Tin Hoa Kỳ và Thế Giới
Tối Cao Pháp Viện Bị Công Chúng Giám Sát
Thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, bà Amy Coney Barrett, cho biết tại một dịp sinh hoạt gần đây rằng, bà hoan nghênh sự giám sát của công chúng đối với tòa án, nhưng bản thân các thẩm phán cũng đang bị chú ý nhiều hơn so với các thế hệ trước.
Nhờ có Internet và mạng xã hội, giờ đây công chúng đã biết rõ khuôn mặt của từng thẩm phán.
Thẩm phán Barrett nói trong một hội nghị tư pháp ở Wisconsin vào hôm thứ Hai (28/8): “Người ta không nhận ra các thẩm phán là ai” trước khi có Internet. “Tôi cho rằng như thế sẽ tốt hơn. Tôi không nghĩ các thẩm phán nên bị nhận diện theo cách đó”.
Thẩm phán Barrett lưu ý rằng cả mặt tốt và mặt xấu của Tối Cao Pháp Viện thường xuyên được đưa lên các bản tin.
Bà nói:“Ở mức độ mà sự giám sát này thu hút người dân tham gia vào công việc của tòa án cũng như chú ý đến tòa án và hiểu được công việc của tòa án là gì và Hiến pháp quy định điều gì, thì đó là một bước phát triển tích cực. Ở mức độ mà sự giám sát mang lại cho công chúng những ấn tượng sai lầm — thì đó là một diễn biến tiêu cực”.
Bình luận của Thẩm phán Barrett được đưa ra sau khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã có các phán quyết ủng hộ phái bảo tồn truyền thống về một số vấn đề cụ thể trong năm vừa qua, khiến các thành viên Đảng Dân Chủ tức giận và gây ra các cáo buộc về đảng phái.
Những phán quyết đó bao gồm việc bác bỏ án lệ Roe vs Wade, từ chối chương trình thúc đẩy việc xóa khoản nợ sinh viên của chính phủ ông Biden, và hủy bỏ việc tuyển sinh vào đại học dựa trên chủng tộc.
Điều này đã khiến một số thành viên Đảng Dân Chủ đưa ra lời chỉ trích.
Hồi tháng Sáu, Dân biểu Ro Khanna (Dân Chủ-California) và Dân biểu Don Beyer (Dân Chủ-Virginia) đã giới thiệu lại “Đạo luật về Giới hạn Nhiệm kỳ và Bổ Nhiệm Thường Xuyên của Tối Cao Pháp Viện” nhằm thiết lập giới hạn nhiệm kỳ 18 năm đối với các thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện.
Ông Khanna nói trong một tuyên bố đề cập đến phán quyết phản đối việc xóa khoản nợ sinh viên: “Những Tổ Phụ Lập Quốc của chúng ta đã dự định bổ nhiệm suốt đời để bảo đảm tính công bằng. Quyết định ngày hôm nay chứng tỏ các thẩm phán đã trở nên có tính đảng phái và không còn phù hợp với công chúng Mỹ”.
Thẩm phán Barrett từng nói về cáo buộc đảng phái trong Tối Cao Pháp Viện vào tháng 09/2021 trong một buổi đàm luận do Trung tâm McConnell của Đại học Louisville tổ chức.
Bà nhấn mạnh rằng việc truyền thông khi đưa tin về các ý kiến của tòa án đã không lột tả được hết sự cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình đưa ra những kết luận như vậy.
Bà cho biết, “Các triết lý tư pháp không giống như các đảng phái chính trị. Nói rằng lý luận của tòa án là thiếu sót sẽ khác với việc nói rằng tòa án đang hành động thiên vị đảng phái”.
Bà nói: “Tôi nghĩ chúng ta cần đánh giá những gì tòa án đang làm dựa trên cơ sở riêng của tòa”.
Thẩm phán Barrett cũng đã nhắc đến việc bản thân bị soi xét, vốn là điều đi kèm với công việc thẩm phán.
Bà cũng cho biết; “Tôi đã trơ lì với việc đó rồi, và tôi nghĩ đó là điều mà tất cả các thẩm phán phải làm được”.
Thống Đốc Iowa Phản Đối Các Quy Định Mới Về COVID
Trước những tin đồn về lệnh phong tỏa, bắt buộc đeo khẩu trang, và các hạn chế khác liên quan đến COVID-19 sẽ được lặp lại trên khắp Hoa Kỳ, Thống Đốc tiểu bang Iowa đã trả lời rằng sẽ không có những hạn chế mới liên quan tới COVID-19 ở tiểu bang này. Mặc dù cũng có tin các ca nhiễm COVID đang gia tăng. Iowa vẫn giữ lập trường sẽ không tuân thủ lệnh phong toả của chính phủ liên bang.
Một số bệnh viện ở các nơi trên lãnh thổ Hoa Kỳ đã thông báo áp dụng lại quy định đeo khẩu trang. Một số khác chỉ áp dụng quy định khẩu trang cho nhân viên, trong khi đó một số văn phòng và trường học cũng áp dụng các quy định tương tự trong những ngày gần đây.
Chính quyền địa phương, các học khu, hoặc doanh nghiệp có thể đưa ra quy định đeo khẩu trang và các hạn chế khác liên quan đến COVID-19, áp dụng riêng cho lãnh vực của mình.
Bà Lina Tucker Reinders, Giám đốc điều hành Hiệp Hội Y Tế Công Cộng Iowa, cho biết, “Theo những gì tôi biết, không có hạn chế hay lệnh phong tỏa nào của chính phủ trong bất cứ hình thức nào. Không có bàn bạc gì về điều đó”.
Theo dữ kiện do Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) công bố, tính đến hôm 19/08, số ca nhập viện vì COVID-19 đã tăng nhiều trong nhiều tuần lễ. Tuy nhiên, các viên chức và bác sĩ cho biết mức tăng này tương đối nhỏ so năm 2020.
CDC cho biết: “Bất cứ ai cũng có thể lựa chọn đeo khẩu trang ở những khu vực đông người hoặc kém thông gió, kể cả trong các phương tiện giao thông công cộng và tại các trạm giao thông”.
Tin cho biết, hãng phim giải trí Lionsgate ở Nam California và một trường đại học ở Atlanta cũng thông báo về việc áp dụng lại quy định đeo khẩu trang. Tuy nhiên, tập đoàn y tế Kaiser Permanente, Lionsgate sau đó nói rằng, họ đang bị Sở Y tế Los Angeles gây áp lực.
Phát giác 1,000 Email Giữa Các Công Ty Có Liên Quan Đến Ông Hunter Biden Và Phó TT Joe Biden
Sau khi bị America First Legal (AFL) khởi kiện, Cơ Quan Quản Lý Hồ Sơ và Lưu Trữ Quốc Gia (NARA) đã xác định được hơn 1,000 thư điện tử (email) trao đổi giữa các tổ chức kinh doanh có liên quan đến ông Hunter Biden và cha ông, phó Tổng thống đương thời Joe Biden.
Hôm 30/08, AFL cho biết họ đã nhận được bảy kiện tài liệu liên quan đến một yêu cầu theo Đạo Luật Tự Do Thông Tin (FOIA) mà họ đã đệ trình hồi năm ngoái (2022) để yêu cầu cung cấp các cuộc liên lạc giữa các doanh nghiệp của gia đình Biden và Tổng thống Biden từ thời ông còn là phó tổng thống.
Với loạt tài liệu mới nhất này, AFL thông báo rằng NARA, ít ra phần nào, đã chuyển giao 861 các cuộc liên lạc qua thư điện tử được gửi đi từ tháng 01/2011 đến tháng 12/2013 liên quan đến phó tổng thống đương thời và công ty Rosemont Seneca, một tổ chức kinh doanh mà ông Hunter Biden đồng sáng lập. Phần lớn các thư điện tử này gồm các liên lạc trực tiếp giữa các nhân viên của Rosemont Seneca, trong đó có ông Hunter Biden, và Văn phòng Phó Tổng thống. AFL đã xác định các hồ sơ cho thấy ông Hunter Biden và các đối tác kinh doanh ở Rosemont Seneca đã giúp các đối tác kinh doanh của họ vào được Tòa Bạch Ốc.
Trong một loạt thư điện tử hồi tháng 06/2013, ông Hunter Biden đã được gửi một bản sao chép cuộc liên lạc từ Rosemont Seneca tới Văn phòng Phó Tổng thống, trong đó yêu cầu một chuyến thăm Tòa Bạch Ốc cho một đối tác kinh doanh của công ty đầu tư mạo hiểm Third Point. Một nhân viên của Rosemont Seneca đã mô tả cộng tác viên kinh doanh của Third Point này là “khách hàng của chúng tôi”.
Trong một trao đổi thư từ khác hồi tháng 12/2013, nhà vận động hành lang Doug Davenport đã liên lạc với thành viên Eric Schwerin của Rosemont Seneca, hỏi về việc nhận được các cơ hội vào phút cuối cho chuyến thăm Tòa Bạch Ốc cho một “anh chàng đến từ Apple”. Rosemont Seneca sau đó đã liên lạc với một nhân viên của Văn phòng Phó Tổng thống, yêu cầu được tham gia một chuyến thăm Tòa Bạch Ốc và nói rằng đó sẽ là một “ân huệ lớn dành cho ông Hunter”.
Tuy rằng NARA đã xác định được hàng trăm tài liệu cần được giao, nhưng trong số đó có nhiều tài liệu bị bôi đen một phần. Khoảng 200 tài liệu bị chặn lại nên hoàn toàn không được công khai và theo AFL, “Việc công bố [200 thư điện tử này] sẽ tiết lộ lời khuyên bí mật giữa Tổng thống và các cố vấn của tổng thống”.
Trước đó, vào đầu tháng này (08/2023), Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện đã yêu cầu các bản sao thư điện tử chưa bị bôi đen mà Tổng thống Biden có thể đã gửi cho con trai ông dưới nhiều bí danh khác nhau khi ông còn giữ chức phó tổng thống như Robert L. Peters, Robin Ware, và JRB Ware. Sau đó, một tổ chức đã đệ đơn kiện theo FOIA để có được những hồ sơ này và tuyên bố rằng NARA đã xác định được khoảng 5,400 hồ sơ trả lời — nhưng từ chối chuyển giao những cuộc liên lạc này.
Những hồ sơ về các cuộc liên lạc này được đưa ra khi đảng Cộng Hòa và những người theo phái bảo tồn truyền thống đang điều tra rằng nhiều doanh nghiệp khác nhau của gia đình Biden đã tham gia vào việc lợi dụng tầm ảnh hưởng để trục lợi, cho thấy rằng họ có thể đã có lần xin tiếp xúc Tổng thống. Ông đã nhiều lần phủ nhận mọi sự liên quan đến các giao dịch kinh doanh của con trai mình.
AFL là một tổ chức theo phái bảo tồn truyền thống và bao gồm các cựu thành viên cao cấp trong chính phủ cựu Tổng thống Donald Trump, bao gồm cả cựu cố vấn chính sách cao cấp Stephen Miller.
Báo chí yên cầu bình luận nhưng Tòa Bạch Ốc không đáp ứng trong lúc này.
Đã Đến Lúc Cấm Xe Điện?
Gần đây Sở Cứu Hỏa New York (FDNY) báo cáo rằng tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay đã có 108 vụ cháy ắc quy lithium-ion ở New York, khiến 66 người bị thương và 13 người thiệt mạng.
Theo Ủy viên Laura Kavanagh của FDNY: “Không có một chút lửa nào, chiếc xe chỉ phát nổ”. Hậu quả là đám cháy “rất khó dập tắt,… sự việc này rất nguy hiểm”.
Năm ngoái, đã xảy ra hơn 200 vụ cháy do ắc quy của xe đạp điện, xe điện (EV), và các loại xe điện khác.
Một vụ cháy bùng phát tại một cửa hàng xe đạp điện, khiến 4 người thiệt mạng vào gần nửa đêm sáng 20/6. Hai người còn lại trong tình trạng nguy kịch. Ủy viên sở cứu hỏa đã cảnh báo người dân New York rằng những thiết bị như vậy có thể rất nguy hiểm và thường phát nổ khiến nạn nhân không thể thoát ra ngoài.
FDNY cũng báo cáo rằng chỉ trong ba năm, con số các vụ cháy ắc quy lithium-ion đã vượt qua các vụ cháy do nấu ăn và hút thuốc vốn là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các vụ hỏa hoạn gây tử vong ở New York. Việc này đang xảy ra trên khắp đất nước vì những đám cháy như trên đã trở nên phổ biến. Xe hơi và xe đạp điện ngẫu nhiên phát nổ trên đường đi và ở gara.
Chuyện xảy ra bây giờ, 13 người thiệt mạng ở một thành phố cỡ New York với khoảng 8 triệu dân, không phải là một bệnh dịch. Các quy định phải luôn dựa trên việc tính toán lợi ích và thiệt hại.
Thế nhưng, những người hù dọa thuộc phe cánh tả, những kẻ hoàn toàn không chấp nhận và muốn cấm tất cả những gì có độ rủi ro nhỏ, từ ván lặn ở hồ bơi, bếp gas, ống hút nhựa, thuốc lá điện tử, pháo bông, v.v… lại chịu đựng vấn đề liên quan tới những người tử vong hoặc bị thương nặng do cháy bình ắc quy “xanh”.
Hồi năm 1965, ông Ralph Nader gần như đã đơn thương độc mã tuyên bố sự nguy hiểm của chiếc Chevrolet Corvair được nhiều người ngưỡng mộ — nổi tiếng với động cơ được đặt ở cốp sau của chiếc xe. Cuốn sách khiến nhiều người kinh ngạc, bán chạy nhất của ông Nader “Không an toàn ở mọi tốc độ”, công bố rằng chiếc xe này có thể gây tử vong. Nhưng không có bằng chứng thực sự nào cho tuyên bố đó, và cho đến ngày nay, không có số liệu thống kê đáng tin cậy nào về số lượng — nếu có — đã tử vong trên những chiếc Corvair do tai nạn từ phía sau.
Điều không thể chối cãi là xe điện sẽ gây ra nhiều ca tử vong hơn những chiếc Corvair từng gây ra.
Một ví dụ khác: Số người tử vong chỉ trong một thành phố trong một năm do ắc quy lithium-ion trong xe hơi nhiều hơn tổng số người thiệt mạng do vụ tai nạn nhà máy hạch tâm ở Đảo Three Mile năm 1979.
Tuy nhiên, sau vụ tai nạn đó, nhờ chiến dịch gây sợ hãi của các nhà bảo vệ môi trường (với sự trợ giúp của bộ phim bom tấn phản đối vũ khí hạch tâm “The China Syndrome” – Hội chứng Tàu Phù), đã không có nhà máy hạch tâm nội địa nào được xây dựng trong suốt ba thập niên qua. Trên thực tế các nhà máy hạch tâm không thải ra khí nhà kính.
Nhưng với xe điện, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đang phớt lờ mọi lo ngại về thiệt hại lớn liên quan về số người tử vong và bị thương. Tổng thống Joe Biden muốn yêu cầu gần như TẤT CẢ xe hơi mới, được bán ở Hoa Kỳ phải là xe điện từ năm 2032. Nếu điều đó xảy ra, hàng ngàn người dân Mỹ có thể mất đi sinh mệnh hoặc bị thương do các vụ cháy xe điện.
Đặc biệt, tất cả những điều này là đạo đức giả vì trước đây, câu thần chú của phe cánh tả là “không đổi máu lấy dầu”. Giờ đây, họ sẵn sàng đánh đổi máu để dùng xe điện. Điều trớ trêu là do tất cả năng lượng cần thiết để sản xuất cối xay gió, tấm pin mặt trời, và pin điện, các nghiên cứu mới,… cho thấy năng lượng xanh cũng gây ra ô nhiễm không khí.
Chính phủ Hoa Kỳ nên đưa ra các chính sách dựa trên những đánh giá rủi ro thực sự và thực tế, chứ không phải những nỗi sợ hãi sai lầm và chủ nghĩa giật gân.
GOP Yêu Cầu DOJ Cung Cấp Các Tài Liệu Từ Cuộc Điều Tra Hunter Biden
Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện đã kêu gọi Bộ Tư Pháp (DOJ) cho biết kết quả cuộc điều tra về ông Hunter Biden và cung cấp các tài liệu liên quan sau khi ông David Weiss được chỉ định làm biện lý đặc biệt.
Trong một bức thư đề hôm 28/08, các Dân biểu Đảng Cộng Hòa Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio), Jason Smith (Cộng Hòa-Missouri), và James Comer (Cộng Hòa-Kentucky) đã bày tỏ lo ngại và đặt câu hỏi với Bộ Trưởng Tư Pháp Merrick Garland về cách Bộ Tư Pháp (DOJ) quản lý cuộc điều tra đối với ông Hunter Biden.
Đặc biệt là, họ yêu cầu cung cấp mọi biên bản, chỉ thị, hoặc hướng dẫn về phạm vi mới, có liên quan đến việc bổ nhiệm ông Weiss trước ngày 11/09.
“Bây giờ ông đã chỉ định một cá nhân làm biện lý đặc biệt, đây là người đã giám sát tất cả những điều bất thường trong cuộc điều tra, người mà trong hai tháng qua đã tuyên bố rằng mình không cần tư cách biện lý đặc biệt, và là người chịu trách nhiệm về thỏa thuận nhận tội thất bại trước tòa và được nhiều người xem là một sự xấu hổ cho Bộ Tư Pháp”.
Ngoài ra, bức thư còn đặt câu hỏi về thời điểm bổ nhiệm ông Weiss, bởi vì ông này đã có thẩm quyền “tối cao” đối với vụ án trước khi trở thành biện lý đặc biệt.
Bức thư còn viết rằng, “Không rõ tại sao bây giờ, sau khi cuộc điều tra đã diễn ra được 5 năm, ông mới chọn bổ nhiệm ông Weiss làm biện lý đặc biệt, đặc biệt là sau khi ông và Bộ Tư Pháp tuyên bố rằng ông Weiss đã có thẩm quyền ‘tối cao’ đối với vụ án này”.
Những nhà lập pháp khẳng định rằng nếu ông Weiss có thẩm quyền như vậy, thì “không có lý do gì” để bổ nhiệm ông làm biện lý đặc biệt để “truy tố tội phạm liên bang ở bất cứ khu vực tư pháp liên bang nào phát sinh từ hoạt động điều tra những vấn đề này”.
Ông Weiss được bổ nhiệm sau khi hai người tố cáo của IRS chỉ trích cách các công tố viên giải quyết vụ án. Những người tố cáo này, đều là điều tra viên của IRS, cho rằng nhóm của ông Weiss đã tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ hơn về tội vi phạm thuế ở California và Hoa Thịnh Đốn, nhưng đã vấp phải sự phản đối trong việc đưa ra các cáo buộc ngoài phạm vi quyền hạn của họ.
Bức thư chỉ ra những mâu thuẫn trong các tuyên bố trước đây của cả ông Garland và ông Weiss về quyền hạn của ông Weiss, làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra sai lệch so với cách xem xét các tuyên bố của cuộc điều tra. Những tuyên bố này chỉ ra rằng ông Weiss nắm quyền “tối cao” nhưng không có ảnh hưởng chính trị nào để tiến hành cuộc điều tra khi ông thấy phù hợp.
Bức thư nêu rõ: “Những sai lệch này xảy ra trong khi ông Weiss, với sự trợ giúp và hậu thuẫn đầy đủ của Bộ Tư Pháp, giám sát cuộc điều tra ông Hunter Biden với tư cách là Biện lý Liên bang — trước khi nhận được tư cách biện lý đặc biệt”.
Bức thư trích dẫn nhiều điểm khác biệt so với các thủ tục trong quá trình điều tra, bao gồm đề nghị bỏ tên của ông Hunter Biden trong các tài liệu, những hạn chế trong thẩm vấn, và trì hoãn trong việc yêu cầu lệnh khám xét.
Bức thư đề cập đến các bản tin nói về “mối quan hệ cá nhân và thân thiết” giữa ông Weiss với ông Beau Biden, người anh quá cố của ông Hunter Biden. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự vô tư của ông Weiss.
Thống Đốc Georgia Bác Bỏ Phiên Họp Đặc Biệt Để Truất Phế Biện Lý Quận Fulton
Hôm 31/08, Thống đốc Georgia Brian Kemp đã bác bỏ yêu cầu của các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa của tiểu bang Georgia về việc tổ chức một phiên họp đặc biệt nhằm bãi miễn Biện lý Quận Fulton Fani Willis khỏi chức vụ vì đã can thiệp bầu cử.
Thống đốc cho biết nỗ lực đàn hặc bà Willis là không khả thi và có thể bị xem là vi hiến.
Ông Kemp nói, “Luật ở tiểu bang Georgia định rõ về các bước pháp lý có thể tiến hành nếu cử tri tin rằng các công tố viên địa phương của họ đang vi phạm lời thề, có hành vi trái đạo đức hoặc bất hợp pháp. Chừng nào tôi còn là thống đốc, thì chúng tôi sẽ tuân theo luật pháp và Hiến Pháp, bất kể có lợi có hại cho ai về mặt chính trị”.
Kể từ khi cựu Tổng thống Trump và 18 đồng bị cáo bị truy tố hồi tháng Tám, một số nhà lập pháp tiểu bang Georgia đã gợi ý tổ chức một phiên họp đặc biệt để truất phế bà Willis, mặc dù họ cần có đa số phiếu từ ⅔ số nhà lập pháp trở lên tại Thượng Viện tiểu bang để có thể kết tội. Đảng Cộng Hòa của Georgia có thể sẽ không có đủ số phiếu như vậy ở Thượng Viện.
Ông Clint Dixon, một nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa, nói rằng ông tin những bản cáo trạng đó “toàn bộ đều làm lợi cho bà Fani Willis và mục tiêu tệ hại của bà ấy, để trở thành một ngôi sao của phe tả”. Theo ông bà phải bị bãi miễn khỏi chức vụ. Còn Nghị sĩ tiểu bang Colton Moore, cũng là một thành viên Đảng Cộng Hòa, đã viết một lá thư yêu cầu ông Kemp triệu tập một phiên họp đặc biệt để điều tra bà Willis bởi vì “bà ta có hành vi lạm dụng quyền lực để truy đuổi cựu Tổng thống Donald J. Trump”.
Tuy nhiên ông Jon Burns, Chủ tịch Hạ viện thuộc Đảng Cộng Hòa của tiểu bang Georgia đã phát đi tín hiệu rằng ông không muốn cắt ngân sách cấp cho văn phòng Biện lý Quận Fulton, như một số đồng sự thuộc Đảng Cộng Hòa của ông đã đề nghị. Nhà lập pháp này cho rằng việc cứu giúp những nạn nhân cơn bão Idalia nên được lưu tâm nhiều hơn việc truy đuổi bà Willis.
Kể từ năm 2020, mối quan hệ giữa ông Kemp và cựu tổng thống Trump trở nên rạn nứt, sau khi ông Kemp tuyên bố không có gian lận cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống năm đó. Ông cũng từ chối tổ chức phiên họp lập pháp đặc biệt về những điểm bất thường trong bầu cử theo yêu cầu của cựu Tổng thống Trump.
Kể từ đó, ông Trump đã xem ông Kemp là một đảng viên Cộng Hoà “chỉ có trên danh nghĩa”. Năm ngoái, ông Trump đã gọi thống đốc Georgia là “thống đốc tệ hại nhất về ‘tính liêm chính trong bầu cử.’” Năm 2018, ông Trump đã từng bảo chứng cho ông Kemp khi ông Kemp tranh cử thống đốc đã đánh bại đối thủ thuộc Đảng Dân Chủ Stacey Abrams.
Ông Kemp vẫn cho rằng, không có cuộc đánh cắp bầu cử 2020 ở Georgia. Ông nói, “Các cuộc bầu cử của chúng ta ở Georgia diễn ra an toàn, dễ kiểm tra, và công bằng, và sẽ tiếp tục diễn ra như vậy chừng nào tôi còn là thống đốc”.
Thẩm phán Scott McAfee của Tòa án Tối cao Quận Fulton đã ấn định các phiên điều trần buộc tội cho ông Trump và 18 người khác vào ngày 06/09. Tuy nhiên, hôm 31/08, ông Trump đã tuyên bố vô tội trước mọi cáo buộc ở quận Fulton và từ bỏ quyền có mặt trong phiên tòa buộc tội.
Hoa Kỳ Phê Chuẩn Gói Viện Trợ Quân Sự Đầu Tiên Cho Đài Loan
Chính phủ Tổng thống Biden lần đầu tiên quyết định tăng cường khả năng tự vệ của Đài Loan thông qua một chương trình của Bộ Ngoại Giao, thường chỉ được sử dụng để giúp đỡ các quốc gia có chủ quyền.
Hôm 30/08, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã thông báo cho Quốc Hội về việc chuyển giao gói thiết bị quân sự trị giá 80 triệu USD thông qua chương trình Tài trợ Quân Sự Cho Ngoại Quốc (FMF).
Bộ Ngoại Giao tuyên bố: “FMF sẽ được sử dụng để tăng cường khả năng tự vệ của Đài Loan thông qua khả năng tự phòng thủ và kết hợp, cũng như nâng cao nhận thức về lãnh vực hàng hải và khả năng an ninh hàng hải”.
Thông báo này được hãng thông tấn The Associated Press đưa tin đầu tiên.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao đã xác nhận việc chuyển giao quân sự đầu tiên thuộc loại này với The Epoch Times. Trước đây, sự việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan đã được phê chuẩn bởi các cơ quan có thẩm quyền khác, không có hàm ý nhìn nhận Đài Loan là một quốc gia.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao cho biết “Hoa Kỳ đã áp dụng chương trình Bán Vũ Khí Quân Sự ra Ngoại quốc (FMS) cho Đài Loan trong nhiều năm. Tài Trợ Quân Sự Cho Ngoại Quốc (FMF) chỉ đơn giản là cho phép các quốc gia đối tác đủ điều kiện mua các vật phẩm, dịch vụ, và đào tạo quốc phòng của Hoa Kỳ thông qua FMS hoặc, đối với một số quốc gia hạn chế, thông qua chương trình tài trợ quân sự cho ngoại quốc đối với các hợp đồng thương mại trực tiếp (FMF/DCC)”.
Hồi tháng Giêng, Bộ Quốc Phòng Đài Loan đã công bố một trong những thương vụ mua vũ khí FMS lớn nhất trong những năm gần đây, khi đồng ý mua 100 hỏa tiễn không đối không Sidewinder, 60 hỏa tiễn chống hạm Harpoon, và các thiết bị quân sự khác từ Hoa Kỳ.
Vị phát ngôn viên này lưu ý rằng viện trợ quân sự mới nhất “không phản ảnh bất cứ thay đổi nào trong chính sách một Trung Quốc của Hoa Kỳ. Chúng tôi không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan. Hoa Kỳ cung cấp cho Đài Loan các vật phẩm và dịch vụ quốc phòng cần thiết để giúp Đài Loan duy trì khả năng phòng vệ”.
Hoa Kỳ không có mối bang giao chính thức với Đài Loan kể từ khi Hoa Thịnh Đốn thay đổi sự công nhận ngoại giao theo hướng có lợi cho Bắc Kinh vào năm 1979. Tuy nhiên, hai bên có mối quan hệ bền chặt dựa trên Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan, một đạo luật cho phép Hoa Kỳ cung cấp cho đảo quốc này các trang thiết bị quân sự để tự vệ.
Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Rời Trung Quốc Sau Các Cuộc Đàm Phán ‘Hiệu Quả’
Hôm 30/08, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã kết thúc chuyến thăm Trung Cộng, sau ba ngày đàm phán với các viên chức đảng mà bà gọi là “có hiệu quả”.
Theo bà Raimondo, thành tựu lớn nhất là hai nước bắt đầu liên lạc lại bình thường. Bà nói, “Đây là lần đầu tiên sau hơn 5 năm, một Bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ… đàm phán với Trung Cộng. Vì vậy, thành tựu đạt được là có được các cuộc thảo luận trực tiếp, đồng thời bàn bạc về một số thách thức lớn nhất trong thương mại và đầu tư cũng như về sự hợp tác thương mại của chúng ta”.
Bang giao song phương đã trở nên xấu đi vì một loạt vấn đề, từ hành động gây hấn của nhà cầm quyền Trung Cộng đối với Đài Loan tự trị cho đến việc xâm nhập vào hệ thống thư điện tử của Hoa Kỳ. Bà Raimondo đề cập rằng thư điện tử của chính bà đã bị tin tặc tấn công trong cuộc họp với các viên chức của chế độ, như một minh chứng về hành động làm xói mòn lòng tin vào thời điểm chúng ta đang cố gắng ổn định mối bang giao và tăng cường các đường dây liên lạc.
Chính phủ Biden đang tìm cách mở lại đường dây liên lạc cao cấp với Trung Cộng. Nhà cầm quyền cộng sản ở Bắc Kinh đã cắt đứt liên lạc với Hoa Thịnh Đốn về quân sự, khí hậu, và một số lãnh vực quan trọng khác vào tháng 08/2022, sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ Viện đương thời Nancy Pelosi.
Cho đến nay, chế độ này đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán về riêng vấn đề khí hậu. Đường dây điện thoại nóng giữa quân đội hai nước vẫn trong trạng thái đóng băng, mặc dù ông Blinken liên tục đề cập đến vấn đề này trong chuyến đi tới Trung Cộng.
Trong cuộc gặp gỡ Bí thư Thành ủy Thượng Hải Chen Jining hôm 30/8, bà Raimondo cho biết điều quan trọng là phải có mối liên hệ kinh tế ổn định giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Bà hy vọng cuộc trò chuyện của họ nhằm mang lại một môi trường kinh doanh dễ dự đoán hơn, môi trường pháp lý dễ dự đoán hơn, và một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Thượng Hải.
Những thách thức đặt ra đối với các công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Cộng không chỉ giới hạn ở các vấn đề như các khoản trợ cấp của nhà nước cho các công ty đối thủ của họ ở Trung Quốc và đánh cắp tài sản trí tuệ. Bà Raimondo cho biết, có một loạt vấn đề mới như “các khoản tiền phạt quá cao mà không có bất cứ lời giải thích nào” và các cuộc đột kích vào các công ty Hoa Kỳ.
Luật chống gián điệp được diễn đạt mơ hồ, có hiệu lực từ ngày 01/07, đã mở rộng phạm vi “hoạt động gián điệp” để bao gồm “văn bản, dữ kiện, tài liệu, hoặc đồ vật liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia” mà không nêu rõ những gì thuộc phạm vi an ninh quốc gia.
Bà nói với các phóng viên trên chuyến tàu cao tốc đến Thượng Hải vào đêm 29/08, “Càng ngày tôi càng nghe thấy nhiều doanh nghiệp Mỹ ta thán rằng không thể đầu tư ở Trung Cộng vì môi trường kinh doanh chứa quá nhiều rủi ro”.
Hôm 29/08, bà Raimondo đã thảo luận các vấn đề chính liên quan đến doanh nghiệp và công nhân Hoa Kỳ với Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng, trong đó có việc trợ cấp cho các công ty Trung Cộng và vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ chưa được phát triển. Bà cũng nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ với Thủ tướng Lý Cường về việc đối xử công bằng và tạo sân chơi bình đẳng cho nhân viên và doanh nghiệp Mỹ.
Trong chuyến đi tới Trung Quốc, bà Raimondo đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Cộng Vương Văn Đào và Bộ trưởng Bộ Văn Hóa và Du Lịch Hồ Hòa Bình trước đó. Bà cho biết bà đã có những cuộc trò chuyện thẳng thắn, mang tính xây dựng, đồng thời lặp lại vài lần quan điểm của mình rằng Hoa Kỳ không tìm cách tách rời với Trung Cộng, nhưng đối với an ninh quốc gia, thì không thỏa hiệp.
Trung Cộng Đã Thâm Nhập Sâu Rộng Vào Thể Chế Hoa Kỳ
Trong Chiến tranh Lạnh, chính phủ Hoa Kỳ, các doanh nghiệp lớn, và những người người dân bình thường của Mỹ đã làm mọi cách để ngăn chặn sự xâm nhập và hoạt động gián điệp của Liên Xô. Công bằng mà nói, đôi khi điều này dẫn đến những cáo buộc vô căn cứ — chẳng hạn như các phiên điều trần đối với ông McCarthy.
Tuy nhiên, phần lớn thì, sự cảnh giác cao độ và ngờ vực về mối đe dọa của cộng sản Liên Xô là rất có cơ sở.
Ngày nay, Hoa Kỳ phải đối phó với một mối đe dọa mới của cộng sản, được cho là nguy hiểm hơn nhiều so với mối đe dọa từ Liên Xô hoặc các nước chư hầu của Liên Xô. Mối hiểm họa này mang tên Đảng Cộng sản Trung Quốc, hay còn gọi là Trung Cộng, và dù tin hay không, thì kẻ thù mới và có khả năng đáng lo ngại hơn, đã cắm rễ sâu vào Hoa Kỳ.
Trung Cộng đã thâm nhập sâu vào hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, từ giáo dục đại học đến các lớp trung học đề nhị cấp.
Kể từ năm 2004, ĐCSTQ đã tài trợ cho hơn 100 “Viện Khổng Tử” tại các trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ. Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, các Viện Khổng Tử “đẩy mạnh việc đào tạo văn hóa Trung Hoa và Hoa ngữ lệch lạc cho sinh viên Hoa Kỳ như một phần trong nỗ lực tuyên truyền đa diện của Bắc Kinh”. Đó là lý do tại sao gần đây Bộ Ngoại Giao đã dán nhãn các việc này là “một sứ mệnh ở ngoại quốc của Trung Cộng”.
Có lẽ thậm chí đáng lo ngại hơn nữa, Trung Cộng còn vận hành “các Lớp học Khổng Tử” tại rất nhiều trường trung học của Hoa Kỳ. Như Bộ Ngoại Giao lưu ý, tính đến năm 2020, “có khoảng 500 Lớp học Khổng Tử được đặt ở các học khu trung học”.
Trung Cộng cũng đã thâm nhập vào mạng xã hội, nhất là thông qua ứng dụng hết sức phổ biến TikTok. Cũng như tất cả các công ty Trung Cộng, ByteDance — ông chủ của TikTok — phục tùng đảng Trung Cộng và phải tuân theo mệnh lệnh của đảng Trung Cộng. Năm 2020, Bộ Tư Pháp tuyên bố TikTok là một “cơ quan ngôn luận” của Trung Cộng và tiết lộ rằng Giám đốc điều hành của họ đã “cam kết thúc đẩy” nghị trình của Trung Cộng.
Ngoài việc truyền bá đến giới trẻ của chúng ta trong các trường công lập và thu hút rất nhiều người dân Hoa Kỳ vào một ứng dụng cung cấp cho họ những video ngốc nghếch một cách không ngừng nghỉ (hoàn toàn khác với phiên bản dành cho người Tàu), Trung Cộng cũng đã có được chỗ đứng ở Hoa Kỳ bằng mua rất nhiều đất nông nghiệp, một số trong đó nằm gần các cơ sở quân sự nhạy cảm.
Chẳng hạn, năm 2022, một công ty Trung Cộng đã mua 300 mẫu đất nông nghiệp nằm cách Căn cứ Không Quân Grand Forks chỉ 20 phút, mà theo báo cáo của CNBC, căn cứ này là “nơi có một số kỹ nghệ phi cơ không người lái quân sự nhạy cảm nhất Hoa Kỳ” và đóng vai trò là “trục chính của tất cả thông tin liên lạc quân sự của Hoa Kỳ trên khắp toàn cầu”, theo một nghị sĩ của tiểu bang. Theo một báo cáo năm 2021 của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, Trung Cộng sở hữu hơn 384,000 mẫu đất nông nghiệp của Hoa Kỳ. Hơn nữa, xu hướng này đang gia tăng ở mức đáng báo động.
Một mối đe dọa khác đang gia tăng ở mức đáng báo động là số lượng không kiểm soát nam thanh niên Trung Cộng vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico trong những năm gần đây. Như Dân biểu Mark Green (Cộng Hòa-Tennessee), Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ Viện gần đây đã tuyến bố, “rất có thể” Trung Cộng tổ chức cho lính Trung Cộng vượt biên trái phép.
Căng Thẳng Giữa Trung Cộng Và Ấn Độ Leo Thang
Mặc dù Trung Cộng, Nga, và Nam Phi đã giành chiến thắng trong cuộc chiến mở rộng khối các nền kinh tế thị trường mới nổi BRICS, nhưng kế hoạch của họ nhằm thiết lập một loại tiền tệ mới được bảo đảm bằng vàng để cạnh tranh với đồng dollar Mỹ.
Các thành viên hiện tại của khối BRICS là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Cộng, và Nam Phi. Khối này đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 15 tại Johannesburg từ ngày 22/08 đến ngày 24/08.
Bắc Kinh, Moscow, và Pretoria muốn BRICS trở thành lực lượng “đối trọng” với Tây phương như một phần của “Trật tự Thế giới Mới”.
Hôm 24/08, các nhà lãnh đạo của khối BRICS thông báo rằng sáu thành viên mới, bao gồm cả Iran, sẽ gia nhập khối này vào tháng Giêng năm tới.
Năm quốc gia còn lại là Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Saudi Arabia, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Cô Sanusha Naidoo, một nhà phân tích độc lập về chính sách ngoại giao làm việc tại Johannesburg, cho biết: “Việc kết nạp chế độ độc tài Hồi Giáo Iran, có mưu toan trở thành cường quốc hạch tâm, rõ ràng là có ý xúc phạm Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ”.
Các quốc gia thành viên hiện tại trong khối BRICS cho biết các nhóm như G-7, G-20, Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và Ngân hàng Thế giới đều “ủng hộ Tây phương” và không đại diện cho lợi ích của khu vực Nam Bán Cầu.
Trong khi chào đón các thành viên mới, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình gọi sự mở rộng lần này của BRICS là một dấu mốc quan trọng “mang tính lịch sử”.
Tập Cận Bình nói rằng: “Điều này sẽ mang lại sức sống mới cho cơ chế hợp tác của khối BRICS, đồng thời củng cố hơn nữa lực lượng bảo vệ hòa bình và sự phát triển của thế giới”.
Một viên chức Nam Phi tại hội nghị thượng đỉnh cho biết, sự mở rộng gấp gáp này do Trung Cộng thúc đẩy và được Nga và Nam Phi đã bày tỏ sự ủng hộ. Tuy nhiên, Ấn Độ và Brazil lại tỏ ra do dự vì sợ rằng việc kết nạp thêm thành viên mới nằm trong toan tính của Bắc Kinh và Moscow nhằm sử dụng BRICS để đối đầu với Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ.
Nga, Bắc Hàn Tổ Chức Các Cuộc Đàm Phán Bí Mật Về Vũ Khí
Tòa Bạch Ốc cho biết, Nga và Bắc Hàn đang tổ chức các cuộc đàm phán bí mật để đi đến thỏa thuận vũ khí cho cuộc chiến xâm lăng Ukraine.
Theo phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia John Kirby, Bình Nhưỡng đã cung cấp hỏa tiễn và phi đạn cho Moscow, để nhóm lính đánh thuê Wagner sử dụng ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến và hiện đang xem xét thêm hỗ trợ về mặt quân sự.
Ông Kirby nói trong cuộc họp báo hôm 30/08, “Bắc Hàn đã chuyển hỏa tiễn và phi đạn vào Nga để nhóm Wagner sử dụng. Kể từ đó, Nga đã tích cực mua thêm vũ khí từ Bắc Hàn. Chúng tôi có thêm tin tức rằng các cuộc đàm phán vũ khí giữa Nga và Bắc Hàn đang tiến triển”.
Ông Kirby nói rằng cho dù Bình Nhưỡng khăng khăng rằng họ sẽ không cung cấp thêm viện trợ cho Moscow, nhưng tin tình báo mới cho thấy Moscow đang tìm cách mua “số lượng lớn và nhiều loại vũ khí khác nhau cũng như các nguyên liệu và phụ tùng điện tử dùng cho kỹ nghệ quân sự” để sử dụng trong các hệ thống quân sự.
Ông Kirby cho biết, tin tình báo cũng cho thấy có sự trao đổi thư từ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un.
Việc trao đổi thư từ này diễn ra sau hai cuộc đàm phán trực tiếp công khai giữa các viên chức Nga và Bắc Hàn, trong đó Moscow tìm cách mua vũ khí từ Bình Nhưỡng. Cuộc họp đầu tiên do Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tiến hành. Theo sau cuộc họp đó là một phái đoàn viên chức khác của Nga đến thăm Bình Nhưỡng.
Theo Kirby, Hoa Kỳ dự đoán rằng “các cuộc thảo luận cấp cao có thể sẽ tiếp tục trong những tháng tới”. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thu thập tin tình báo và vạch trần những nỗ lực của bất cứ bên nào nhằm trợ giúp Nga xâm lăng Ukraine.