archer đã có một cuộc thẩm vấn kín với các thành viên của Ủy Ban Giám Sát và Trách Nhiệm Giải Trình Hạ Viện, trong đó ông cho biết tổng thống đã nhiều lần nói chuyện với các đối tác kinh doanh của con trai Hunter. Trong khi các thành viên Đảng Cộng Hòa xem đây là bằng chứng cho thấy tổng thống đã nói dối khi ông phủ nhận là mình không liên quan đến các thương vụ của con trai, thì những người ủng hộ ông Joe Biden lại bào chữa rằng các cuộc trò chuyện chỉ là những cuộc nói chuyện phiếm “thông thường”.
Sau khi đưa ra lời khai trước ủy ban Quốc Hội này, ông Archer đã tham gia một cuộc phỏng vấn với ông Carlson, phần mới nhất của cuộc phỏng vấn này được công bố hôm 04/08. Trong đó, ông Carlson cho rằng, không có vấn đề tham nhũng; ông Joe Biden không có vai trò gì trong công việc làm ăn của con trai. Tuy nhiên, có lúc ông Carlson trầm ngâm, cho rằng, “Điều đó có vẻ sai sự thật. Vâng, điều đó là hoàn toàn sai sự thật”, ông Archer tuyên bố dứt khoát và một cách nhẹ nhàng hơn, Archer nói, “Ông ấy biết về công việc kinh doanh của ông Hunter, ông ấy đã gặp gỡ các đối tác kinh doanh của ông Hunter”.
Tuy nhiên, giống như ông đã khai, ông Joe Biden chưa từng xem bảng cân đối kế toán hoặc bất cứ tài liệu tài chính nào, nhưng sự tham gia của tổng thống trong các công việc kinh doanh của ông Hunter Biden đóng một vai trò đại diện hơn là trực tiếp nhúng tay vào.
Các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa xem lời khai của ông Archer hôm 31/07 là bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy tổng thống đã nói dối về sự liên can bị cho rằng, ông Joe Biden có liên can đến công việc kinh doanh của con trai ông.
Chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện James Comer (Cộng Hòa-Kentucky) cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai, “Lời khai của ông Devon Archer hôm nay xác nhận ông Joe Biden đã nói dối người dân Mỹ, bởi vì ông ta đã nói rằng ông không biết gì về các giao dịch kinh doanh của con trai mình và không liên can.
Tại sao ông Joe Biden lại nói dối người dân Mỹ? Điều này đặt ra câu hỏi liệu rằng ông ấy còn đang giấu giếm người dân Mỹ điều gì nữa”?..
Các Nhà Lập Pháp Yêu Cầu Ông Blinken Nỗ Lực Chống Lại Dòng Fetanyl Từ Trung Cộng
Một nhóm lưỡng đảng gồm 37 nhà lập pháp Hạ Viện đã ký và gửi một lá thư đề ngày 02/08 tới Ngoại trưởng Antony Blinken yêu cầu ông đặt ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và phát triển cách tiếp cận cấp chính phủ, nhằm chiến đấu với nạn buôn ma túy fentanyl xuyên quốc gia gây nguy hiểm đến tính mạng.
Các nhà lập pháp kêu gọi Ngoại trưởng Blinken tận dụng cơ hội đang có mặt tại Trung Quốc cũng như các cuộc thảo luận với Trung Cộng để đàm phán và tìm cách ngăn chặn nạn buôn fentanyl vào Hoa Kỳ. Đó là dòng hoá chất chuyển từ Trung Quốc sang Mexico, để từ đó các băng đảng ma túy Mexico sản xuất fentanyl rồi vận chuyển vào Hoa Kỳ.
Hầu hết fentanyl bất hợp pháp ở Hoa Kỳ được sản xuất tại Mexico từ các chất liệu xuất phát từ Trung Cộng.
Các nhà lập pháp viết: “Kể từ năm 2018, mỗi năm số lượng thuốc có chứa fentanyl bị cơ quan công lực Hoa Kỳ tịch thu, đã tăng đáng kể, và từ năm 2020 đến năm 2021 đã tăng hơn gấp đôi. Cơ quan Phòng chống Ma túy Hoa Kỳ (DEA) nhận thấy rằng cứ 10 viên thuốc giả được kiểm tra thì có 6 viên chứa một lượng fentanyl gây tử vong. Ngoài ra, hồi năm ngoái, chỉ riêng DEA đã ‘thu giữ hơn 50 triệu viên thuốc giả và 10,000 pound (4,536 kg) bột fentanyl tương đương với khoảng 379 triệu liều fentanyl gây tử vong’. Đó là số lượng fentanyl đủ để sát hại tất cả người dân Hoa Kỳ”.
Tại Hoa Kỳ, những ca tử vong do fentanyl, một loại chất opioid tổng hợp mạnh gấp 50 lần so với heroin và 100 lần so với morphine, đã tăng vọt trong những năm gần đây.
Các chất opioid tổng hợp là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do dùng quá liều ở Hoa Kỳ. CDC ước tính rằng, ở Hoa Kỳ, mỗi ngày có hơn 150 người tử vong do “dùng quá liều các chất opioid tổng hợp như fentanyl”.
Dùng quá liều fentanyl hiện đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người Mỹ từ 18 đến 49 tuổi. Fentanyl đã đưa cuộc khủng hoảng opioid, vốn là một hiện tượng ở vùng nông thôn trong nhiều thập niên, lan sang cả khu vực thành thị.
Cũng góp phần vào tác động tàn phá mà fentanyl đã gây ra cho công chúng Hoa Kỳ là thực tế rằng chất này gây nghiện và chỉ cần một viên nhỏ cũng có độc tính mạnh, và những kẻ buôn bán ma túy đã trộn fentanyl vào các loại ma túy khác mà họ bán, như cocaine, heroin, marijuana, meth (còn gọi là ma túy đá) với mục đích để khách hàng quay trở lại để mua. Nhưng thường thì người buôn ma túy không nói cho khách hàng biết viên ma túy đó có chứa fentanyl.
Một bài luận mà RAND Corporation xuất bản hồi tháng 01/2020 đã xác định rằng “Fentanyl không giống bất cứ vấn đề ma túy nào khác trong lịch sử hiện đại. Có thể xem đó là một vụ ngộ độc hàng loạt chứ không phải một đại dịch ma túy thông thường”.
Các nhà lập pháp đã trích dẫn trong bức thư của họ: “Trong số 109,940 ca tử vong do dùng quá liều từ tháng 02/2022 đến tháng 02/2023, thì có đến 75,929 ca liên quan đến pentanyl bất hợp pháp. Ngoài ra, hồi năm ngoái, chỉ riêng DEA đã ‘thu giữ hơn 50 triệu viên thuốc giả và 10,000 pound (4,536 kg) bột fentanyl tương đương với khoảng 379 triệu liều fentanyl gây tử vong,’ lượng fentanyl đủ để sát hại mọi người dân trên lãnh thổ Hoa Kỳ”.
Bức thư đặt ra cho ông Blinken một loạt câu hỏi, như những loại hoạt động mà Bộ Ngoại giao đã và đang tham gia với các cơ quan khác nhằm chống buôn bán fentanyl, cũng như các cuộc đàm phán của Hoa Kỳ với Trung Cộng đã đạt được tiến triển gì.
Các nhà lập pháp đặt câu hỏi: “Nếu các nỗ lực ngoại giao không đạt được tiến triển có ý nghĩa, thì ông có thể sử dụng những công cụ nào để bảo vệ mạng sống của người Mỹ”?.
Họ cũng hỏi: “Có quyền hạn hoặc các phương án thay thế nào mà ông không có, nhưng Quốc Hội có thể cung cấp cho ông để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này?
Bức thư nói trên của các dân biểu Hạ Viện theo sau sự kiện Bộ Tư Pháp lần đầu tiên buộc tội các công ty và nhân viên có trụ sở và sinh sống tại Trung Cộng liên quan đến việc buôn lậu các hoá chất được dùng để chế tạo fentanyl. Những công ty đó đã công khai quảng cáo các loại hoá chất này trên các nền tảng truyền thông xã hội và âm thầm vận chuyển các chất này đến người mua. Hai trong số tám người bị buộc tội đã bị bắt. Chính phủ cũng thu giữ hơn 200 kg hoá chất cần thiết để sản xuất fentanyl.
Hoa Kỳ Trung Cộng Xây Dựng Đảo Gần Tòa Đại sứ Ở Manila
Hôm thứ Tư (02/08), Tòa Đại sứ Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại về các dự án cải tạo đất lớn ở Vịnh Manila gần Tòa Đại sứ được Hoa Kỳ bảo vệ nghiêm ngặt, do có sự tham gia của một công ty Trung Cộng nằm trong danh sách đen của Hoa Thịnh Đốn.
Phát ngôn viên Tòa Đại sứ Kanishka Gangopadhyay cho biết Hoa Kỳ cũng bày tỏ lo ngại về tác động môi trường gây ra bởi việc cải tạo đất ở Vịnh Manila trong các cuộc thảo luận với các viên chức chính phủ Philippines.
Các nhóm môi trường đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối các hoạt động khai thác kéo dài nhiều năm được chính phủ phê chuẩn, chủ yếu là do các công ty bất động sản tìm cách xây dựng các hòn đảo để đặt các khách sạn, sòng bạc, nhà hàng, và trung tâm giải trí cao cấp trong một vịnh nổi tiếng là ô nhiễm. Những người khác lo lắng rằng các tòa nhà cao tầng được xây dựng trên đất khai thác sẽ cản tầm nhìn của người dân về cảnh hoàng hôn nổi tiếng ở Vịnh Manila.
Ông Gangopadhyay cho biết trong một tuyên bố rằng: “Chúng tôi đã bày tỏ lo ngại về những tác động lâu dài và không thể đảo ngược đối với môi trường, khả năng phục hồi trước các hiểm họa tự nhiên của Manila và các khu vực lân cận, cũng như đối với thương mại.
“Chúng tôi cũng lo ngại rằng các dự án có liên hệ với Công ty Xây dựng Trung Cộng (CCCC), công ty này đã được thêm vào Danh sách Các Tổ chức Bị Theo Dõi của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ vì được quân đội Trung Cộng tài trợ để xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông”.
Các công ty Trung Cộng bị đưa vào danh sách này bị hạn chế giao dịch với bất cứ công ty Hoa Kỳ nào nếu không xin được giấy phép đặc biệt, gần như không thể xin được. Trung Cộng phản đối các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, xem các lệnh này là bất hợp pháp.
Công ty Xây dựng Giao thông Trung Cộng thuộc quyền kiểm soát của nhà cầm quyền Trung Cộng cho biết rằng Công ty TNHH Xây dựng Cảng Trung Cộng (CHEC), một trong những công ty con của họ, đã tham gia vào việc thi công xây dựng ba hòn đảo nhân tạo tại vịnh gần ngoại ô thành phố Pasay ở vùng thủ đô.
Thẩm phán đã về hưu của Tối Cao Pháp Viện Philippines, ông Antonio Carpio, một nhà phê bình chỉ trích thẳng thắn các hành động ngày càng hung hăng của nhà cầm quyền Trung Cộng ở Biển Đông, cho biết các công ty Trung Cộng đã tham gia hoạt động nạo vét và cải tạo đất rộng rãi để xây dựng các đảo cho Bắc Kinh trong vùng biển mà chủ quyền cai trị của Manila đã được giữ nguyên trong phán quyết trọng tài quốc tế — do đó các công ty này bị cấm kinh doanh tại Philippines.
Ông Carpio nói với thông tấn AP rằng, “Rõ ràng họ đã vi phạm luật môi trường của Philippines. Tệ hơn nữa, họ đã giúp Trung Cộng chiếm giữ các đảo và vùng biển của Philippines”.
Một phán quyết năm 2016 của một tòa trọng tài được thành lập ở La Haye theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã tuyên rằng các yêu sách bành trướng của Trung Cộng ở Biển Đông là vô hiệu dựa trên nền tảng lịch sử. Nhưng nhà cầm quyền Trung Cộng đã không tham gia vụ phân xử, đồng thời bác bỏ, không thừa nhận phán quyết của tòa, và tiếp tục thách thức phán quyết.
Hoa Thịnh Đốn không đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông nhưng đã nói rằng quyền tự do hàng hải và hàng không trong tuyến đường chiến lược — nơi một phần lớn thương mại của thế giới đi qua — và giải pháp hòa bình cho các tranh chấp kéo dài hàng thập niên là lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ Cấm Nhập Cảng Hàng Hóa Từ 2 Công Ty Trung Cộng Vì Sử Dụng Lao Động Cưỡng Bức
Bộ An ninh Nội địa (DHS) thông báo hôm 01/08, Hoa Kỳ đã cấm nhập cảng hàng hóa từ hai công ty có trụ sở tại Trung Cộng để “loại bỏ việc sử dụng thông lệ lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ”.
Theo thông báo, Tập đoàn Camel, nhà sản xuất pin acid-chì, Tập Đoàn Kỹ Nghệ Sinh Học Thần Quang (Chenguang Biotech Group), nhà sản xuất phụ gia thực phẩm và công ty con của họ là Tập đoàn Công nghệ Sinh học Thần Quang chi nhánh Yên Kỳ (Tân Cương), bị đưa vào danh sách đen vì tham gia “các hoạt động kinh doanh nhắm vào các nhóm bị bức hại, bao gồm cả người thiểu số Duy Ngô Nhĩ” ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
Tuyên bố có hiệu lực hôm 02/08 cho biết hành động thực thi này nhằm mục đích buộc nhà cầm quyền Trung Cộng phải chịu trách nhiệm về “tội ác diệt chủng và tội ác phản nhân loại đối với người Duy Ngô Nhĩ đang diễn ra” ở Tân Cương.
Bộ trưởng DHS Alejandro N. Mayorkas cho biết trong thông cáo báo chí, “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với tất cả các đối tác của mình để loại bỏ hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức từ Tân Cương ra khỏi thương mại Hoa Kỳ đồng thời tạo thuận lợi cho dòng thương mại hợp pháp”.
Theo DHS, cho đến nay, hai mươi bốn công ty đang bị trừng phạt theo Đạo luật Ngăn Chặn Lao Động Cưỡng Bức Người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA), được Tổng thống Joe Biden ký thành luật hồi tháng 12/2021.
Chủ tịch Lực Lượng Đặc Nhiệm Thực Thi Lao Động Cưỡng Bức, Thứ trưởng đặc trách vấn đề chính sách của DHS Robert Silvers cho biết, “Lực lượng Đặc nhiệm Thực thi Lao động Cưỡng bức tiếp tục gửi một thông điệp mạnh mẽ tới ngành kỹ nghiệp rằng Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng và chúng tôi sẽ luôn đứng lên chống lại các hoạt động khai thác lao động một cách tàn ác và vô nhân đạo”.
“Chúng tôi cam kết xóa sổ lao động cưỡng bức trên toàn thế giới”.
Tập đoàn Wagner trở lại châu Phi, gây nguy hại cho lợi ích của Trung Cộng
Sự hồi sinh của Tập đoàn Wagner ở châu Phi đang đặt ra một thách thức to lớn đối với lợi ích của Trung Cộng trong khu vực, có khả năng gây căng thẳng cho “tình hữu nghị không giới hạn” giữa Trung Cộng và Nga. Việc Điện Kremlin mất quyền kiểm soát đối với lực lượng quân sự tư nhân Wagner đã để lộ những vết rạn nứt trong nội bộ ban lãnh đạo Moscow, báo hiệu sẽ có một cuộc đấu tranh quyền lực.
Trọng tâm của xung đột lợi ích này tập trung vào châu Phi, nơi mà sự trở lại của Tập đoàn Wagner có thể dẫn đến sự hồi sinh và mở rộng các hoạt động đánh thuê và kinh doanh bảo mật của họ. Một diễn biến như vậy có thể gây nguy hiểm cho Sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ của Trung Cộng, đồng thời gây rủi ro cho lợi ích và nhân sự của Trung Cộng trong khu vực này.
Trung Cộng đang đánh giá mối đe dọa trong khu vực và tăng cường các biện pháp an ninh để bảo vệ các khoản đầu tư của mình.
Hôm 20/07, các bản ghi âm được BBC phân tích đã xác nhận sự tham gia của ông Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Tập đoàn Wagner, trong một cuộc phỏng vấn được cho là với một hãng truyền thông Phi Châu. Những tuyên bố của ông Prigozhin cho thấy rằng các hoạt động của Wagner ở châu Phi không hề suy giảm và sẽ tiếp tục không ngừng. Ông đã nhấn mạnh sự hợp tác liên tục của họ với nhiều quốc gia khác nhau trong việc thực hiện các hoạt động hiện tại và tương lai, đặc biệt là chống lại các băng nhóm và những kẻ khủng bố theo các thỏa thuận hợp đồng.
Những tuyên bố này lặp lại những tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, đã khẳng định rằng Tập đoàn Wagner và Nga sẽ tiếp tục hiện diện ở châu Phi bất kể có chuện gì đã xảy ra gần đây.
Hôm 21/07, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan đã tuyên bố trong Diễn đàn An ninh Aspen rằng những người lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner hiện không tham chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy lực lượng quân sự tư nhân này có thể đang tập hợp lực lượng ở châu Phi.
Tình hình này có thể có những tác động trầm trọng đến lợi ích của Trung Cộng trong khu vực. Sự đầu tư trực tiếp của Trung Cộng vào châu Phi đã tăng đều đặn kể từ năm 2003, đạt 5 tỷ USD vào năm 2021 từ mức chỉ 75 triệu USD vào đầu giai đoạn này.
Khi Trung Cộng tiếp tục mở rộng dấu chân của mình ở châu Phi, họ tìm kiếm sự bảo đảm an ninh từ Moscow để bảo vệ lợi ích của mình. Đồng thời, các công ty an ninh Trung Cộng hoạt động ở châu Phi như Tập đoàn Huawei, Tập đoàn Hoa Tín Trung An (Huaxin Zhongan), Kunlun, và Tập đoàn Dịch vụ Tiên Phong (Xianfeng) cũng phát triển nhanh chóng. Các công ty này chủ yếu hoạt động ở những khu vực tương đối an toàn như Ai Cập, Kenya, và Uganda. Tuy nhiên, một số công ty an ninh của Trung Cộng đang mạo hiểm đi vào những môi trường phức tạp và thách thức hơn. Điều đáng chú ý là các công ty an ninh Trung Quốc này không được trang bị vũ khí sát thương và phải phụ thuộc vào sự bảo vệ có vũ trang từ các tổ chức quân sự hoặc chính phủ địa phương.
Với việc ông Yevgeny Prigozhin bị đày sang Belarus, một phần đáng kể trong đội quân 25,000 người của Tập đoàn Wagner sẽ củng cố các hoạt động ở châu Phi dưới sự lãnh đạo mới. Viễn cảnh này đặt ra một thảm họa tiềm tàng cho lợi ích của Trung Cộng ở châu Phi. Sự hiện diện của lực lượng quân sự tư nhân Wagner có thể gây bất ổn cho môi trường an ninh và đặt Trung Cộng vào thế bất lợi trong khu vực này. Trong bất cứ cuộc xung đột nào với các lực lượng của Wagner, Trung Cộng có thể phải đối phó với những thách thức và rủi ro đáng kể.